Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Giải quyết thách thức tài chính cho chuyển đổi kép
Kỳ Thành - 13/11/2024 08:47
 
Để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon, cần có hành lang chính sách, cơ chế hiệu quả.

“Nguồn lực tài chính là trở ngại lớn nhất trong sẵn sàng xanh của doanh nghiệp”, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam nêu nhận định này tại Hội thảo thường niên Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11.

Theo bà Ngọc, môi trường chính sách và môi trường kinh doanh xanh vẫn chưa rõ ràng, dẫn tới khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài chính từ các ngân hàng thương mại, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ không có tài sản thế chấp, hay các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi kép, UNDP đã có chương trình có hỗ trợ doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp tác động xã hội chuyển đổi số.

Bà Ngọc chia sẻ, hiện có một số công cụ tài chính đã được biết đến trên thế giới như công cụ thị trường trái phiếu hay tại Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng thị trường carbon, doanh nghiệp nên cân nhắc để chủ động tham gia.

Luật sư Vũ Minh Tiến, Thành viên HĐQT VIAD Group. Ảnh: Chí Cường

Chia sẻ chung quan điểm với bà Ngọc, Luật sư Vũ Minh Tiến, Thành viên HĐQT VIAD Group cho rằng, các doanh nghiệp chưa mặn mà với chuyển đổi kép là bởi chi phí không dễ tiếp cận.

“Câu chuyện chuyển đổi kép đang được xây dựng nhiều là của doanh nghiệp lớn, đáp ứng với các tiêu chí của quốc tế. Nhưng đặc thù Việt Nam có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ vẫn còn khó khăn trong chuyển đổi kép. Mặc dù đã có Nghị định 80 và một số thông tư cụ thể với cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng để họ tiếp cận được là cả vấn đề, đây là bài toán cần phải gỡ”, ông Tiến nói.

Về tín chỉ carbon, dù được nhắc đến nhiều nhưng theo ông Tiến, khung pháp lý Việt Nam hiện nay chưa đầy đủ để hình thành thị trường tín chỉ carbon đúng nghĩa, dự kiến đến năm 2028 mới hình thành thị trường carbon hoàn chỉnh.

Trong quá trình chờ đợi, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị cụ thể về chiến lược, bởi sau thoả thuận Paris về giảm phát thải carbon, các nước đang phát triển có nhiều cơ hội hơn bởi chưa phát thải quá nhiều.

Ông Tiến nhận định, việc xây dựng tín chỉ carbon là tất yếu, giúp giảm thải và tăng khả năng thích ứng với cơ chế quốc tế về định giá. Việt Nam có thị trường carbon Việt Nam rất dồi dào, đem tín chỉ carbon trở thành tài nguyên quốc gia, khai thác hiệu quả, cần hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai được ngay, để sẵn sàng hội nhập bởi khoảng cách Việt Nam và EU đang ở rất xa.

Dẫn chứng trong lĩnh vực bất động sản, ông Vũ Minh Tiến cho biết, chuyển đổi kép trong ngành bất động sản đã xuất hiện tại một số khu công nghiệp từ 20 năm trước, nhưng mức quan tâm của doanh nghiệp bất động sản đối với chuyển đổi xanh còn chưa cao. Đến nay cả nước mới chỉ có khoảng 4 khu công nghiệp sinh thái.

“Để đầu tư một doanh nghiệp bất động sản xanh phải đầu tư hạ tầng bài bản, nguồn lực lớn nhưng khi dự án không được cấp tín dụng xanh, doanh nghiệp sẽ bị vướng. Hiện một số ngân hàng đã áp dụng trái phiếu xanh, tiền gửi xanh, đầu vào có rồi nhưng cần đầu ra, bởi vậy cần hành lang chính sách, cơ chế hiệu quả để tất cả cùng nhìn cùng đánh giá để thúc đẩy dự án xanh”, ông Vũ Minh Tiến nói.

Doanh nghiệp không chuyển đổi kép sẽ tụt hậu, giảm năng lực cạnh tranh
Đó là nhận định được bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Tiên phong chuyển đổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư