Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giải ngân đầu tư công quá chậm, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương mở "chiến dịch" giải ngân
Lê Quân - 04/12/2022 09:56
 
Trước tình trạng giải ngân đầu tư công tại Bình Dương rất chậm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Dương mở "chiến dịch" thúc đẩy giải ngân đầu tư công tới ngày 31/01/2023.

Chiều 3/12, tại Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với  tỉnh Bình Dương chiều 3/12
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương chiều 3/12

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh năm 2022.

Về kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16,8%.

Thu ngân sách ước đạt 61.940 tỷ đồng, đạt 103% dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ USD (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ USD, tăng 9%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2022, Bình Dương đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch.

Về đầu tư công, tính đến ngày 30/11/2022, tổng giá trị giải ngân của Bình Dương đạt 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,1% kế hoạch). Tỉnh Bình Dương phấn đấu đến 30/1/2023 tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch.

Liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh Bình Dương kiến nghị với Thủ tướng một số cơ chế để đầu tư Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; đường sắt Bàu Bàng-Thị Vải-Cái Mép; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An.

Đối với vấn đề vốn đầu tư, Bình Dương kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức trần dư nợ vay của ngân sách địa phương như TP.HCM và Hà Nội để tỉnh tiến hành các thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Đồng thời, cho phép tỉnh tạm ứng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm và cho phép tỉnh điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Thủ Dầu Một.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu tỉnh Bình Dương phân tích kỹ hơn các nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công vẫn chậm. Thủ tướng cho biết qua kiểm tra dự án Bệnh viện đa khoa Bình Dương thì thấy rằng khâu chuẩn bị đầu tư không tốt.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương mở "chiến dịch" thúc đẩy giải ngân đầu tư công tới ngày 31/01/2023, kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao.

Thủ tướng nghe báo cáo tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường cao tốc TP.HCM -Thủ Dầu Một - Chơn Thành ngày 3/12

Về các đề xuất, kiến nghị của Bình Dương, Thủ tướng đồng ý và yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với Bình Dương để giải quyết.

Riêng đối với tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM đoạn qua Bình Dương, Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu, học tập môt hình đầu tư của các địa phương khác như Quảng Ninh. Trong đó, tỉnh đầu tư một phần, nhà đầu tư PPP đầu tư phần còn lại nhưng khai thác cả đoạn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Về tình hình kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp có liên quan tới bất động sản, phát hành trái phiếu.

Liên quan đến phát triển bất động sản, Thủ tướng lưu ý những vị trí "đất vàng" phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm, từ đó thu hút người đến làm việc, người đến ở, phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục. Khi đó mới có thể phát triển bền vững các dự án đô thị, bất động sản…

Thủ tướng nhấn mạnh: "Bình Dương phải xem công việc của doanh nghiệp như việc của mình, xem khó khăn của họ như của mình, xem thành công của họ như thành quả của chính mình. Càng trong khó khăn càng phải phối hợp chặt chẽ, mỗi người, mỗi bên cùng cố gắng, chia sẻ, thậm chí hy sinh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân".

Đối với các vấn đề khác, Thủ tướng yầu cầu Bình Dương phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; thúc đẩy tiêm chủng vaccine, phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, sáng cùng ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát một loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng gồm: đường cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; tuyến đường sắt Bàu Bàng-Thị Vải, Cái Mép; tuyến metro Suối Tiên-TP mới Bình Dương–Bàu Bàng; tuyến Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 TP.HCM, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Bình Dương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư