Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
TS. Lê Xuân Nghĩa: “Sau khủng hoảng y tế, vất vả nhất lại là các ngân hàng”
Thanh Thủy - 30/11/2021 15:32
 
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ quan quản lý nên giảm bớt liều lượng dần đối với gói giãn hoãn, đồng thời, cho ngân hàng trích lập rủi ro nhiều hơn để dự phòng rủi ro nợ xấu.
.
Nhắc lại về gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngân hàng thương mại cần đứng ngoài cuộc.  Ảnh: Chí Cường

Phía sau con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng

Theo số liệu thống kê của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của các ngân hàng tăng gần 445% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều con số tăng trưởng chung của các doanh nghiệp và ngân hàng trên sàn (56,3%). Dù tốc độ tăng đã chậm lại so với nửa đầu năm, nhóm này vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 tới 19%.

Dù con số lợi nhuận tại nhiều ngân hàng cho kết quả tích cực, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá kết quả này có được một phần nhờ chính sách cho phép giãn hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ vay giúp hàng loạt nợ xấu trở thành “không xấu”.

“ROE và ROA của các ngân hàng tăng mạnh do không phải trích lập dự phòng rủi ro. Lãi dự thu lớn nhưng dòng tiền của ngân hàng là vấn đề đáng quan tâm”, vị chuyên gia kinh tế này đưa ra nhận định tại buổi Toạ đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 30/11.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Phân tích về dòng tiền trên 11 ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng “đáng lo” trong điều kiện Covid-19 như thế này. “Sau khủng hoảng y tế, doanh nghtệp vất vả nhất sẽ là ngân hàng. Khi nền kinh tế phục hồi bắt đầu lại là vấn đề của ngân hàng”, ông Nghĩa cho hay.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ quan quản lý nên giảm bớt liều lượng dần đối với gói giãn hoãn, đồng thời, cho ngân hàng trích lập rủi ro nhiều hơn để dự phòng rủi ro nợ xấu trong tương lai.

Từ góc độ thực tế của ngân hàng, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank nhấn mạnh rằng, năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại hiện đã tốt hơn nhiều năm 2008-2009. Trong đó, các tỷ lệ an toàn hoạt động đã tiệm cận dần chuẩn mực quốc tế, đa số ngân hàng hoàn thành Basel II theo Thông tư 41.

Theo quy định, ngân hàng thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, được trích lập dự phòng trong 3 năm. Các ngân hàng có điều kiện cũng đang tích cực trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tại nhiều ngân hàng hiện đạt trên 100%. Thêm đó, phần lớn các ngân hàng hiện nay gia tăng nguồn thu dịch vụ để phân hóa rủi ro khi phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ hoạt động cho vay. Việc giãn nợ và cơ cấu lại nợ tại LienVietPostBank theo sát tình hình sức khỏe của doanh nghiệp. Ngân hàng do vậy không quá quan ngại về tình hình khó khăn

Tuy vậy, lãnh đạo ngân hàng này cũng cho rằng, đến năm 2022, nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do hỗ trợ doanh nghiệp, nên cần chính sách đồng bộ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để có thể đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo bà Ánh Vân, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết thời gian hiệu lực từ giữa năm sau cần được kéo dài để đảm bảo hiệu quả hoạt động ngân hàng. Dù đã tăng vốn gần đây, nguồn vốn của Công ty Quản lý tài sản VAMC vẫn chưa đủ để xử lý nợ xấu có thể tăng lên sau giai đoạn dịch bệnh.

Bài học từ gói hỗ trợ năm 2009: Ngân hàng thương mại cần đứng ngoài cuộc

Trong một chia sẻ mới đây, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng chương trình phục hồi phát triển nền kinh tế, trong đó có 5 dự án lớn mà một cấu phần quan trọng là chương trình phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Theo đó, một trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp vay, với mức lãi suất cấp bù dự kiến là 2%/năm.

Thực tế, khi đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một gói hỗ trợ lãi suất cho vay (4%/năm) cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất-kinh doanh, kết cầu hạ tầng đã được ban hàng hồi đầu năm 2009.

Quy mô dự kiến của gói hỗ trợ này ban đầu là 1 tỷ USD (khoảng 18.000 tỷ đồng) và thực tế đã giải ngân bù lỗ lãi suất 14.000 – 15.000 tỷ đồng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giải pháp này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng sau đó tăng lên rất cao, lạm phát tăng nhanh trong hai năm 2010-2011. Năng lực quản trị của ngân hàng trung ương thời điểm đó chưa được như bây giờ.

Để tránh được điều trên, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, cần kiên quyết đạt được các nguyên tắc.

Thứ nhất, không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Các doanh nghiệp vay đúng chuẩn mực hiện nay, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ sẽ nộp hồ sơ và nhận tài trợ từ Bộ Tài chính mà không liên quan đến ngân hàng thương mại.

Việc hạch toán vô cùng phức tạp, dẫn đến quá trình quyết toán gói hỗ trợ lãi suất bị chậm lại. Do vậy, nguyên tắc thứ hai là không kéo dài kế toán kiểm toán và xử lý tài chính. Việc không cấn trừ ngay lãi suất cho vay sẽ giúp lãi suất hệ thống ngân hàng tránh được tình trạng bị méo mó. Khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ là điều tối kị, bởi sẽ dẫn đến việc vay chỗ rẻ rồi cho vay lại. Nguyên tắc thứ tư là không ảnh hưởng đến hoạt động ngành ngân hàng thương mại, không đẩy ngân hàng thương mại vào rủi ro có thể có.

Cũng tại buổi tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định nguồn lực, trên nguyên tắc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn. Bài học về chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 chắc chắn sẽ được rút kinh nghiệm khi các bộ ngành đề xuất chương trình để tham mưu Chính phủ.

Tăng trưởng tín dụng đến 25/11 tăng mạnh lên 10,1%
Chỉ trong chưa đầy một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,38 điểm phần trăm, từ mức 8,72% hôm 29/10 lên 10,1% thời điểm cập nhật mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư