Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gỗ Trường Thành mong “sạch” để đổi vận
Anh Hoa - 06/11/2018 14:22
 
Để đạt mục tiêu trở thành công ty có giá trị tỷ đô trong 10 năm tới, trước mắt, Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành, mã TTF) phải làm mọi cách để “sạch” nợ ngân hàng, “sạch” hàng tồn kho.

Gánh nặng ngàn tỷ 

Ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc Gỗ Trường Thành đang cố kéo công ty này khỏi hố sâu xuất hiện từ khi ông tiếp quản công ty. Vấn đề của Gỗ Trường Thành nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các loại chi phí, khoản đầu tư ở công ty con, công ty liên kết. Trong năm nay, Gỗ Trường Thành sẽ giải quyết dứt điểm các điểm đen này và sẽ còn phải trải qua những “đau đớn” nhất định. 

Vấn đề của Gỗ Trường Thành nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các loại chi phí, khoản đầu tư ở công ty con, công ty liên kết
Vấn đề của Gỗ Trường Thành nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các loại chi phí, khoản đầu tư ở công ty con, công ty liên kết

Đến thời điểm này, kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Gỗ Trường Thành có nguy cơ đổ vỡ. Với mức doanh thu mục tiêu hơn 1.500 tỷ đồng, nhiều khả năng, Công ty chỉ thực hiện được 1.000 tỷ đồng và sẽ chấp nhận thua lỗ để trích lập dự phòng và xử lý các vấn đề khác. “Đây là năm bàn đạp để Công ty xử lý các vấn đề hiện tại. Nếu giải quyết xong các vấn đề này, Công ty chắc chắn có lãi từ năm 2019. Chúng tôi muốn Gỗ Trường Thành trở thành công ty nội thất đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị tỷ USD trong 10 năm tới”, ông Tín nói.

Bộ phận thanh lý của Gỗ Trường Thành đã hoạt động tích cực, xử lý nợ ở các ngân hàng như KienLongBank và VietABank. Khúc mắc còn lại chỉ là khoản nợ 120 tỷ đồng từ DongA Bank. Dự kiến cuối năm 2018, chậm nhất là đầu năm 2019, Công ty sẽ bán một liên doanh trồng rừng để trả dứt điểm nợ DongA Bank. Khi trả hết nợ và ra khỏi danh sách nợ xấu, Công ty có thể vay thương mại trong năm sau.

Gỗ Trường Thành đã thu gọn quy mô từ 14 đơn vị xuống còn 8 - 9 đơn vị và sẽ tiếp tục cắt giảm để cuối cùng chỉ còn nhà máy chính ở Bình Dương. Trong 10 tháng qua, bộ phận kinh doanh của Gỗ Trường Thành đã tìm kiếm thêm các khách hàng khác ngoài Vingroup để tạo thế đứng tốt hơn. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu đã tăng trưởng nhiều, khi Công ty đẩy mạnh mảng sản xuất, xuất khẩu tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Do đó, tỷ trọng doanh thu từ Vingroup đã giảm từ 80% xuống 50% trong tổng doanh thu. 

Mặc dù hoạt động xuất khẩu đang rất tốt, nhưng Gỗ Trường Thành lại muốn trở thành nhà cung cấp nội thất tổng thể hàng đầu trong nước. Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới khi chiếm 6% thị trường nội thất toàn cầu. Ông Tín dự báo, trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ đứng thứ hai, sau Trung Quốc.

Hơn nữa, Gỗ Trường Thành từng là công ty xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời rất tốt, nếu không muốn nói tốt nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hàng này không còn được ưa chuộng nữa, Công ty cần thay đổi theo chiến lược kinh doanh đồ gỗ trong nhà.

“Rất nhiều công trình bất động sản lớn sử dụng gỗ Trung Quốc, đây là điều vô cùng xấu hổ đối với ngành gỗ trong nước. Xuất khẩu có đơn hàng lớn, ổn định, nên dễ làm hơn. Còn trong nước, đơn hàng quy mô nhỏ hơn, thời gian gấp hơn, nhưng làm gỗ tại Việt Nam có lời và không thể để doanh nghiệp nước ngoài lấn chiếm thị trường nội địa”, ông Tín nói. 

Ở nhóm ngành sứ vệ sinh, Gỗ Trường Thành vẫn phát triển khi sáp nhập Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm gốm sứ, do Công ty cổ phần Đồng Tâm của “Bầu” Võ Quốc Thắng và người có liên quan nắm tỷ lệ chi phối. Sứ Thiên Thanh chỉ là bước đầu cho sự hợp tác giữa Gỗ Trường Thành với Đồng Tâm Group trong nhiều lĩnh vực khác.

Gỗ Trường Thành sẽ phát hành khoảng 100 triệu cổ phiếu mới, tương ứng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, nhằm hoán đổi cổ phần với công ty sáp nhập, để tăng vốn điều lệ từ 2.146 tỷ đồng hiện nay lên hơn 3.146 tỷ đồng. Tỷ lệ hoán đổi sẽ được xác định trên cơ sở so sánh mức giá được xác định theo các phương pháp cho cổ phiếu TTF và Sứ Thiên Thanh

Ông Tín khẳng định, tăng vốn xong là đã đủ cơ sở để Gỗ Trường Thành xử lý dứt điểm quá khứ. Có nghĩa là từ năm 2019, Gỗ Trường Thành có thể tự tin bứt phá. 

Sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ và công ty con. Ông Tín hiện là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 34% vốn của Gỗ Trường Thành và sẽ còn khoảng 20% sau sáp nhập. Đặc biệt, hai bên sẽ bắt tay với một đơn vị nước ngoài lớn, sản xuất các sản phẩm sứ cao cấp hơn. 

“Trục vớt con tàu đắm”

Từng được coi là “Vua gỗ”, Gỗ Trường Thành đã trải qua nhiều thăng trầm, từng đứng bên bờ vực phá sản, gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Võ Trường Thành. “Tôi không thấy có gì bất thường. Mọi người hành xử theo suy nghĩ của họ. Còn tôi, tôi tin những gì mình đang làm sẽ thành công”, ông Tín nói khi chứng kiến sự quay lưng của mọi người với “Vua gỗ” một thời này.   

Kể từ thời điểm chấp nhận chi 8.000 đồng/cổ phiếu để mua 20% vốn Gỗ Trường Thành năm 2017, khoản đầu tư của ông Tín đang mất một nửa giá trị trên thị trường chứng khoán. Vậy nên, ông hiểu cảm giác của cổ đông khi nhìn thấy giá cổ phiếu lao dốc. Ông khẳng định, Gỗ Trường Thành chỉ có thể vươn lên mạnh mẽ khi xử lý hết các vấn đề của năm 2018.

Ông Tín từng tái sinh Giấy Sài Gòn khi doanh nghiệp này gần như không còn nhiều hy vọng. Cuộc giải cứu không chỉ thành công khi ông bán 90% vốn cổ phần cho tập đoàn đa ngành của Nhật Bản - Sojitz với giá 91,2 triệu USD (tương đương gần 2.100 tỷ đồng), mà khoản đầu tư còn gia tăng giá trị lên 2,5 lần.

Ông Tín quyết định đầu tư vào Giấy Sài Gòn năm 2013 vì tình cảm hơn là một thương vụ kinh doanh. Ngoài chuyện đời tư, ông Tín và ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Giấy Sài Gòn có mối quan hệ khá thân thiết. Ông Tín thừa nhận điều này làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Ông tin vào năng lực điều hành của nhà sáng lập và đội ngũ lao động, cũng như hiểu rõ ngành nghề của Công ty, nhìn thấy tương lai xán lạn của nó.

Giai đoạn 2015-2017, Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh ghi nhận doanh thu tăng từ 138 tỷ đồng lên 159 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm dần từ 12,6 tỷ xuống 0,75 tỷ đồng. Năm 2018, Công ty lên kế hoạch doanh thu đạt 177,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 5,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 sau soát xét, Gỗ Trường Thành lỗ lũy kế 2.092 tỷ đồng, tương đương 97,5% vốn điều lệ.

Hai năm sau thời điểm ông Tín đầu tư, Giấy Sài Gòn đi vào hoạt động ổn định, tổng công suất đạt 320.000 tấn giấy/năm và dự kiến có lợi nhuận. Công ty hướng đến mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng vào năm 2019. Khi đó, ông Tín cho biết, Giấy Sài Gòn đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật Bản. Thị trường xuất khẩu có đến hơn 50 nước. Điều đó khiến Sojitz quyết định giành lấy công ty này. 

“So với Giấy Sài Gòn, thì Gỗ Trường Thành là khoản đầu tư khó hơn nhiều. Giấy Sài Gòn khó khăn thực sự, còn Gỗ Trường Thành là khó khăn cộng với lừa đảo”, ông Tín nói và cho biết, khó khăn nhất trong tái cấu trúc Gỗ Trường Thành là nắm chính xác tất cả các vấn đề từ quá khứ, do Công ty không có số liệu đúng và minh bạch trước đây. 

Ông Tín đến với Gỗ Trường Thành trước tiên vì không muốn thấy một thương hiệu Việt biến mất và bây giờ là vì các cổ đông đã tin, đã đầu tư theo ông. Hiện ông chưa có ý định bán lại cho đối tác ngoại nếu vực dậy thành công Gỗ Trường Thành.

M&A là chuyện tất nhiên và là một trong các cách tăng trưởng nhanh nhất. Không phải thương vụ nào cũng thành công, nhưng trừ khi tạo ra một doanh nghiệp mang tính độc quyền cao và có khả năng gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, thì nên coi M&A là chuyện phải diễn ra để tăng hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp. 

“Không phải chỉ có doanh nhân tổ chức công ty kiểu holdings mới làm M&A. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng có thể làm M&A. Bất kỳ khi nào 1+1 tốt hơn 2 doanh nghiệp riêng rẻ, thì M&A có thể xảy ra”, ông Tín nhấn mạnh.

Trước mắt, để các nhà đầu tư thoát khỏi nỗi ám ảnh, Gỗ Trường Thành phải làm mọi cách để trở thành doanh nghiệp “sạch” nợ ngân hàng, “sạch” hàng tồn kho vì lượng gỗ cũ không thể đưa vào sản xuất - kinh doanh. Trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2021, Gỗ Trường Thành dự kiến tăng trưởng doanh thu kịch trần 20% mỗi năm. Đó là mức tăng trưởng ổn định để có lợi cho tất cả các bên liên quan.

“Đường về xa xôi” của Gỗ Trường Thành
Việc báo lỗ thêm 164 tỷ đồng sau soát xét của Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành không phải là điều bất ngờ khi doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư