Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 03 tháng 09 năm 2024,
Giữ vững tinh thần của công cuộc Đổi mới
Theo dõi sự phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm, tôi đã được chứng kiến những thành tựu đáng chú ý của đất nước này, như những cải cách kinh tế vĩ mô táo bạo, sự tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Ông Patrick Lenain, Thành viên Hội đồng Chính sách kinh tế (CEP), trụ sở tại Thụy Sỹ.

Các quyết sách táo bạo

Là một chuyên gia hoạt động lâu năm trong các tổ chức quốc tế, tôi rất vinh dự được chứng kiến những ngày đầu tiên của công cuộc Đổi mới đầy táo bạo vào cuối những năm 1980.

Việc khởi động một chương trình cải cách kinh tế sâu rộng, được gọi là Đổi mới, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12/1986 đánh dấu một bước ngoặt nhằm giải quyết tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng chậm và cô lập quốc tế. Việc sử dụng đồng bộ các chính sách tiền tệ, giá cả và tỷ giá hối đoái đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa lạm phát từ mức gần 400% vào đầu quá trình chuyển đổi xuống mức một chữ số vào năm 1993. Việc đồng thời chấm dứt các khoản trợ cấp lớn cho doanh nghiệp nhà nước đã đưa ngân sách chính phủ trở lại trạng thái ổn định. Các cải cách nông nghiệp đã biến tình trạng thiếu hụt sản lượng lúa gạo thường xuyên thành thặng dư xuất khẩu 1 triệu tấn.

Một quá trình quan trọng khác là tái lập quan hệ với cộng đồng tài chính quốc tế. Viện trợ nước ngoài từ Nhật Bản và các nhà tài trợ khác vào cuối những năm 1980 đã được đưa vào sớm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Sau khi trả hết nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris vào năm 1993, Việt Nam đã có thể tái gia nhập thị trường vốn quốc tế. Với sự an tâm của các nhà đầu tư trước diễn biến của tình hình chung, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng đã tăng vọt lên 5% GDP vào giữa những năm 1990 và vẫn tiếp tục đổ vào với số lượng lớn kể từ thời kỳ đó.

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô trong 35 năm qua đã được đền đáp. Nhờ mức nợ công thấp, Việt Nam đã tránh được việc bị mắc kẹt giữa các cuộc khủng hoảng nợ quốc tế. Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, cũng như hậu quả đô-mi-nô từ sự sụp đổ năm 2023 của Ngân hàng Silicon Valley và Credit Suisse. Chính sách tài khóa và quản lý kinh tế vĩ mô tốt cũng giúp Việt Nam tránh được suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19.

Việt Nam đã được Standard & Poor’s, Fitch và Moody’s xếp hạng mức “triển vọng ổn định”, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Mặc dù nợ chính phủ được giữ ở mức thấp và được quản lý cẩn thận, nhưng điều này chưa được thực hiện tương tự đối với khu vực doanh nghiệp và các tổ chức ngân hàng. Thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng bất ổn, các công ty bất động sản vẫn đang phải đương đầu với khó khăn về tài chính.

Không thể thỏa mãn hay chủ quan trước tình hình này. Do đó, các điều luật mới về các tổ chức tín dụng cần được thực thi nhanh chóng và đầy đủ để kiểm soát khu vực ngân hang tăng trưởng quá mức và khá mong manh.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Tiếp cận bình đẳng với giáo dục bậc cao

Là một giảng viên đại học, tôi có cơ hội được giảng dạy kinh tế cho sinh viên Trường đại học Hà Nội vào đầu những năm 2000. Việt Nam luôn đầu tư vào giáo dục phổ thông và đạt được cả tỷ lệ nhập học cao cũng như kết quả học tập chất lượng tốt. Theo Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dựa trên các bài kiểm tra được thực hiện trên học sinh 15 tuổi, Việt Nam từ lâu đã ngang bằng với mức trung bình của OECD về toán và đọc hiểu và đạt điểm cao hơn mức trung bình của OECD về khoa học.

Việt Nam đã đi được một chặng đường dài kể từ thời kế hoạch hóa tập trung, nhưng đây chưa phải là điểm cuối của con đường. Như một báo cáo gần đây của OECD, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo một sân chơi bình đẳng, giải quyết tham nhũng và giảm phát thải carbon cao.

Để tránh cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, cần phải đầu tư vào giáo dục bậc cao. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), để tiến tới các nền kinh tế có thu nhập cao hơn, “cần có nhóm nhân tài ngày càng lớn, cộng với nhiều kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia có trình độ cao khác”.

Bắt đầu từ đầu những năm 2000, Việt Nam đưa ra Chương trình Cải cách giáo dục đại học. Đây là một chương trình dài hạn nhằm tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục bậc cao. Cuộc cải cách đã thay thế sự kiểm soát của các bộ bằng một hệ thống quản trị mới trao quyền tự chủ cho các tổ chức giáo dục. Các trường đại học được giao chịu trách nhiệm về các chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu, hoạt động quản lý nguồn nhân lực và kế hoạch ngân sách hoạt động.

Nhu cầu lớn về bằng cấp đại học đã được đáp ứng bằng việc ra đời nhiều trường đại học mới. Hiện cả nước có trên 240 trường đại học, trong đó có 67 trường tư thục, đáp ứng nhu cầu của khoảng 2,15 triệu sinh viên. Việt Nam hiện đạt tỷ lệ tuyển sinh giáo dục đại học là 42%. Với việc tiến gần hơn tới vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình khá, tỷ lệ tuyển sinh thậm chí có thể còn cao hơn - ở mức 63%. Điều này đòi hỏi phải có thêm nhiều trường đại học và đội ngũ giảng viên hơn nữa.

Việc mở rộng nhanh chóng các trường đại học chất lượng cao sẽ là một thách thức đối với Việt Nam. Các trường đại học hàng đầu thường tham gia hợp tác với các tổ chức nước ngoài, cung cấp cho sinh viên cơ hội trao đổi, được cộng đồng quốc tế công nhận, áp dụng chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy hiện đại, cung cấp các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và hạ tầng, để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng nhanh chóng.

Hội nhập ấn tượng với toàn cầu

Là quan chức của OECD trong những năm gần đây, tôi đã chứng kiến sự hội nhập ấn tượng của Việt Nam vào thị trường toàn cầu. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và ngay lập tức được tiếp cận thị trường nước ngoài với mức thuế nhập khẩu ưu đãi. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nhằm củng cố hội nhập với các nước đối tác. Nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành trung tâm quan trọng trong các mối quan hệ thương mại toàn cầu.

Là một điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách quốc tế, Việt Nam có được nguồn thu ngoại tệ lớn từ du lịch, đóng góp đến 9% GDP. Việc nới lỏng hạn chế nơi đến, đặc biệt là chính sách eVisa được cấp trước khi đến đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Việt Nam dự kiến đón 17-18 triệu lượt khách du lịch trong năm nay, phần lớn đến từ các nước châu Á lân cận như Hàn Quốc và Trung Quốc. Xung đột chính trị và các lệnh trừng phạt quốc tế sau đó đã khiến lượng khách du lịch Nga giảm mạnh, nhưng khoản thiếu hụt này được bù đắp bởi các quốc gia khác.

Một dấu hiệu cho thấy, Việt Nam có sức hấp dẫn kinh doanh cao. FDI tiếp tục tăng, với vốn thực hiện đạt 12,55 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, vốn FDI sẽ đạt 39-40 tỷ USD trong cả năm 2024, tăng so với năm ngoái, với sự quan tâm tăng cao của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực điện tử và viễn thông.

Việt Nam cũng đã có động thái quyết liệt để bình thường hóa quan hệ ngoại tệ. Thị trường ngoại hối những năm 1980 có đặc điểm là thị trường chợ đen tràn lan, trao đổi kép, phá giá thường xuyên và hạn chế chuyển đổi nghiêm trọng, thì hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý tỷ giá hối đoái một cách bài bản và suôn sẻ. Từ bỏ cơ chế cố định cứng nhắc với USD, Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi chính sách linh hoạt hơn, với biên độ giao dịch +/- 5% quanh tỷ giá tham chiếu. IMF đã hoan nghênh sự linh hoạt ngày càng tăng của tỷ giá hối đoái này, từ đó “giúp quản lý tốt hơn các cú sốc bên ngoài, đồng thời bảo vệ vùng đệm dự trữ ngoại hối”.

Việt Nam đã đi được một chặng đường dài kể từ thời kế hoạch hóa tập trung, nhưng đây chưa phải là điểm cuối của con đường. Như một báo cáo gần đây của OECD, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo một sân chơi bình đẳng, giải quyết tham nhũng và giảm phát thải carbon cao.

Gần 4 thập kỷ sau quyết định lịch sử khởi động công cuộc Đổi mới, Việt Nam cần tiếp tục phát huy đà cải cách của mình. Điều này sẽ rất quan trọng cho sự thịnh vượng bền vững và toàn diện của quốc gia.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới
Năm mới Bính Thân 2016 đã tới với bao kỳ vọng lớn lao, nhưng dự báo cũng có không ít khó khăn phía trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư