Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn về “thế giới phẳng” với Telehealth của Giám đốc Bệnh viện Việt Đức
Thu Hà - 08/09/2020 08:02
 
Với công nghệ Telehealth, ngành y thành “thế giới phẳng”: khoảng cách địa lý, BV tuyến trên – tuyến dưới, cơ sở y tế địa phương - trung ương, BV ở Việt Nam và thế giới dần được xóa nhòa.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết cách đây 15 năm, cơ sở y tế này là đơn vị đầu tiên thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa trong dự án tăng cường năng lực các bệnh viện vệ tinh do Bộ Y tế phê duyệt năm 2004.  

Ca tư vấn phẫu thuật đầu tiên được bệnh viện thực hiện vào năm 2006 giữa bệnh viện này và BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng). Sau đó, thông qua hệ thống tư vấn phẫu thuật từ xa, các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã giúp cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo như vụ sập cầu treo Chu Va (Lai Châu, 2014), cứu cô giáo ở Điện Biên bị xe tải cán qua người vào năm 2017.

Bác sĩ Trần Bình Giang cho biết nếu trước đây, để có thể truyền một cuộc phẫu thuật, các kỹ sư phải mất 2 tuần lắp đặt. Hơn 100 kỹ thuật viên công nghệ thông tin phải trực toàn bộ đường dây hữu tuyến để đảm bảo hệ thống thông suốt.

Bởi vậy, dù muốn mở rộng mô hình, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn không thể tổ chức các buổi tư vấn phẫu thuật từ xa thường xuyên, định kỳ hàng tuần. Đến năm 2019, số lượng điểm cầu kết nối với cơ sở y tế này mới chỉ có 23.

Thế nhưng, nhờ công nghệ Telehealth do Viettel cung cấp, hiện nay, con số này đã tăng lên 100 điểm cầu vào hôm khai trương hệ thống mới và có thể tăng lên tiếp. Thêm vào đó, với Telehealth, thay vì cần nhiều tuần để lắp đặt và hàng trăm kỹ thuật viên phải túc trực, tất cả được tự động hóa.

Đặc biệt, ngày 4/9, lần đầu tiên, Bệnh viện Việt Đức thực hiện tuyền hình trực tiếp tư vấn một ca phẫu thuật với hệ thống kỹ thuật 3D - công nghệ mới nhất trong phẫu thuật nội soi. Hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D đem lại hình ảnh không gian nổi, giúp các góc khuất giải phẫu trở nên rõ nét, dễ tiếp cận, phóng đại các mạch máu nhỏ, tập trung được dụng cụ phẫu thuật vào mục tiêu chính, do đó hạn chế làm chấn thương mô lành xung quanh.

“Để truyền được hình ảnh 3D về trung tâm tư vấn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Viettel phải hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, ví dụ đường truyền băng thông rộng, máy phát hình ảnh 3D, kính 3D...”, GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ.

Việc tiếp cận với kỹ thuật cao như nội soi 3D giúp phẫu thuật viên được làm việc trong không gian ba chiều, hỗ trợ các thao tác phẫu thuật chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian mổ.  Đặc biệt, trong cùng một thời điểm, mọi bác sĩ đều có thể theo dõi trực tiếp ca mổ. Đó là điều kiện giúp các nhân viên y tế trẻ tuổi có thể nắm bắt kỹ thuật cao nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian đào tạo.

Nhìn lại hành trình đã qua, GS.TS Trần Bình Giang đánh giá: “Điều khác biệt quan trọng nhất so với giai đoạn trước chính là sự phát triển của khoa học công nghệ. Ngày nay, tất cả được tự động hóa với băng thông lớn”.

Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa, GS.TS Trần Bình Giang nhận xét về công nghệ mới – Telehealth: “Hệ thống Khám chữa bệnh trực tuyến này sẽ cung cấp một flatform để tạo thành một ‘thế giới phẳng’ trong y tế. Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến trung ương. Như thế, chúng ta đã xoá nhoà được khoảng cách địa lý, xoá nhoà được sự phân cấp tuyến này tuyến kia, tất cả đều trên một mặt phẳng”.

Vị giáo sư đầu ngành này còn bổ sung: “Một lợi ích nữa là nền tảng Telehealth có thể giúp ngành y tế xoá nhoà khoảng cách ngay cả với thế giới”. Đó chính là việc chia sẻ kinh nghiệm về những ca mổ khó, cách điều trị hiệu quả ở Việt Nam, cũng như học hỏi thêm kiến thức mới nhất từ các chuyên gia y khoa hàng đầu thế giới.

Thực tế, trước khi hệ thống khám chữa bệnh từ xa sử dụng công nghệ Telehealth, “thế giới phẳng” trong ngành y tế đã dần hình thành nhưng thông qua điện thoại, rồi hiện đại hơn thì qua cầu truyền hình. Thế nhưng, chỉ khi công nghệ Telehealth được triển khai, các bác sĩ đầu ngành cách xa hiện trường hàng trăm, hay hàng nghìn km mà vẫn có thể “như đứng trực tiếp trong phòng mổ”.

Cũng nhờ công nghệ Telehealth, lần đầu tiên, rất nhiều người dân ở vùng sâu vùng xa, thậm chí ở miền núi nhận được sự tư vấn, chuẩn đoán và hướng dẫn điều trị của các giáo sư, chuyên gia mà họ chưa bao giờ biết hoặc “chỉ biết qua màn ảnh truyền hình”. Rất nhiều bệnh viện vệ tinh trước đây có ít cơ hội và khó khăn trong việc được tham gia đào tạo kiểu “cầm tay chỉ việc” của các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa y tế đầu ngành, giờ đã có thể được hỗ trợ thường xuyên hơn.

Trong tương lại, thông qua hệ thống này, người Việt cũng hoàn toàn có thể tiếp cận những tiến bộ mới nhất của y khoa thế giới mà không cần phải tốn kém khi đi sang nước ngoài điều trị.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống khám chữa bệnh từ xa phát huy lợi thế rất lớn. Do không thể tập trung đông người vì nguy cơ lây nhiễm virus rất cao, các bệnh nhân vẫn được chữa trị và hỗ trợ bởi các bác sĩ giỏi; các thầy thuốc ở địa phương vẫn được đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm điều trị hay… thông qua Telehealth.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong thời gian qua, các bác sĩ vẫn cùng các điểm cầu thực hiện hội chẩn ca bệnh khó vào thứ 6 hàng tuần, và tổ chức tập huấn cho các điều dưỡng phòng dịch khi chăm sóc bệnh nhân vào thứ 3 hàng tuần.

“Đây là những lợi ích to lớn của hệ thống này. Quyết định của Bộ Y tế mở rộng hệ thống này dưới sự hỗ trợ nền tảng công nghệ của Viettel là điều hết sức đúng đắn”, GS.TS Trần Bình Giang đánh giá.

[Infographic] Những thành tựu nổi bật nâng cao vị thế ngành y tế Việt Nam
Ngành y tế đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, làm nên những thành công mang tầm thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư