Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn TTCK 12-16/12: Dòng tiền có thể luân chuyển sang nhóm vốn hoá vừa và nhỏ
Hải Trần - 11/12/2022 15:25
 
Agriseco Research nghiêng về kịch bản thị trường sẽ biến động giằng co trong biên độ 1.020 – 1.080 và dòng tiền luân chuyển sang các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ

Diễn biến giằng co nắm thế chủ đạo trong các phiên giao dịch tuần qua do tâm lý thận trọng trở lại khi VN-Index tiệm cận các vùng giá cao. Kết phiên cuối tuần, chỉ số lui về mốc 1.052 điểm, tương ứng giảm 2,6% so với tuần trước đó. Đồng thuận với giá thanh khoản bình quân phiên cũng giảm nhẹ gần 3% đạt 19.800 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời diễn ra tại đa số các nhóm ngành trong đó tập trung vào các nhóm tăng mạnh giai đoạn trước như bất động sản, ngân hàng với mức giảm lần lượt là 4,1% và 3,4%. Cùng với đó nhóm dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng hơn 1% tuy nhiên đã hạ nhiệt so với tuần trước đó. Chiều ngược lại đáng chú ý là nhóm du lịch và giải trí khi bật tăng mạnh nhất tuần qua với mức tăng 6%. 

Khối ngoại tiếp tục vào ròng cả tuần qua với tổng giá trị mua ròng 5 phiên đạt khoảng 4.300 tỷ trên cả 3 sàn. Top các mã khối ngoại mua ròng nhiều nhất bao gồm VIC, VHM, SSI. Chiều ngược lại VCB, PDR, BID là 3 mã khối này bán ròng mạnh nhất.

Tuần vừa qua khối tự doanh đẩy mạnh mua ròng phiên cuối tuần, thống kê lại khối này mua ròng hơn 560 tỷ trong tuần qua tập trung vào các mã GEE, SHS, STB. Chiều ngược lại bán ròng mạnh các mã NVL, VHM,  PDR.

Trái ngược với 2 khối trên, dòng tiền khối nhà đầu tư cá nhân tiếp tục rút khỏi thị trường với tổng giá trị bán ròng đạt khoảng 3.100 tỷ đồng.

Thông tin đáng chú ý trong tuần, theo Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 11 vừa qua, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 88.479 tài khoản chứng khoán, giảm nhẹ so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 88.334 tài khoản và các tổ chức mở mới 145 tài khoản. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm. Tính đến cuối tháng 11, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,74 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,7% dân số.

Cũng trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 216 tài khoản, tăng 24% so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới của khối ngoại có sự gia tăng. Thời điểm 30/11/2022, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.458 tài khoản.

Sự gia tăng mở tài khoản của khối ngoại phù hợp với giao dịch của nhóm này trong thời gian vừa qua khi đẩy mạnh mua vào trong tháng 11, với tổng giá trị mua ròng đạt gần 17 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định nới hạn mức tín dụng thêm 1,5% - 2% cho các TCTD, khi áp lực lạm phát đã dịu bớt. Mục tiêu là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn, nhu cầu chi trả của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm này. Như vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay được tăng lên thành 15,5% - 16% so với mục tiêu đầu năm là 14%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000 - 200.000 tỷ đồng.

Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Ngoài ra, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Liên quan đến dầu khí, trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn tháng 12/2022 mới đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã đưa ra dự báo lượng dầu trong các kho dự trữ của thế giới trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 200.000 thùng/ngày, trước khi tăng gần 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023. Giá dầu Brent dự kiến trung bình ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn 3 USD so với dự báo trước đó.

Về khí đốt tự nhiên, EIA dự báo giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ tăng so với mức của tháng 11/2022 do nhu cầu khí đốt tự nhiên trong mùa Đông cao hơn và xuất khẩu LNG tăng và sẽ bắt đầu giảm sau tháng 1/2023 khi mức lưu trữ của Mỹ tiến gần đến mức trung bình 5 năm trước đó, phần lớn là do sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng lên. Tuy nhiên, khả năng biến động giá vẫn cao.

Theo đánh gía của Agriseco Research, sau phiên giảm mạnh 4% kèm khối lượng giao dịch đạt gần 1,5 tỷ cổ phiếu – mức cao thứ hai trong lịch sử thị trường vào ngày 6/12, VN-Index chủ yếu giao dịch giằng co quanh vùng 1.050 điểm. 

Agriseco Research cho rằng diễn biến này phù hợp khi VN-Index đã hồi phục hơn 25% từ vùng đáy ngắn hạn thiết lập hồi giữa tháng 11 chỉ trong 3 tuần. Bên cạnh đó lực cung của nhà đầu tư cá nhân trong nước tại các vùng giá cao còn tương đối lớn (Tuần qua nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng) trong khi đà mua ròng của khối ngoại – động lực chính giúp VN-Index phục hồi điểm số trong những tuần gần đây đang có xu hướng giảm dần trong các phiên cuối tuần (tuần qua khối ngoại chỉ mua ròng 4.200 tỷ trên HSX so với gần 9.200 tỷ của tuần trước đó). Trong bối cảnh tâm lý thị trường đang được nâng đỡ nhiều bởi khối ngoại, nếu dòng vốn này rút khỏi thị trường, tâm lý chung có thể chịu tác động đáng kể.

Về mặt kỹ thuật, trên khung đồ thị ngày hiện chỉ số đang tiến vào vùng mây Senkou Span B với áp lực chốt lời gia tăng thể hiện qua 4 cây nến đỏ liên tiếp với thanh khoản khá cao, do đó rung lắc khó tránh khỏi. 

Bên cạnh đó nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số sự kiện quan trọng trong tuần tới có khả năng tác động đến chỉ số như thời điểm FED công bố lãi suất điều hành (rạng sáng 15/12), đáo hạn hợp đồng phái sinh (15/12) hay các quỹ ETF tiến hành chốt danh mục Quý 4 (16/12). 

Vì vậy Agriseco Research nghiêng về kịch bản thị trường sẽ biến động giằng co trong biên độ 1.020 – 1.080 và dòng tiền có sự luân chuyển từ các nhóm thu hút dòng tiền khối ngoại sang các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong tuần tới. 

Trong trường hợp chỉ số tìm về các vùng hỗ trợ, nhà đầu tư có thể thực hiện giải ngân đối với các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới, tuy nhiên hạn chế sử dụng đòn bẩy để tránh rủi ro thị trường giảm điểm sâu ảnh hưởng tới danh mục đầu tư. 

Một số nhóm ngành Agriseco Research ưu tiên lựa chọn trong giai đoạn này bao gồm: Nhóm ngành Hàng không và Du lịch được hỗ trợ bởi thông tin nối lại đường bay thường lệ; Nhóm cổ phiếu liên quan chủ đề Đầu tư công do kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023; Nhóm bán lẻ tiêu dùng khi mùa lễ tết đến sớm kích thích nhu cầu của người dân

Những cổ phiếu được ưu tiên lựa chọn là các doanh nghiệp có định giá ở mức hấp dẫn hoặc có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong giai đoạn tới. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư