Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm
D.Ngân - 13/10/2024 14:33
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 38/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Chỉ thị nêu, trong thời gian vừa qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong đó có phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Số vụ ngộ độc thực phẩm, số người tử vong do ngộ độc đã giảm nhiều so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có);

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, thức ăn đường phố.

Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên...; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; chủ động và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong điều tra nguyên nhân; chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc; thường xuyên giám sát các mối nguy và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do hóa chất bảo vệ thực vật, methanol trong rượu...;

Đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Đẩy mạnh xử lý hình sự đối với các đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng

Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, chỉ tiêu biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Thường xuyên tổ chức đánh giá các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể và các đối tượng theo phân cấp quản lý;

Xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, bố trí nguồn lực, diễn tập ứng phó sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kịp thời xử lý, thông tin về sự cố, nguy cơ, vụ việc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Thời gian qua, cả nước liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt, nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai? Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, theo Nghị định 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế.

Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp địa phương. Bên cạnh đó còn là ý thức của người dân trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.

Để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật an toàn thực phẩm, Nghị định 15, các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân.

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm hiện đã phân cấp đến cấp quận, huyện, xã, phường. Các địa phương, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã có chỉ đạo, tuy nhiên công tác kiểm tra giám sát phải được thực hiện tốt, từ khâu nuôi trồng đến thu hái, chế biến, sử dụng. Mục đích cuối cùng là làm sao đưa được thực phẩm sạch đến cho người dân sử dụng.

Để quản lý thực phẩm từ khâu nuôi trồng, lưu thông trên thị trường tới bàn ăn của người dân, theo ông Tuyên, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Bởi lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ riêng của Bộ Y tế, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, UBND các tỉnh đều phải vào cuộc.

“Quan trọng nhất lúc này là truyền thông làm sao để nâng cao ý thức của người dân, ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố chưa đảm bảo vệ sinh. Nếu triển khai đồng bộ 3 giải pháp thì vấn đề an toàn thực phẩm sẽ từng bước được cải thiện”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tập thể, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có Văn bản số 5411/BYT-ATTP gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm TP.HCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... với quy mô hàng nghìn suất ăn.

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học...

Tổ chức diễn tập và chuẩn bị các phương án xử lý, khắc phục hậu quả, sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu cho các bệnh nhân cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng bếp ăn tập thể.

Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn xây dựng phương án phòng chống và xử lý khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và tự tổ chức diễn tập tình huống ngộ độc thực phẩm đông người tại cơ sở.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư