Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Giáo viên trường mầm non ngoài công lập được đề nghị hỗ trợ thêm
D.Ngân - 04/05/2022 11:22
 
Nhiều giải pháp hỗ trợ giáo viên mầm non khắc phục những khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo rốt ráo thực hiện.

Liên quan tới chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng với đại dịch Covid-19 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết cơ quan này đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng.

Sẽ giảm thiểu tối đa về thủ tục hành chính để các cơ sở giáo dục thuận lợi khi tiếp cận với chính sách hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ngành giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó nặng nề nhất phải kể đến các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. 

Nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, cơ sở vật chất bị xuống cấp, đồ dùng đồ chơi bị hư hỏng, nhưng không có kinh phí để tu sửa, mua sắm đồ dùng đồ chơi, không đủ nguồn lực và điều kiện để tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động. 

Giáo dục mầm non ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đứt gẫy, nhiều trẻ em mầm non có nguy cơ không được đến trường vì sự đứt gãy này. 

Theo thống kê có khoảng 103.896 giáo viên thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, riêng bậc mầm non là 101.845 giáo viên. 

Để tháo gỡ khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nội dung quan trọng của Quyết định nêu trên là gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch Covid-19.

Theo Quyết định này, sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12,3 nghìn cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng chính sách với thời gian vay vốn là 36 tháng. 

Mức lãi suất là 3,3%/năm (tương đương với 0,27%/tháng) là mức lãi suất ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng đối với trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. 

Về thủ tục vay vốn, với mức vay dưới 100 triệu không cần tài sản đảm bảo. Với mức vay từ 100 đến 200 triệu thì cần tài sản đảm bảo, Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cụ thể về tài sản đảm bảo  này.

Thủ tục vay vốn đơn giản, UBND cấp xã xác nhận. Khi nhận được hồ sơ từ 5-7 ngày sẽ được giải quyết cho vay vốn. 

Nguồn vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.

Với phản ánh của một số trường cho rằng, khó khăn lớn nhất vần là vấn đề thủ tục hành chính, giấy tờ để các trường được vay vốn, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình tham mưu xây dựng Quyết định này, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn trình tự, thủ tục theo hướng giảm thiểu tối đa về thủ tục hành chính để các cơ sở giáo dục thuận lợi khi tiếp cận với chính sách. 

Để xác định đủ điều kiện vay vốn các cơ sở giáo dục chỉ cần đến UBND cấp xã (nơi cơ sở giáo dục đăng ký thành lập) để xác nhận thời gian ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch. 

Trong thời hạn 5 ngày đến 10 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ của cơ sở giáo dục, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ phê duyệt cho vay. 

Với mức vay đến 100 triệu đồng, các cơ sở giáo dục không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Số tiền vay trên 100 triệu đồng, sẽ thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội. 

Để chính sách hỗ trợ đến với cơ sở giáo dục kịp thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục trong quá trình xác nhận điều kiện vay vốn theo quy định tại Quyết định.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Quyết định này.

Ngoài hỗ trợ nêu trên theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian tới, Bộ dự kiến sẽ có thêm một số chính sách nhằm hỗ trợ nhóm các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo đó, Bộ đang phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Mức hỗ trợ 3,7 triệu đồng/giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc Lịch sử trở thành môn tự chọn
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, với thời lượng được phân bổ môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư