Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gian lận thi cử tinh vi: Để trống đáp án, dễ nâng điểm?
Đặng Chung (LĐO) - 23/04/2019 08:46
 
Có một hình thức gian lận vô cùng tinh vi, đó là đối với môn thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ điền thông tin vào phiếu trả lời, còn để trống đáp án rồi có người tô hộ. Với cách làm này, cơ quan chức năng sẽ rất khó phát hiện dấu hiệu bất thường, tẩy xóa đáp án trong bài thi.

Liên quan vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, một số bậc phụ huynh nói là họ không hề biết việc con cái được nâng điểm. Có ý kiến cho rằng những thí sinh được nâng điểm cũng chỉ là nạn nhân của người lớn, cần nhân văn trong cách xử lý.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Việt Cường (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, người nhiều năm có tên trong danh sách 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới) cho rằng,  tất cả những lời giải thích như vậy là hết sức vô lý. Ông đưa ra những căn cứ để chứng minh điều này.

Theo TS Nguyễn Việt Cường, việc nâng điểm đã được chuẩn bị trước khi học sinh đi thi.

Lý do được ông đưa ra là nhiều môn thi THPT quốc gia thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời. Chỉ cần chọn câu trả lời ngẫu nhiên, thí sinh cũng có xác suất điền đúng 25%, tương đương 2,5 điểm mỗi bài thi. Do đó, ông tin rằng thí sinh muốn được điểm dưới một cũng không hề dễ.

 Tại Sơn La, Hòa Bình, có nhiều trường hợp được 0 điểm sau chấm thẩm định.

Với 40 câu hỏi và xác suất đúng là 0,25, số câu trả lời đúng sẽ phân phối theo quy luật nhị thức. Muốn được dưới một điểm, thí sinh chỉ được phép đúng tối đa 3 câu và xác suất cho phương án này là 0.0047. Xác suất để được điểm 0 thấp hơn nhiều (bằng 0.00001006).

Giả sử, 900.000 thí sinh dự thi, sẽ có 4.230 thí sinh được dưới 1 điểm mỗi môn.

“Tuy nhiên mấu chốt vấn đề là một số thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình được điểm cả 3 bài thi dưới 1 điểm (thậm chí bao gồm cả điểm 0). Được một điểm dưới 1 đã khó, mà được cả 3 điểm dưới 1 là vô cùng hy hữu, khoảng 1 phần 10 triệu.

Thậm chí có thí sinh còn được 2 điểm 0, xác suất cho việc này là 1 phần 10 tỉ. Có nghĩa là bắt cả thế giới này đi thi trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0.

Vậy mà ở mấy tỉnh với vài chục nghìn học sinh, có tới mấy em như vậy. Điều này khẳng định là học sinh đã chủ động không điền đáp án, để cho việc điền đáp án sau khi thi được dễ dàng hơn.

Nó cũng có nghĩa, trước khi thi, những học sinh này đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm. Thí sinh biết được điều này thì không thể nói cha mẹ không biết được và không thể vô can”- TS Nguyễn Việt Cường khẳng định.

  TS Cường cho rằng, trường hợp thí sinh được 1 điểm/3 môn có thể là do thí sinh đã nộp phiếu trắng. 

Nguồn tin của Lao Động, trong các vụ gian lận điểm thi thời gian qua, thực tế có thí sinh trong diện điểm cao bất thường, nhưng lại không nằm trong danh sách thí sinh phải chấm thẩm định lại, vì bài thi của thí sinh “quá sạch sẽ”, không phát hiện được vết tẩy xóa.

Nếu thí sinh gian lận theo cách nộp phiếu trắc nghiệm để trống, sau đó có người làm hộ, thì không thể nói thí sinh không biết, không liên quan.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã trả lại hồ sơ, yêu cầu tiếp tục điều tra bổ sung vụ gian lận thi cử ở tỉnh này vì còn một số việc, đối tượng trong vụ án chưa được làm rõ.

Trong quá trình chờ các cơ quan chức năng kết luận vi phạm liên quan đến sai phạm gian lận thi, Công an tỉnh Sơn La cũng đã điều động một thượng tá, Phó trưởng Công an huyện, nguyên Phó Phòng an ninh chính trị nội bộ PA03 về làm cán bộ tại Phòng cảnh sát cơ động PK02.

Gian lận điểm thi: Dù không chạy bằng tiền cũng phải xử lý
Danh tính phụ huynh là quan chức có con được sửa, nâng điểm thi THPT quốc gia đang dần lộ ra. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải phân loại động cơ...
Bình luận bài viết này
  • Nguyễn Dương 18:16 | 24-04-2019
    Qua những sự việc vừa rồi, Bộ Giáo dục và đào tạo nên có quy định bắt buộc các thí sinh phải điền đáp án các môn thi trắc nghiệm. Nếu thí sinh để trống hoàn toàn hoặc chỉ điền đáp án ít hơn 25% số câu hỏi thì coi như vi phạm quy chế thi và bài thi môn đó coi như 0 điểm. Trong trường hợp thí sinh không làm được bài, theo quy tắc xác suất, việc quy định phải điền tất cả đáp án là có lợi cho thí sinh. Do đó nếu thi sinh vi phạm quy chế này thì các giám thị coi thi tại hội đồng thi đó sẽ biết và không thể che giấu để nâng điểm khi chấm thi.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư