Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 6-10/6: Điều chỉnh và tích lũy là cần thiết cho đợt tăng giá mới
Hải Trần - 05/06/2022 07:34
 
Nhịp điều chỉnh (nếu có) không hẳn mang tính chất tiêu cực, mà nó sẽ tạo cơ hội để thị trường tích lũy lại trước khi có những động thái tích cực hơn.

Thực tế, thị trường đã có 2 phiên giảm điểm tuần trước. Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật đang có sự ủng hộ cho xu hướng hồi phục của thị trường với việc chỉ số VN-Index đã bật thoát xa ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm và gần như chạm ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm là mốc đầu tiên sóng hồi phục hướng tới.

Tuy nhiên, ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm đang bị thử thách khi thị trường đã giảm 2 phiên cuối tuần qua và chưa vượt thoát khói ngưỡng cản này, và rất có thể thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh tất yếu và cần thiết để tích lũy thêm trước khi có đợt tăng giá mới để tiếp tục vượt lên.

Hiện nay, các vấn đề đang kìm nén dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán là lạm phát, câu chuyện tăng trưởng Mỹ và EU sẽ ra sao sau khi Fed tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán và thị trường trái phiếu có tiếp tục tạo áp lực lên dòng tiền khi room tín dụng chờ được cấp mới.

Nhìn sang câu chuyện lạm phát tại EU, Mỹ đang đối mặt đến nhiều từ phía cung, chi phí đầu vào tăng cao gây lên áp lực lên lạm phát tăng. Phía cầu thì nhu cầu tiêu dùng tăng khi kinh tế phục hồi, nên yếu tố cầu kéo cũng tăng. Nếu đánh giá tỷ trọng cho dễ hình dung thì 70-80% là do yếu tố cung.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết, hiện đang tìm cách hạ nhiệt lạm phát mà đang đánh thẳng vào “cầu” bằng cách tăng lãi suất, nhưng yếu tố lạm phát do cung vẫn nằm đó, chủ yếu vấn đề xung đột Nga - Ukraine - vấn đề này không giải quyết được thì cứ treo mãi lơ lửng trên đầu, làm cho Fed phải quan tâm. Các hành động tăng lãi suất sắp tới vẫn tiếp diễn. Kịch bản đang được thảo luận nhiều là khả năng Fed tăng 2 lần nữa tổng 0,5% và đến tháng 9 thì dừng. Mọi người đang chờ đợi và xem xem Fed hành động, thị trường sẽ phản ứng ra sao.

Nhưng khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nhu cầu phục hồi lại thì sẽ tạo áp lực lên giá hàng hoá, càng đẩy áp lực lạm phát tăng lên. Các ngân hàng trung ương nằm ở thế lưỡng nan là cùng lúc vừa xử lý lạm phát cả từ phía cung và cầu. Và như thế, thị trường chứng khoán vẫn chờ đợi xem diễn biến mới của các yếu tố ảnh hưởng và phản ứng trên thị trường như thế nào?

Với Việt Nam, ông Thành cho rằng, nếu lạm phát Mỹ tiếp tục mức này và lãi suất đẩy lên cao cũng ảnh hưởng, thì Việt Nam hoặc là chấp nhận tiền Việt Nam đồng lên giá, qua đó sẽ áp lực cạnh tranh hàng xuất khẩu; vậy phải lựa chọn phá giá đồng tiền, thì cũng ảnh hưởng đến thị trường, vì các công ty quản lý quỹ tự nhiên bị giảm 1-2% do tiền đồng mất giá.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tháng 6, các chuyên gia chứng khoán VNDIRECT cho rằng, có một số yếu tố hỗ trợ thị trường, bao gồm: (1) tình hình COVID-19 ở Trung Quốc được cải thiện sẽ góp phần giải quyết những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng; (2) tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới; (3) chính thức triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng; và (4) triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong giai đoạn 2022-2023.

Định giá thị trường hấp dẫn so với mức lịch sử và các nhóm ngành trong khu vực, PE trailing (lấy thu nhập 4 quý gần nhất) quanh mức 13 lần,  chiết khấu 24,6% so với mức đỉnh từ đầu năm và chiết khấu 21,1% so với P/E trung bình 5 năm.

VNDIRECT kỳ vọng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE tăng trưởng lần lượt 23% và 19% trong năm 2022 và 2023, kéo theo mức P/E dự phóng cho năm 2022 là 11,9 và P/E dự báo cho 2023 là 10,1 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm gần đây là 16,5 lần. Đây là mức định giá thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư