Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Gian nan đưa hàng Việt lên Amazon
Thế Hoàng - 08/03/2019 20:40
 
Dẫu có được sự hỗ trợ từ Amazon, nhưng hành trình để hàng Việt có gian hàng trên Amazon và kinh doanh hiệu quả không hề ngon ăn.
.
Hiện mới chỉ có khoảng trên 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon.

Thời cơ cho 100 nhà cung ứng Việt

Sau cú “bắt tay” với Amazon vào đầu tháng 1 năm nay, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) khởi động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử bằng việc tìm kiếm các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon.

Để cụ thể hóa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận thị trường thế giới, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling đang thí điểm lựa chọn 100 doanh nghiệp tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu  (như thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, thực phẩm, hàng tiêu dùng…) có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của Amazon để đưa vào hệ thống bán lẻ trực tuyến này.

Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cam kết, Chương trình Amazon Global sẽ hỗ trợ tối đa, với vai trò cầu nối, để đưa hàng Việt đi ra thế giới. “Hợp tác với Amazon Global Selling, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển kinh doanh trên toàn cầu và xây dựng các thương hiệu quốc tế”, ông Bernard Tay khẳng định.

Amazon là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử trên thế giới, đặc biệt, rất thịnh hành tại Mỹ, EU - những thị trường có ngành thương mại điện tử phát triển mạnh từ khâu tiếp thị tới khâu thanh toán, giao nhận…

Vì vậy, việc hợp tác với Amazon được kỳ vọng sẽ tạo kênh xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng tại nhiều thị trường của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Cùng với việc hỗ trợ bán hàng qua kênh thương mại điện tử, Amazon cũng sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hàng hóa trên thế giới.

Không hề “ngon ăn”

Cùng với xuất khẩu hàng hóa truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh quan trọng cho các nhà xuất khẩu quốc tế với mức tăng trưởng từ 20 - 30%/năm và doanh số hàng ngàn tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không đứng ngoài “cuộc chơi” này.

Dù vậy, theo số liệu của Bộ Công thương, hiện mới chỉ có khoảng trên 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon. Nếu so với hàng triệu doanh nghiệp sản xuất mặt hàng triển vọng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất..., vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, thì con số này còn rất khiêm tốn.

Theo đó, rất cần có thêm những hoạt động kết nối thiết thực nữa giữa Bộ Công thương và các ông lớn như Amazon hay Alibaba… để hàng Việt xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử nhiều hơn.

Xuất khẩu hàng hóa ra thế giới qua kênh thương mại điện tử đang là xu thế toàn cầu, nhưng con đường để hàng Việt ra thế giới hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Trên thực tế, có những thương hiệu đã phải bỏ cuộc sau một thời gian hợp tác với Amazon.

Được biết, hơn 40% sản phẩm bán trên Amazon đến từ những cá nhân kinh doanh độc lập. Những mặt hàng bán trên Amazon đa phần là hàng công nghệ, thời trang, mỹ phẩm, sách, thực phẩm chức năng…

Dệt may Việt Nam có hoạt động hội nhập từ sớm, cũng đã chủ động tìm đơn hàng qua kênh thương mại điện tử từ 5 - 7 năm trước. Dù vậy, doanh thu xuất khẩu của ngành chủ yếu vẫn đến từ xuất khẩu truyền thống.

Đơn cử, Tổng công ty May 10 - Công ty CP là một trong số ít những doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon và đã có thành công bước đầu, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này thừa nhận là rất khó khăn.

“Việc triển khai bán hàng trên Amazon với May 10 không hề dễ dàng. Khó nhất là tìm kiếm thông tin, dữ liệu về thị trường để nghiên cứu và thiết kế sản phẩm phù hợp. Tiếp theo là phải chuẩn bị, sắp xếp các hoạt động hậu cần trong chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm từ Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng của Mỹ trong thời gian nhanh nhất, chi phí hợp lý nhất”, ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc May 10 cho biết.

Để có gian hàng trên Amazon, May 10 đã phải qua một khóa đào tạo ngắn hạn từ Amazon, đạt chứng chỉ đào tạo do Amazon cấp, đáp ứng các cam kết ngặt nghèo, đảm bảo online 24/24…

Không công bố doanh thu từ việc bán hàng trên Amazon, nhưng May 10 thừa nhận, nếu chỉ nhìn vào doanh thu, sẽ khó có động lực. Điều quan trọng là doanh nghiệp xác định, việc hợp tác với kênh bán hàng trực tuyến Amazon là cách để xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, vươn ra thế giới.

Amazon hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu
Trong 2 ngày, 27/2 và 1/3, tại Hà Nội và TP.HCM, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) sẽ phối hợp cùng Amazon Global Selling tổ chức Hội thảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư