Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Giúp doanh nghiệp hiểu để tận dụng lợi ích từ EVFTA
Hồng Hạnh - 17/11/2020 09:21
 
Việc nắm rõ các nội dung của EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.
Hội nghị giới thiệu về EVFTA đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp.
Hội nghị giới thiệu về EVFTA đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường thế giới. Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các nội dung cốt lõi của EVFTA, cơ chế hỗ trợ trong triển khai thực thi, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội (HPA) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu về EVFTA - Lợi thế xuất khẩu của nông sản Việt Nam; Nông nghiệp hữu cơ - Xu thế tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại với sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc HPA cho biết, từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020) đến nay, ngoài một số doanh nghiệp được hưởng những lợi ích đầu tiên, thì phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa nhận được cơ hội cụ thể nào từ hiệp định này.

“Một mặt, do văn kiện EVFTA rất phức tạp, để đọc, hiểu được nội dung và biết cách tận dụng cam kết EVFTA là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp. Mặt khác, việc hiện thực hóa các cơ hội EVFTA đòi hỏi những hành động cụ thể, thích hợp của các cơ quan nhà nước và từng doanh nghiệp”, bà Mai Anh chia sẻ.

Tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã thông tin tới doanh nghiệp về các cam kết thuế quan, lộ trình xóa bỏ thuế trong lĩnh vực liên quan, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa, cũng cách tận dụng ưu đãi từ Hiệp định.

“Đối với mặt hàng nông sản được phân loại là hàng hóa có xuất xứ thuần túy như cây trồng, sản phẩm cây trồng/thu hoạch tại nước thành viên, khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng ưu đãi 0%. Chẳng hạn, nếu có giống cà phê Thái Lan trồng tại Việt Nam, thì sản phẩm đó cũng được coi là sản phẩm xuất xứ thuần túy. Hoặc sản phẩm cá tầm hay cá hồi chỉ cần sinh ra hoặc lớn lên tại Việt Nam là được coi có xuất xứ Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA…”, bà Hiền cho biết.

Về tiêu chí hạn mức nguyên liệu, bà Hiền lấy ví dụ, đối với cà phê hòa tan, nguyên liệu gồm cà phê, sữa…, nếu doanh nghiệp sử dụng 100% nguyên liệu sữa từ Vinamilk, thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng nếu sử dụng sản phẩm sữa, đường từ nguồn nhập khẩu, thì chỉ được tối đa 20%.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp về việc chứng minh hàng hóa có xuất xứ, bà Hiền cho biết, doanh nghiệp có thể mang hồ sơ đến tổ chức và đề nghị cấp giấy C/O, hoặc tự chứng nhận xuất xứ. Hai hệ thống này tồn tại song song, nhưng có những điều kiện ràng buộc riêng. Cụ thể, với hàng hóa trị giá dưới 6.000 euro sẽ được tự chứng nhận xuất xứ. Còn đối với hàng hóa từ 6.000 euro trở lên, doanh nghiệp cần đến các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp mẫu C/O.

Cũng theo bà Hiền, giống như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, EVFTA cho phép mức độ linh hoạt nhất định đối với hàng hóa không đáp ứng hoàn toàn, nhưng vẫn được coi là có xuất xứ. Việc này được áp dụng cho các đơn vị làm sản phẩm chế biến. Ví dụ, nếu xuất khẩu bánh đa nem đi EU thì từ 100 kg nguyên liệu làm ra bánh đa nem được phép áp dụng linh hoạt 10% nguyên liệu của nước khác. Tuy nhiên, sản phẩm cuối cùng và sản phẩm có xuất xứ thuần túy không được áp dụng linh hoạt.

Đặc biệt, đối với hàng nông, lâm, thủy sản, không phải khi doanh nghiệp có chứng từ C/O xuất khẩu sang EU là xong, bởi bên EU sẽ kiểm tra sau thông quan. Khi đó, họ sẽ yêu cầu đưa lại toàn bộ chứng từ trước đây để chứng minh xuất xứ.

“Doanh nghiệp cần hết sức lưu ý đối với các bản kê khai thu mua nông sản về vùng nguyên liệu, diện tích, mùa vụ… để nếu có bị kiểm tra sau thông quan, thì vẫn có thể chứng minh hàng hóa có xuất xứ. Tránh trường hợp lúc xuất khẩu thì được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng 3 năm sau, khi kiểm tra lại, chứng từ không đủ hoặc mất, EU sẽ truy thu lại tiền thuế mà doanh nghiệp đã được hưởng”, bà Hiền lưu ý.

Trong khi đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, EVFTA là hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết. 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm, đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ…

Ngược lại, hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU cũng rất chặt chẽ. Tính đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; khai báo nguồn gốc gỗ bất hợp pháp…

Như vậy, với những cam kết sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực trong EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hiểu rõ các nội dung, nếu muốn tận dụng nhiều ưu đãi nhất có thể.

Theo số liệu của Bộ Công thương, kể từ khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi EU (tính cả Anh), tỷ lệ C/O ưu đãi theo EVFTA đạt 7,4%. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư EU không phải chỉ vì EVFTA
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA là một nhân tố quan trọng, song không phải là duy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư