Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần cuối năm 2023: Có thể lướt sóng trong khung dao động hiện tại
Hải Trần - 24/12/2023 12:13
 
Chiến lược đầu tư phù hợp cho giai đoạn hiện tại là có thể lướt sóng trong khung dao động hiện tại, gia tăng vị thế ở những điểm kiểm định thành công vùng giá thấp quanh mốc 1.080 điểm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng tốc vào cuối năm. Tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm là 9,87%, so với con số cuối tháng 11 là 9,15% - cho thấy cải thiện đáng kể trong chưa đầy 2 tuần. 

Với tốc độ này, tăng trưởng tín dụng tới cuối năm có thể đạt 11%, nhưng đây cũng là diễn biến thường thấy ở những dịp cuối năm của các năm trước, nên để xác định các con số này liệu có phải là tăng trưởng tín dụng bền vững thực sự hay không, thì phải chờ thêm thời gian. 

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bên có liên quan, giám sát sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại, đồng thời đưa ra các thủ tục liên quan đến phân phối sản phẩm tài chính như bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp trước tháng 1/2024.

Tỷ giá có tăng trở lại trong tuần qua, đầu tiên là hiệu ứng của tỷ giá tự do, sau đó là sự gia tăng của tỷ giá tại các ngân hàng thương mại. Điểm khác biệt là tỷ giá VND/USD trong thời gian gần đây ít có mối tương quan với các tỷ giá khác trong khu vực. 

Tỷ giá tự do tăng vọt thông thường đến từ nhiều biến động của cung cầu ngoại tệ trong ngắn hạn, nhưng cũng cần theo dõi trong thời gian tới. 

Xung đột địa chính trị tại khu vực Biển Đỏ bắt đầu có tác động đến thị trường hàng hải quốc tế. Khiến các hãng tàu vận tải lớn, vận chuyển dầu mỏ và khí đốt, đều đưa ra quyết định tránh đi qua kênh đào Suez cho đến khi có diễn biến mới tích cực hơn. Kênh đào Suez đóng vai trò quan trọng tuyến hàng hải quốc tế, chiếm 12% lưu lượng toàn cầu, cụ thể có 30% khối lượng tàu container, 5% lượng dầu thô, 10% chế phẩm dầu thô, 8% khí tự nhiên hoá lỏng LNG, 14,5% sản lượng ngũ cốc và phân bón toàn cầu được vận tải qua kênh đào Suez trung bình các năm qua. 

Thay đổi tuyến đường hàng hải quan trọng này, khiến các tàu hàng phải vòng qua Nam Phi, điều này dẫn đến tuyến đường hàng hải giữa châu Á và châu Âu tăng thêm khoảng 40% khoảng cách và kéo dài thêm 2 tuần vận chuyển. 

Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời gia tăng các chi phí hậu cần, vận chuyển hàng hoá trong thời gian tới. 

Nhin lại diễn biến giá cước hàng hải trong năm 2021 - cũng có sự kiện tắc nghẽn kênh đào Suez do tàu Ever Given mắc cạn, cũng khiến tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong 3-4 tháng cộng hưởng bởi ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã khiến giá cước container và giá cước hàng khô tăng gấp đôi. 

Hiện nay, chưa có sự gia tăng mạnh mẽ nào về giá cước tàu biển liên quan đến hàng container, hàng tanker cũng như hàng rời trong ngắn hạn.

Nếu giả định diễn biến này kéo dài, khiến tinh trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian tới thì các hãng tàu Việt Nam như HAH (tỷ trọng container cao), VOS (chủ yếu hàng khô) và PVT (tàu tanker) có thể được hưởng lợi từ xu hướng giá cước. GMD có tỷ trọng doanh thu, lợi nhuậntập trung ở mảng cảng nên mức độ hưởng lợi là gián tiếp đến từ 2 tàu trung chuyển năng lực cho thuê. 

Tuy nhiên, ở thời điểm này, chuyên gia cho rằng sẽ không tác động lớn như hồi 2021 do vận chuyển vẫn đang kém, và chưa có dấu hiệu bị đứt gãy chuỗi cung ứng như giai đoạn covid 19. 

Với thông tin vi mô, tuần qua, có 2 DN được xem là đầu ngành công bố kết quả kinh doanh tích cực tháng 11 là FPT và PNJ. 

Với FPT, 11 tháng đầu năm, ghi nhận hơn 47.201 tỷ đồng doanh thu và 8.545 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 20% so với cùng kì với sự đóng góp chính từ mảng công nghệ (chủ yếu từ thị trường quốc tế) và viễn thông. Đặc biệt tại thị trường Nhật Bản, nếu bỏ qua tác động diễn biến tỷ giá đồng yên thì tăng trưởng thị trường này cả về doanh thu, lợi nhuận là trên 50% - do Nhật Bản đang đẩy mạnh chi tiêu cho chuyển đổi số. Mảng giáo dục cũng ghi nhận tăng trưởng cao 52,9%  về doanh thu và 31% về lợi nhuận, tăng dần tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu chung của FPT. 

PNJ lại là câu chuyện khác, chỉ mới trở lại tăng trưởng dương trong 2 tháng cuối năm nay, tháng 11, doanh thu và lợi nhuận ròng là 3.100 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận ròng 199 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. 

Doanh thu bán lẻ cho thấy mức tăng trưởng bền vững với mức tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh số bán hàng miếng tăng kỷ lục 98% so với cùng kỳ, nhờ giá vàng tăng 3% mỗi tháng từ tháng 10 đến nay. 

Quay lại với thị trường chứng khoán, thị trường tuần qua tiếp tục có phiên giảm điểm đầu tuần, sau đó kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.080 điểm trước khi có 4 phiên tăng điểm liên tiếp và quay trở lại trên vùng 1.100 điểm.

Kết thúc tuần VN-Index chỉ phục hồi tăng 0,07% so với tuần trước, dừng ở mức 1.103,06 điểm, HNX-Index có diễn biến tích cực hơn khi kết tuần tại 228,27 điểm, tương ứng mức tăng 0,55% so với tuần trước. 

Trong tuần thanh khoản trên cả 2 sàn niêm yết đạt 70.938 tỷ đồng, giảm mạnh 17,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 17,1% cho thấy dòng tiền tiếp tục suy giảm khi thị trường bước vào giai đoạn cuối năm. 

Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sau tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF vẫn chưa ngừng khi khối này tiếp tục bán ròng 2.674 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết và kéo dài chuỗi bán ròng lên tuần thứ 7 liên tiếp. Trong đó giá trị bán ròng tại sàn HoSE là 2.692 tỷ đồng, tập trung bán ròng mạnh nhóm ngân hàng, thép, dịch vụ tài chính-chứng khoán, bất động sản; mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị 18 tỷ đồng.

Thông tin đáng chú ý trong tuần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty chứng khoán không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng. Đồng thời, công ty chứng khoán không được thỏa thuận/ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại có nội dung gây hiểu nhầm về tài khoản chuyên dụng của nhà đầu tư đứng tên công ty chứng khoán tại ngân hàng thương mại.

Chiến lược đầu tư phù hợp cho giai đoạn hiện tại là có thể lướt sóng trong khung dao động hiện tại, gia tăng vị thế ở những điểm kiểm định thành công vùng giá thấp quanh mốc 1.080 điểm và chốt lãi ở vùng cao hơn khi thấy thị trường thiếu động lực đi lên tiếp. 

Lưu ý, chỉ giải ngân phù hợp cho các cơ hội có lợi suất trung bình, không phù hợp cho việc đẩy mạnh giải ngân với tỷ trọng lớn. 

Trong khung đi ngang sẽ có sự phân hoá rõ rệt, cũng giúp nhà đầu tư có cơ hội tích luỹ cổ phiếu tốt cho trung và dài hạn. 

Do là tuần cuối cùng của năm, nên nhà đầu tư sẽ thường xuyên nhìn thấy sự chậm lại của thanh khoản, nhưng nhin sang quý I/2024 lại thường là quý có thuận lợi về điểm số cũng như cơ hội nhiều hơn - theo đó, tuần này cũng có thể là tuần để nhà đầu tư tích luỹ để nhặt nhạnh những cơ hội như vậy. Về kỹ thuật, thị trường trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng vận động tích lũy chặt chẽ trong khu vực kênh tích lũy trung hạn 1.100 điểm - 1.150 điểm. Khả năng về nhịp tăng trở lại của VN-Index trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 để hướng tới vùng cản gần nhất quanh 1.130 điểm vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên cũng không loại trừ kịch bản chỉ số tiếp tục diễn biến xoay quanh vùng 1.100 điểm với thanh khoản thấp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư