Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giới làm sách tìm cách tự cứu mình
Thoại Hà (Vnexpress) - 13/05/2015 07:51
 
Dùng tem thông minh, nâng cấp chất lượng giấy... là những biện pháp được các đơn vị áp dụng trong cuộc chiến chống sách giả.

Từ nhiều năm qua, nạn sách lậu là câu chuyện nhức nhối trong làng xuất bản. Sách giả hoặc được sao chép giống hệt sách thật, hoặc chỉ sử dụng tên sách, nội dung rồi "xào nấu" lại để tiêu thụ.

Trong khi cơ chế quản lý, kiểm soát, thanh tra và hình thức xử phạt từ cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, nhẹ tay, chưa đủ sức ngăn chặn vấn nạn, nhiều đơn vị lớn trong nước tìm cách thức tự cứu mình.

Từ lâu, nhiều đơn vị như: Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM, Nhà xuất bản Giáo dục... đã ứng dụng công nghệ in chìm ngoài bìa 4 một loại tem chống sách lậu. Tuy vậy, khi bắt đầu xuất hiện những cuốn sách giả với cả tem chống in lậu không khác gì hàng thật, các đơn vị làm sách phải tiếp tục tự nâng cao chất lượng hình thức sách của mình.

NXB Trẻ lần đầu tiên áp dụng tem thông minh (góc trái) trên bìa cuốn tiểu thuyết
Nhà xuất bản Trẻ lần đầu tiên áp dụng tem thông minh (góc trái) trên bìa cuốn tiểu thuyết "Ván bài lật ngửa" nhằm mang đến sự tương tác và chăm sóc dịch vụ tốt cho độc giả. Sau "Ván bài lật ngửa", dự kiến, hầu hết các đầu sách của đơn vị này được áp dụng nghiệp vụ tem thông minh.

Ngày 27/4, lần đầu tiên, Nhà xuất bản Trẻ áp dụng hình thức tem thông minh được in ở bìa 4 bộ tiểu thuyết nổi tiếng Ván bài lật ngửa. Thực tế, ý tưởng tem thông minh đã được áp dụng cho nhiều mặt hàng ở các lĩnh vực. Riêng với sách, ý tưởng này mới chỉ có Nhà xuất bản Trẻ áp dụng sau gần một năm tìm tòi, chuẩn bị. Theo đó, khi mua một cuốn sách, mỗi độc giả có mã cào để nhắn tin về tổng đài, hoặc đăng nhập vào trang web của nhà xuất bản để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.

Theo những người thực hiện, do mới triển khai, hiệu quả của việc áp dụng nghiệp vụ này chưa được tổng kết. Nhưng qua quá trình thử nghiệm, loại tem thông minh này được cho là khó có thể bị bắt chước, sao chép vì mỗi cuốn sách in tem thông minh đều có một mã số riêng, duy nhất. Bạn đọc có thể kiểm tra ngay lập tức khi thực hiện theo cú pháp được hướng dẫn trên sách.

"Nếu có học theo về công nghệ, tôi nghĩ rằng các đơn vị làm sách giả cũng phải mất nhiều thời gian. Khi đó, chúng tôi đã có thêm nghiệp vụ mới để nâng cao chất lượng sách, nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc bạn đọc. Mục tiêu của dự án không chỉ là chống sách giả mà còn tăng cường chăm sóc bạn đọc", ông Minh Nhựt - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - chia sẻ.

In sách đẹp, công phu, chất lượng giấy ngoại nhập, đưa ra chuẩn về mực, cách trình bày và hợp lý về giá cả là một trong những cách để sách thật tồn tại giữa sách lậu.
In sách đẹp, công phu, chất lượng giấy ngoại nhập... đồng thời hợp lý về giá cả là những điểm phân biệt sách thật với sách lậu.

Ngoài việc dùng tem, hiện Nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng và một số đơn vị làm sách uy tín trong nước... còn tiến tới dùng loại giấy nhập khẩu Book Paper, tạm gọi là "giấy nhẹ". Loại giấy này nhẹ, có độ sáng trắng ngà nên đọc không hại mắt. Vì nhẹ, bạn đọc có thể cầm được bằng một tay nên có thể đọc sách trong nhiều tư thế. Loại "giấy nhẹ" của Kim Đồng nhập từ Na Uy và Phần Lan còn thân thiện với môi trường, không gây hại cho trẻ nhỏ khi lỡ nhai phải...

Giá rẻ là một trong những yếu tố khiến cho sách giả dễ tiêu thụ. Sắp tới, Nhà xuất bản Trẻ còn áp dụng chương trình "Sách giá rẻ", giảm giá đáng kể cho các tác phẩm. Các công ty sách như Nhã Nam, Alpha Books, Phương Nam Books... cũng thường tổ chức các hội sách giảm giá trong năm để ấn phẩm của mình đến gần với bạn đọc hơn.

Trong khi nhiều đơn vị chọn cách nâng cao chất lượng ấn phẩm, First News - Trí Việt lại chọn biện pháp mạnh tay là đối đầu về mặt pháp lý, tham gia cùng cơ quan chức năng triệt phá các đường dây in lậu. 

"Chúng tôi từng làm tem hiệu ứng ở bìa sách, in sách theo kỹ thuật cán nổi, cán nhũ bạc, nhũ vàng... Nhưng sách giả hiện nay thậm chí không quan tâm đến việc tạo ra hình thức giống hệt bản gốc. Như cuốn Hồi ký Hillary Clinton của đơn vị tôi in cán nhũ bạc, bìa cứng thì sách lậu ra đời được thiết kế lại từ bìa đến ruột theo cách của họ, rồi dùng chiêu bài giảm giá để kéo độc giả. Nói như vậy để thấy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sách, nếu các đơn vị xuất bản không có biện pháp mạnh mẽ, kêu gọi cơ quan chức năng xử lý mạnh tay hơn thì sách lậu vẫn hoành hành", ông Nguyễn Văn Phước - giám đốc First News - bức xúc.

Những năm qua, công ty sách tư nhân này liên tục tham gia vào các vụ phát giác, vạch trần hành vi sao chép, làm giả sách ảnh hưởng đến thương hiệu của đơn vị mình. Khi ra tòa, First News thắng trong khá nhiều trường hợp nhưng cũng có những vụ việc, đơn vụ này bị xử thua trước các cở sở in lậu, gây bức xúc không chỉ với người trong cuộc mà với cả giới làm sách nói chung.

Gần đây nhất, tác giả T. Harv Eker của cuốn Bí mật tư duy triệu phú rất bức xúc khi được đại diện của ông từ Việt Nam thông tin về việc tác phẩm này bị in lậu và bày bán công khai ở Việt Nam. Hiện tại, phía Harv Eker và NXB HarperCollins đang tư vấn cho First News về mặt thủ tục pháp lý, văn bản ở khâu bản quyền để có những bước đi tiếp theo trong cuộc chiến này.

Cuốn
Cuốn "Hồi ký Hillary Clinton" thật (trái) và sách làm giả.

Dù không ra mặt công khai như First News, nhiều đơn vị làm sách hiện nay âm thầm làm việc khá chặt chẽ với các cơ quan công an ở TP HCM. Họ kịp thời thông tin, cung cấp chứng cứ, cách phân biệt sách thật - giả cho các cơ quan chức năng trong quá trình thu hồi sách lậu.

Tuy vậy, cuộc chiến chống sách giả không thể chỉ từ một phía mà rất cần sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, đơn vị làm sách và từ chính độc giả. Như lời ông Cao Xuân Sơn - Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại TP HCM: "Việc đọc sách thật phải trở thành một ý thức như một nếp sống văn hóa trong mỗi người chứ không thể là lời kêu gọi suông hay chỉ là lòng thương hại. Làm sao để cho người tiêu dùng phải tự hào họ đang đọc sách thật, dạy cho con họ được trân trọng giá trị chất xám. Nếu nếp văn hóa này chưa ngấm vào mỗi người thì dù dùng bao nhiêu con tem chống in lậu đi nữa cũng là vô nghĩa".

Myanmar kêu gọi đầu tư vào báo chí, xuất bản
() Chiều 20/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut trong khuôn khổ chuyến thăm và làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư