Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giảm lãi vay, kích cầu tín dụng cuối năm
Thùy Vinh - 05/11/2020 08:16
 
Các ngân hàng từng bước điều chỉnh chi phí đầu vào để giảm lãi vay đầu ra, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng như kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.
.
.

Lãi vay chạm mốc 4,5%/năm

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, số liệu thống kê về doanh nghiệp rời thị trường có thể là chưa đầy đủ, bởi còn có một lượng không nhỏ doanh nghiệp âm thầm đóng cửa. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ từ Nhà nước chưa nhiều, khả năng hấp thụ chính sách chưa cao. Vì vậy, với mục tiêu sẻ chia khó khăn, tiếp sức kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, gần đây, nhiều ngân hàng đã liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Mức thấp nhất hiện chạm mốc 4,5%.

Khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn để sản xuất, chế biến trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp được Nam A Bank hỗ trợ vay với lãi suất chỉ từ 9,5%/năm. Nam A Bank còn hỗ trợ khách hàng hạn mức đến 85% nhu cầu về vốn, thời hạn cho vay đến 120 tháng.

Trong khi đó, HDBank vừa thông báo đưa lãi suất của gói Swift SMEs trị giá 5.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuống còn từ 6,2%/năm.

Vietcombank hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong mùa cao điểm cuối năm, với mức lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm còn từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản vay mới giải ngân từ ngày 13/10.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với Covid-19, Agribank thông báo giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay.

Không chỉ với doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt còn triển khai gói vay ưu đãi 3.500 tỷ đồng dành cho cá nhân, với lãi suất ưu đãi từ 7,99%/năm. Vietcombank cũng giảm hàng loạt lãi suất cho vay trong lĩnh vực tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, ô tô, tiêu dùng… với lãi suất từ 6,79%/năm. Ngân hàng Shinhan Việt Nam giảm lãi suất cho vay mua nhà xuống còn từ 6,5%/năm.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, với xu hướng lãi suất đang dần đi xuống, cơ cấu vốn cá nhân vay mua nhà, xe ô tô và tiêu dùng sẽ tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, với mức lạm phát năm nay khoảng 4%, thì lãi suất hiện vẫn cao. Để có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, theo ông Lịch, lãi suất cần giảm hơn nữa.

Tín dụng có tăng?

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm là 1,5 - 2%, qua đó, tạo ra nguồn vốn rẻ hơn cho ngân hàng thương mại.

Theo SSI Research, lãi suất tiền gửi đang dao động ở mức 3 - 3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9 - 5,8%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng. SSI Research cho rằng, lãi suất sẽ giữ ở vùng thấp trong những tháng tới, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khá khiêm tốn và Ngân hàng Nhà nước vẫn nhấn mạnh việc giảm lãi suất để giúp ngân hàng thương mại có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

Theo thông tin của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), sau 6 tháng tăng trưởng thấp (tháng 1 tăng 0,01%, tháng 2 tăng 0,2%, tháng 3 tăng 1,3%, tháng 4 tăng 1,42%, tháng 5 tăng 1,96%, tháng 6 tăng 3,63%), trong quý III/2020, tín dụng của cả nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc, tích cực.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hồi phục dần từ tháng 7 với tốc độ tăng trưởng đạt 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và tính chung 9 tháng, tín dụng tăng 6,09% so với cuối năm 2019 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2020 cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động, cho vay giảm trong quý này và cả năm 2020. Mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong quý IV/2020.

Lãi suất giảm sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng. Thực tế tín dụng tại nhiều ngân hàng đã cải thiện từ quý III/2020. Đến ngày 30/9, cho vay khách hàng của Sacombank tăng 8,2%, đạt 320.215 tỷ đồng. Dư nợ của VIB đạt gần 150.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020, tăng 15,3% so với đầu năm nay. Đây là mức tăng trưởng cao so với các ngân hàng khác.

Dư nợ tín dụng của TPBank đạt trên 124.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020. Cho vay khách hàng của Vietcombank trong 9 tháng đầu năm tăng 6,7%, đạt 783.757 tỷ đồng. Còn VPBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 16,5% trong 3 quý đầu năm.

Về tăng trưởng tín dụng, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 6,1%, so với mức tăng cùng kỳ năm trước là 9,4%.

Theo ông Tú, trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và các doanh nghiệp có sự hồi phục, xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ tiếp tục cải thiện, thì tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay có thể đạt 8 - 10%.

Theo thông tin của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), sau 6 tháng tăng trưởng thấp (tháng 1 tăng 0,01%, tháng 2 tăng 0,2%, tháng 3 tăng 1,3%, tháng 4 tăng 1,42%, tháng 5 tăng 1,96%, tháng 6 tăng 3,63%), trong quý III/2020, tín dụng của cả nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc, tích cực.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hồi phục dần từ tháng 7 với tốc độ tăng trưởng đạt 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và tính chung 9 tháng, tín dụng tăng 6,09% so với cuối năm 2019 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp ngóng ngân hàng thiết lập mặt bằng lãi vay mới
Nhiều năm lăn lộn trên thương trường, ông Lê Văn An, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco) rất tâm tư,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư