Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 06 tháng 09 năm 2024,
Gỡ nút thắt để thúc đẩy Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Anh Minh - 06/09/2024 16:18
 
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được khởi xướng đầu tư vào năm 2020 trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động, UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến khởi công vào năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Bản đồ hướng tuyến đường sắt tốc đô cao trên trục Bắc - Nam qua địa phận TP. Hà Nội.
Bản đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66 km đi qua địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai (55 km đi qua tỉnh Lâm Đồng, 11 km đi qua tỉnh Đồng Nai). Đây là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200 km, do UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan có thẩm quyền.

Lụt tiến độ dài dài

Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh), Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất thực hiện dự án theo phương thức PPP vào tháng 8/2020.

Dự án được khởi xướng trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho liên danh thực hiện lập đề xuất, dự kiến khởi công vào năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Theo phương án huy động vốn được các bên cam kết trong bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng), các thành viên liên danh nhà đầu tư đề xuất, các đối tác, ngân hàng đã thống nhất tham gia tài trợ và góp vốn thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến nay do nhiều nguyên nhân, các nhà đầu tư trong liên danh là Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam Miền Trung và Ngân hàng Nam Á đã không thể tiếp tục tham gia đầu tư, tài trợ vốn do các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.

Hiện chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả hơn 4 năm qua vẫn kiên định theo đuổi, tài trợ kinh phí lập đề xuất dự án (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) và tiếp tục triển khai hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi cho tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, với thực trạng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia thấp (khoảng 35%), thời gian thu phí kéo dài, sự kết nối với các đoạn tuyến cao tốc khác như Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương chưa xác định được thời gian hoàn thành để khai thác đồng bộ toàn tuyến từ Dầu Giây - Liên Khương nên rất khó để thu hút các nhà đầu tư khác và ngân hàng tham gia hợp vốn.

Theo Tập đoàn Đèo Cả, hiện chỉ có Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cam kết thu xếp cho vay đủ phần vốn huy động của Dự án nhưng với điều kiện là: “vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động)…”. Trong khi đó, tại Điều 77 Luật Đầu tư PPP quy định “vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước”.

Do không rõ ràng về tỷ lệ vốn đầu tư có bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước hay không nên Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hiện không đủ điều kiện vay vốn VDB.

Gỡ nút thắt vốn đầu tư

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm nhà đầu tư đứng đầu liên danh và tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”, cùng với bề kinh nghiệm triển khai các dự án PPP cao tốc, Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết tâm thực hiện, cam kết góp đủ vốn chủ sở hữu và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tài chính khả thi để UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục, làm cơ sở để nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai dự án.

Đây cũng là nội dung trong chương trình làm việc của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với UBND tỉnh Lâm Đồng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương ngày 4/9 vừa qua.

Tại cuộc làm việc này, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn, làm rõ quy định tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia đối với các Dự án đầu tư PPP là 20% tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án.

Đối với Ngân hàng VDB, cần có cam kết tài trợ vốn tín dụng theo phương án tài chính được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt để làm cơ sở cho các Ngân hàng thương mại hỗ trợ cung cấp bảo lãnh dự thầu, thu xếp tín dụng ngắn hạn. Trường hợp VDB không cấp tín dụng cho dự án, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo để Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank tham gia đồng tài trợ cho dự án.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cần phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các nội dung về trạm dừng nghỉ và các quy định kỹ thuật mới như ứng dụng mô hình thông tin công trình - BIM trong thiết kế, xây dựng… theo đúng quy định Luật Đường bộ 35/2024/QH15 và Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Đối với các kiến nghị của Tập đoàn Đèo Cả, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về vướng mắc trong vay vốn theo Nghị định số 78, kiến nghị làm rõ, sửa đổi Nghị định để thống nhất cơ chế với Luật Đầu tư PPP nhằm tăng sức hấp dẫn của nhà đầu tư với dự án cao tốc, tham mưu để Chính phủ có chỉ đạo thể hiện cam kết rõ ràng với các nhà đầu tư. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho nhà đầu tư vay vốn thực hiện Dự án.

“Đây là dự án kết nối vùng rất quan trọng, do đó phải tháo gỡ và thực hiện trong tháng 10/2024 để kịp trình cơ quan có thẩm quyền về những điều chỉnh nhằm gỡ khó cho dự án. Việc tháo gỡ cho hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương sẽ tạo cơ chế pháp lý cho các dự án cao tốc tiếp theo”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư