Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Giới phân tích quốc tế: Các thỏa thuận hợp tác Việt - Mỹ đều mang tính lịch sử
Đông Phong - 13/09/2023 15:20
 
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh dấu một thời khắc lịch sử trong mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước, theo giới phân tích quốc tế.
Lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón. Ảnh: VGP
Lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón. Ảnh: VGP

Ông Joshua Kurlantzick, nhà phân tích cấp cao về khu vực Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) - một tổ chức think tank tại Mỹ, và ông Abigail McGowan, nhà nghiên cứu khu vực Đông Nam Á và chính sách đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có chung nhận định rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong hai ngày 10-11/9 mang tính "lịch sử", thể hiện những lợi ích chung giữa hai nước ngày càng tăng.

Hai nhà phân tích cho rằng, việc Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện có thể sẽ thúc đẩy mối quan hệ quân sự giữa hai nước, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực khác như biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị cấp cao về đổi mới sáng tạo và đầu tư diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Biden, ông chủ Nhà Trắng đã kêu gọi các công ty công nghệ và hàng không hàng đầu của Mỹ mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Trong nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại được công bố, nổi bật là thỏa thuận cam kết của Vietnam Airlines về việc mua 50 máy bay Boeing.

Ông Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group lý giải các thỏa thuận trên đều "mang tính lịch sử", bởi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Mỹ của ưu tiên. Washington xác định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sân chơi cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất và họ đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Cách thức mà chính quyền Tổng thống Biden đã triển khai cho đến nay là tăng cường mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh trong "bộ tứ kim cương", gồm có Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden muốn đảm bảo rằng Washington khẳng định cam kết với toàn bộ khu vực. 

Do đó, chính quyền Tổng thống Biden, song song với những nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong "bộ tứ kim cương", cũng tăng cường hợp tác với một số quốc gia thành viên của ASEAN, bao gồm Indonesia, Philippines, và tất nhiên cả Việt Nam. "Cho nên, những gì chúng ta thấy là hai nỗ lực song song nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Ali Wyne nhấn mạnh.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là trung tâm của lực hấp dẫn địa chính trị và địa kinh tế, và vai trò này được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì. 

Ngày càng nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy họ không chọn phe, mà thực sự vẫn có thể tận dụng cơ hội từ cạnh tranh Mỹ - Trung. "Và Việt Nam đang chứng minh cách mà các nước nhỏ hơn có thể tận dụng cơ hội từ sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh", ông Ali Wyne nhận định.

Mở rộng không gian hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ
Các tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ và Việt Nam đều hào hứng với các kế hoạch hợp tác kinh doanh mới được mở ra sau khi các nhà lãnh đạo hai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư