Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế "không được 10%, nhưng cũng phải từ 6-8% GDP"
Nguyễn Lê - 02/12/2021 18:21
 
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi tại cuộc họp báo. (Ảnh - Duy Linh)

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh như trên tại cuộc họp báo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, chiều muộn 2/12.

Với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững", nội dung của Diễn đàn sẽ bao quát đầy đủ các ngành, lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường..., trong đó có cả độ dài và độ lớn của gói hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khoá.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về trọng tâm của gói hỗ trợ này, ông Tuấn cho rằng, trước tiên phải đảm bảo đủ quy mô thì mới đủ tác dụng được.

Chưa đảm bảo về lượng thì không đạt mục tiêu về chất, còn ở mức độ nào cần tính toán, nhấn mạnh như trên, ông Tuấn nói hiện nay còn có không gian có thể tận dụng, như trần nợ công còn dư địa nhiều hơn, hiện nay vào khoảng 43,7% GDP, so với mức trần là 55% GDP thì còn không gian để tận dụng.

Tất nhiên, không quá tận dụng để xảy ra hệ luỵ về lạm phát, gói hỗ trợ quy mô bao nhiêu sẽ thảo luận trong diễn đàn, không thể 10% GDP, nhưng cũng phải từ 6-8% GDP, ông Tuấn nêu quan điểm.

Về đối tượng, người đứng đầu Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần xác định ưu tiên, tập trung vào y tế, doanh nghiệp, người lao động, không chỉ có kinh tế, mà các vấn đề xã hội cũng phải tính tới ở gói này.

Trọng tâm trong ngắn hạn, theo ông Tuấn là hỗ trợ doanh nghiệp trước, với nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ tài chính thuế, phí. Bởi nếu không can thiệp sớm thì doanh nghiệp hy sinh rất nhiều, 10.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng là con số rất đáng báo động, nên làm sao phải hỗ trợ lực lực lượng chủ công này.

Bên cạnh thuế, phí, vị chuyên gia này cho rằng, cần hỗ trợ các doanh nghiệp cả về các nghĩa vụ doanh nghiệp phải đóng, về nợ, và đặc biệt là về tín dụng. Bởi nhiều khi giảm thuế không đủ vì có doanh nghiệp không có doanh thu mà đóng thuế, nên cần phải tiếp cận được tín dụng là rất quan trọng.

Ngoài ra, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nên cũng cần hỗ trợ. Bên cạnh vốn và công nghệ, lao động là quan  trọng, phải hỗ trợ điều kiện về ăn ở, đảm bảo cuộc sống để phục hồi thị trường lao động, ông Tuấn nêu quan điểm.

Cho rằng, doanh nghiệp có thể mượn cơ hội khủng hoảng để chuyển đổi số, ông Tuấn nhấn mạnh "như thế phải có hỗ trợ".

"Chúng tôi dự báo năm nay, Việt Nam tăng trưởng chỉ khoảng 2-2,5%, trong khi thế giới trên 5%, vậy nên để thu hẹp khoảng cách thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vẫn là trụ cột. Gói hỗ trợ thì cần nhưng cần tính đến tác dụng ngay chứ nếu 5-7 năm nữa mới có tác dụng thì sẽ ít tác dụng", ông Tuấn nói.

Cũng trả lời tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cũng sẽ xác định sẽ sử dụng tài khoá bao nhiêu và tiền tệ bao nhiêu trong gói hỗ trợ này.

Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn thông tin tại cuộc họp báo.

Ông Sơn nêu rõ, Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã xác định: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%. Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã xác định mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

Nguồn lực tài chính nào để hỗ trợ phục hồi kinh tế?
Dù đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ về lãi suất, cơ cấu nợ đã được ngành ngân hàng thực hiện, doanh nghiệp vẫn mong đợi một gói hỗ trợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư