Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Lãi vay giảm, tín dụng vẫn tăng chậm
Vân Linh - 18/04/2020 08:23
 
Nhằm kích cầu tín dụng, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi, song tín dụng vẫn tăng chậm.
.
Dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng 1,3%, đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Giải ngân vốn không như kỳ vọng

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng, lợi nhuận năm 2020 của 4 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank giảm ít nhất 40% khi các ngân hàng này cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Với khối ngân hàng tư nhân, lãi suất cho vay đã được giảm từ 0,5 - 4,5%/năm đối với các khoản cho vay hiện hữu và vay mới từ ngày 1/4/2020 cho nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 theo Chỉ thị 02/CT-NHNN.

Hàng loạt gói tín dụng ưu đãi được tung ra, nhưng tiến độ giải ngân vốn không như kỳ vọng, do cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. BIDV cho biết, sau khi giảm 1% lãi vay với dư nợ lên đến 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng tiếp tục giảm thêm 1% lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo thông tin tại Đại hội đồng cổ đông BIDV diễn ra đầu tháng 3/2020, huy động vốn và dư nợ cho vay của Ngân hàng đến hết tháng 2/2020 lần lượt giảm 1,6% và giảm gần 2%.

Lãnh đạo một nhà băng khác cho hay, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đẩy mạnh cho vay như bình thường, trong khi ngân hàng tập trung cơ cấu lại nợ. Vì vậy, hạn mức tín dụng nhận được trên 10% từ đầu năm hiện chưa dùng đến. Mặt khác, trước tình hình Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động kinh doanh, ngành ngân hàng cũng không thể tránh bị tác động.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 10/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, mức giảm lãi suất phổ biến 2 - 2,5%/năm. Tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân là hơn 300.000 tỷ đồng.

Tín dụng tăng chậm

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm 2020 tăng 1,3%, đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng sự cải thiện đã xuất hiện qua từng tháng (tín dụng tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,1%). Tín dụng toàn hệ thống dự kiến tăng 11-14% trong cả năm.

Dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng 1,3%, đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng sự cải thiện đã xuất hiện qua từng tháng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp do ảnh hưởng từ Covid-19, nên NHNN chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thấp hơn, trong khi vẫn cung cấp một khoản hợp lý cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng và cũng cho phép NHNN duy trì việc giám sát các ngân hàng địa phương.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), cung cầu tín dụng được dự báo sẽ chậm lại trong bối cảnh dịch bệnh. Tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ ở mức 12,5%, thấp hơn con số của năm 2019. Cầu tín dụng sẽ giảm do nền kinh tế giảm tốc, GDP tăng trưởng chậm lại và cầu vay vốn dài hạn để sản xuất - kinh doanh tăng chậm.   

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBVN) cho rằng, bước sang quý II/2020, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng thận trọng sau dịch Covid-19. NHNN sẽ duy trì mức tăng trưởng cung tiền M2 và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10-14% xuyên suốt năm 2020, nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu, bong bóng giá tài sản (như bất động sản) từng xảy ra trong giai đoạn 2009-2011.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng nhận định, Covid-19 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, cả năm khoảng 9-11%.

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp: Tìm cách mở gói hỗ trợ tín dụng
Khó khăn nhất của doanh nghiệp lúc này là thiếu vốn do phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư