Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Giải ngân vốn đầu tư công: Nỗ lực được đền đáp
Nguyên Đức - 02/12/2020 09:09
 
Nỗ lực đã được đền đáp. Đó là điều có thể khẳng định khi số liệu thống kê về giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của năm 2020 được công bố.
.
.

Chưa bao giờ, tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công cao như vậy. 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Nên nhớ, 11 tháng năm ngoái, tốc độ tăng chỉ là 7%. Thậm chí, năm 2013, giải ngân vốn đầu tư công còn giảm 0,2%; năm 2014 chỉ tăng 0,8%. Và trong cả giai đoạn từ 2011 đến 2019, năm cao nhất - năm 2016, tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ 15%. Vậy mà năm nay, con số là 34%, cao hơn gấp đôi so với mức đạt được của năm 2016.

Đạt được kết quả này, rõ ràng là do sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương trong tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.

Nhưng hơn hết và bắt nguồn trước tiên, là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Liên tiếp kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc họp giao ban để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ liên tục hối thúc, rằng không được để tình trạng có tiền mà không tiêu được, rằng phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, sẽ có chế tài nghiêm, thật mạnh để xử lý những nơi chậm giải ngân…

Không chỉ họp trực tuyến, Chính phủ cũng đã thành lập các đoàn công tác để xuống từng địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho giải ngân vốn đầu tư công… Quyết liệt đến mức, chỉ hai ngày sau Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, tổ chức hôm 2/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập một đoàn công tác đi tới các địa phương để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Và không chỉ là đợt này, năm nay, liên tục các đoàn công tác từ Chính phủ, từ Trung ương đã xuống địa phương để đôn đốc tình hình. Ở các địa phương cũng thể, lãnh đạo tỉnh cũng rốt ráo từng dự án, từng công trình… Để đến hôm nay, những nỗ lực đã được ghi nhận bằng số vốn giải ngân tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công tăng cao là một trong những căn nguyên cơ bản để kinh tế Việt Nam dần hồi phục, đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều nền kinh tế, nhiều đối tác lớn của Việt Nam lâm cảnh suy thoái.

Tuy vậy, cũng cần phải thẳng thắn rằng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Mới chỉ có hơn 400.000 tỷ đồng được giải ngân sau 11 tháng. Nghĩa là vẫn còn 200.000 tỷ đồng nữa đang đợi được đưa vào nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài - ODA. Tháng trước, Chính phủ đã phải tổ chức riêng một cuộc họp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, khi sau 10 tháng, mới có hơn 18.000 tỷ đồng được đưa vào thực hiện, bằng hơn 30% vốn được giao.

Nhiệm vụ còn lại của tháng 12, tháng cuối cùng của năm, vì thế còn rất lớn. Vấn đề ở đây không chỉ là làm sao giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch trong năm nay, mà còn tiếp tục nối dài những nỗ lực trong năm sau và cả những năm tiếp theo. Làm sao không để lặp lại tình trạng có tiền mà không tiêu được, vừa lãng phí nguồn lực, vừa lãng phí cả cơ hội để nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.

Những điểm nghẽn ảnh hưởng tới giải ngân vốn đầu tư công, từ chuẩn bị dự án, từ phân bổ vốn đầu tư, đến giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực nhà thầu… cần sớm được giải tỏa. Ở góc độ khác, dài hơi hơn, việc chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng là cách để chậm giải ngân vốn đầu tư công không còn là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế.

Tiền Giang - điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công
Trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã chủ động đề ra các giải pháp để vượt qua thách thức, đưa kinh tế - xã hội của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư