Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Gỡ khó cho TPDN, khơi thông nguồn vốn: Mỗi bên cần lùi lại một chút
T.L - 17/03/2023 14:26
 
Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ nhìn bức tranh rộng ra, xem xét, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp.

Theo số liệu của Fiin Group, hiện số doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã lên tới 67, cao hơn con số 54 doanh nghiệp mà HNX công bố hồi cuối tháng 2/2023.  

Trước lo ngại về rủi ro vỡ nợ trái phiếu lan rộng, ông Dương Hồng Hà, Phó Trưởng ban Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, bất kỳ thị trường TPDN quốc gia nào đều có rủi ro nhất định, tỷ lệ vỡ nợ TPDN trung bình trên thế giới vào khoảng 3%. Hiện tổng dư nợ TPDN phát hành của 67 doanh nghiệp chậm thanh toán đang là 110.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng lượng TPDN đang lưu hành trên thị trường. Trong đó có hơn 30.000 tỷ đồng đáo hạn năm nay (trong điều kiện chưa áp dụng Nghị định 08/2023/NĐ-CP). Tuy vậy, Nghị định 08 ra đời sẽ giải tỏa bớt áp lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian trả nợ nhà đầu tư.

Việc triển khai Nghị định 08 cần thêm thời gian để đánh giá, song ông Hà cho rằng, trước mắt, không nên đề cập đến vấn đề đổ vỡ TPDN vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và ảnh hưởng dây chuyền. Khi đó, các hệ lụy có thể xảy ra là: mất mát tài sản của nhà đầu tư cá nhân, chủ doanh nghiệp phải bán tài sản để trả nợ, ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia…  

Dù vậy, theo chuyên gia này, cần cân nhắc dự phòng các giải pháp mạnh hơn, đơn cử thành lập quỹ hỗ trợ trái phiếu. Nhìn xa hơn, cần phối hợp giải pháp khác khi nguồn cầu từ nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới sụt giảm, có giải pháp khuyến khích nguồn cầu của nhà đầu tư tổ chức.

Về Nghị định 08/2023/NĐ-CP, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, Nghị định chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành tái cấu trúc. Riêng với phát hành TPDN mới vẫn sẽ khó khăn do tâm lý nhà đầu tư vẫn rất yếu (nguồn cầu). Về phía cung, nhu cầu phát hành của doanh nghiệp vẫn rất lớn nhưng năng lực, chất lượng tổ chức phát hành bị hạn chế, cần có thời gian để doanh nghiệp nâng tầm lên và thích ứng với bối cảnh thị trường.

Chìa khóa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, theo ông Quỳnh, phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, minh bạch chưa đủ mà phải đi kèm với sự nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành đã minh bạch thông tin song nhiều nhà đầu tư chỉ mua theo phong trào mà không hiểu được nội dung của các bản cáo bạch. Vì vậy, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường là rất quan trọng.

Ngoài ra, cần một thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng. Cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp - chất lượng của con nợ - và tổ chức phát hành. Làm được như vậy thị trường TPDN sẽ phát triển bền vững.

Để khơi thông nguồn vốn cho thị trường, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ví von, tình cảnh hiện nay giống như tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không chỉ khư khư giữ lại quyền lợi của mình, tạo điều kiện cho các kênh vốn.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ nhìn bức tranh rộng ra, xem xét, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp cần có sự cơ cấu lại. Về phía cơ quan quản lý cần có sự kiểm soát, tăng cường công khai, minh bạch, nắm chắc dữ liệu nhà đầu tư để phân biệt. Các ngân hàng thương mại cần tích cực, thiện chí trong gỡ khó, khơi thông, thời hạn nợ, phân loại nợ, chuyển nhóm nợ nhằm giải quyết vấn đề về thanh khoản.

Ngoài ra, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sự phản ứng rất nhanh của Mỹ trong xử lý vấn đề thanh khoản là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Cảnh báo đỏ cho ngân hàng đầu tư trái phiếu, bất động sản
Liên tiếp 3 ngân hàng của Mỹ tuyên bố phá sản khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư