Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gỡ ách tắc "có tiền không tiêu được" cho metro Bến Thành - Suối Tiên
Ngô Nguyên - 24/11/2021 09:25
 
Theo Ban QL đường sắt đô thị TP.HCM, dù tiền đã sẵn, nhưng không giải ngân thanh toán được gói thầu 1a, 1b thuộc Dự án Metro Bến Thành- Suối Tiên do quan điểm của bộ, ngành liên quan...
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành, vận hành	Ảnh: Lê Toàn
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành, vận hành      Ảnh: Lê Toàn

Chưa thể thanh toán

Việc giải ngân thanh toán các gói thầu thuộc Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có vướng mắc lớn là việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại của Dự án, nên chưa giải ngân từ nguồn vốn ODA cấp phát, mà chủ yếu giải ngân từ nguồn vốn ODA vay lại. Báo Đầu tư đã có nhiều bài phản ánh về vấn đề này.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, để giải quyết vướng mắc này, UBND TP.HCM đã thực hiện các thủ tục có liên quan đến việc điều chính một số nội dung của Quyết định số 4856/QĐ-UBND, ngày 13/11/2019 để hoàn thành công tác xác định giá trị vốn ODA cấp phát của Dự án, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn cho phần giá trị vốn ODA cấp phát còn lại của Dự án, là cơ sở để giải ngân kế hoạch vốn đã giao của năm 2021.

Tới tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1535/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã bố trí vốn ODA cấp phát cho Dự án 1.704,6 tỷ đồng.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km, với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao, thực hiện từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành công trình và đưa vào khai thác năm 2018.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA chiếm hơn 38.200 tỷ đồng, gồm hơn 14.333 tỷ đồng vốn cấp phát và gần 23.932 tỷ đồng vốn vay lại từ Trung ương. Còn lại, gần 5.500 tỷ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.

Đồng thời, căn cứ tình hình giải ngân từ đầu năm và dự kiến khối lượng thực hiện đến cuối năm 2021 trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai Dự án, UBND TP.HCM đã có Công văn số 3233/UBND-TH, ngày 30/9/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình giải ngân 9 tháng và đề xuất điều chỉnh vốn năm 2021 với nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó đề nghị điều chỉnh số vốn ODA cấp phát bố trí cho Dự án còn lại là 200,5 tỷ đồng.

Trên cơ sơ số vốn ODA cấp phát của Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất trình và đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn 2021 - 2025. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã lập thủ tục thanh toán và đã được Kho bạc Nhà nước thực hiện thủ tục kiểm soát chi gửi Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) để giải ngân cho các hóa đơn của gói thầu 1a và 1b thuộc Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, với tổng vốn đề nghị thanh toán tương đương 175,605 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, giá trị đề nghị thanh toán 175,605 tỷ đồng vẫn đảm bảo thấp hơn giá trị kế hoạch vốn ODA đang được đề nghị điều chỉnh giữ lại (200,5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, báo cáo khẩn với với lãnh đạo TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, Bộ Tài chính vẫn chưa xem xét thủ tục thanh toán đối với các hồ sơ thanh toán cho Dự án đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi vốn ODA cấp phát. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tài chính của các nhà thầu và ảnh hưởng tới tiến độ Dự án.

Tắc do đâu?

Về nguyên nhân ách tắc thanh toán các gói thầu thuộc Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, ông Bùi Xuân Cường cho hay, sau loạt văn bản đề xuất thanh toán của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngày 5/11/2021. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã có văn bản phản hồi cho rằng: “Dự án đã được UBND TP.HCM phân bổ 2.484 tỷ đồng kế hoạch vốn cấp phát năm 2021 theo Quyết định số 4811/QD-UBND ngày 30/12/2020 của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Dự án chưa được phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2011 - 2025. Đến ngày 15/9/2021, Dự án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Theo đó, phân bổ kế hoạch trung hạn vốn cấp phát cho Dự án là 1.704,6 tỷ đồng, thấp hơn số kế hoạch vốn cấp phát năm 2021 đã được UBND TP.HCM phân bổ tại Quyết định số 4811/QĐ-UBND ngày 30/12/2020”.

Vì lý do trên, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại yêu cầu UBND TP.HCM phải điều chỉnh lại kế hoạch vốn cấp phát năm 2021 cho Dự án để phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì mới có cơ sở giải ngân cho Dự án.

Trước yêu cầu này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có nhiều văn bản và gần đây nhất là văn bản đề ngày 15/11/2021 gửi Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Tại các văn bản, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng: việc giao kế hoạch đầu tư công của năm 2021 được các cơ quan thẩm quyền thực hiện theo Điều 60 của Luật Đầu tư công. Vì vậy, tới thời điểm hiện nay, thì văn bản dự án cho năm 2021 của cấp có thẩm quyền (Quyết định số 4811/QĐ-UBND, ngày 30/12/2020 của UBND TP.HCM và Quyết định số 2185/QĐ-TTg, ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ) vẫn còn hiệu lực. Tức là, yêu cầu UBND TP.HCM phải điều chỉnh lại kế hoạch vốn tại tại Quyết định số 4811/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 là chưa chuẩn. Vì vậy, việc đề nghị giải ngân thanh toán cho hóa đơn các gói thầu 1a và 1b Dự án Metro là đúng.

“Tuy nhiên, qua giải trình và liên hệ làm việc, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại vẫn giữ quan điểm là UBND TP.HCM cần có văn bản giao vốn ODA cấp phát năm 2021 cho Dự án được điều chỉnh phù hợp với kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dược Thủ tướng Chính phủ giao, thì mới xem xét thực hiện thủ tục thanh toán”, ông Cường báo cáo lãnh đạo TP.HCM.

Kiến nghị bổ sung 2.283 tỷ đồng vốn ODA cấp phát còn lại

Sau nhiều lần trễ hạn, TP.HCM đã đặt mục tiêu dự kiến hoàn thiện trong quý III/2021, khai thác thương mại từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, tới tháng 9/2021, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã kiến nghị xin lùi thời hạn, do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm cả vấn đề tiến độ thanh toán, giải ngân.

Điển hình, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP.HCM) chậm do chưa có khả năng phê duyệt các lệnh phát sinh cũng như tình trạng chậm thanh toán ở các kỳ thanh toán giữa kỳ và tiến độ phối hợp tái lập của các đơn vị hạ tầng kỹ thuật.

Tới tháng 10/2021, UBND TP.HCM đã phải báo cáo Chính phủ và Quốc hội xin lùi “đích” của Dự án tới khoảng đầu năm 2024.

Ngoài các nguyên nhân như Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, nhân sự…, theo UBND TP.HCM, còn có nguyên nhân không nhỏ là việc giải ngân vốn ODA “nhỏ giọt”.

Tới thời điểm này, lũy kế giải ngân vốn ODA cấp phát là 10.341 tỷ đồng, giá trị vốn còn lại chưa giải ngân là 3.991,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án là 1.704,6 tỷ đồng, chỉ đạt 43% nhu cầu.

Trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan kiến nghị bổ sung 2.283 tỷ đồng vốn ODA cấp phát còn lại của tuyến metro số 1 chưa giải ngân giai đoạn 2021 - 2025 để giải quyết nhu cầu cấp bách cho Dự án. Trong đó, riêng với năm 2021, UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh vốn ODA cấp phát bố trí cho Dự án là 200,5 tỷ đồng và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đề xuất dùng 175,605 tỷ đồng trong số tiền trên để giải ngân cho các hóa đơn của gói thầu 1a và 1b, nhưng vẫn bị tắc.

Shophouse Metro Star về đích cùng tuyến Metro số 1
“Bắt đáy bất động sản” là cụm từ được Google trend xếp vị trí rất cao trong các từ khoá được tìm kiếm nhiều trên mạng trong những ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư