Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Golf tour giúp thay đổi diện mạo ngành kinh tế xanh
Hạnh Phúc - 18/10/2023 10:39
 
Tuy mới phát triển ở Việt Nam, nhưng du lịch golf đã góp phần làm thay đổi diện mạo ngành kinh tế xanh của nhiều vùng đất với những sắc màu sang trọng, đẳng cấp hơn.
Giải golf Phát triển châu Á BRG Open Golf Championship Danang giúp nâng tầm vị thế ngành du lịch Đà Nẵng
Giải golf Phát triển châu Á BRG Open Golf Championship Danang giúp nâng tầm vị thế ngành du lịch Đà Nẵng.

Xóa định kiến du lịch một mùa

Không còn là môn thể thao xa xỉ, golf giờ đây hiện diện như một môn thể thao giải trí quan trọng, thu hút đông đảo người chơi Việt Nam và du khách quốc tế.

Theo thống kê mới nhất từ Câu lạc bộ Golf Hoàng gia (R&A) và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation, Việt Nam hiện có gần 80 sân golf đang hoạt động, hơn 40 sân golf đang hoàn thiện. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 200 sân golf. Nhiều tỉnh, thành phố sẽ có trên 10 sân golf, với tham vọng trở thành “thủ phủ golf” trong tương lai gần.

Từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, trong đó tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý đối với lĩnh vực này; cùng với đó, Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) cũng mở cửa thông thoáng hơn cho việc đầu tư kinh doanh Dự án sân golf, cuộc đua đầu tư vào ngành công nghiệp golf đã và đang cộng hưởng với đầu tư bất động sản, du lịch, hàng không... để tạo nên những điều khác biệt và sức hấp dẫn cho ngành kinh tế xanh của nhiều vùng đất.

Giải Golf từ thiện thường niên “Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids” lần thứ 16 sẽ chính thức diễn ra lúc 12 giờ, ngày 21/10/2023 tại sân golf BRG Kings Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trên 2 sân Mountain View và Lakeside. Phí tham dự giải golf: 3,5 triệu đồng/golfer, đã bao gồm: phí trên sân, caddie, xe điện và tiệc gala trao giải.

 Link đăng ký tham dự: https://forms.gle/C3nDynmzjo52YYeZA

Tại Hải Phòng, bước chân tiên phong phát triển ngành golf ở thành phố cảng và khu vực duyên hải Bắc Bộ mang dấu ấn đầu tư của Tập đoàn BRG với sân golf BRG Ruby Tree. Sân tọa lạc tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thiết kế bởi Công ty Pacific Coast Design, mang phong cách thể thao kết hợp du lịch giải trí với 18 hố, par 72 dài 6.317 m, tiêu chuẩn quốc tế, được đưa vào vận hành từ tháng 5/2008. Đây cũng chính là sản phẩm đầu tiên, mở đầu cho sự phát triển của ngành du lịch golf kết hợp với dòng bất động sản nghỉ dưỡng.

Đến nay, Hải Phòng có thêm 3 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế khác, gồm sân Sono Belle Hải Phòng; sân Vinpearl Golf Hải Phòng; sân Dragon Golf Links. Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phong phú của người chơi, thu hút được lượng du khách cao cấp tham gia thường xuyên và ổn định trong 4 mùa. Những ngày cuối tuần, 4 sân này luôn kín khách, doanh thu, tiền nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước và lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác, mang đến nhiều nguồn lợi cho thành phố cảng.

Ngoài ra, Hải Phòng còn có 2 dự án là sân Golf Sakura tại huyện An Lão của nhà đầu tư Nhật Bản đang triển khai và sân Golf Xuân Đám tại đảo Cát Bà của Tập đoàn Sun Group đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về định hướng, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định, du lịch được xác định là một trong 3 trụ cột, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của địa phương. Sản phẩm du lịch Hải Phòng được phát triển đa dạng, có sự dịch chuyển rõ nét trong cơ cấu, bao gồm: du lịch du thuyền, du lịch thể thao (golf tour), du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch ẩm thực (Hải Phòng foodtour).

Trong đó, golf tour Hải Phòng có hiệu ứng mạnh mẽ và trở thành một trong những sản phẩm lợi thế của ngành kinh tế xanh. Hải Phòng đang phát triển theo định hướng trở thành khu du lịch quốc gia, quốc tế, vì vậy các sân golf phải ngày càng nâng cấp để các golfer hài lòng hơn.

“Khi đến tham quan Hải Phòng, du khách sẽ vừa được chơi golf, vừa được thưởng thức ẩm thực đặc sắc. Nhiều dự án, hoạt động du lịch mới đang triển khai, sớm đưa vào hoạt động nhằm phát triển du lịch Hải Phòng lên tầm cao mới, đồng thời xóa bỏ định kiến du lịch một mùa ở thành phố cảng”, ông Lê Khắc Nam chia sẻ.

Tiến tới tổ chức các giải golf của khu vực

Tại Đà Nẵng, sân golf BRG Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) được thiết kế bởi 2 huyền thoại golf thế giới là Greg Norman và Jack Nicklaus; sân Bà Nà Hills Golf Club (huyện Hòa Vang) được thiết kế bởi golf thủ huyền thoại Luke Donald, mang đến cảm giác chinh phục, hân hoan cho mọi golf thủ. Cả hai sân nhiều năm liên tiếp nhận được các giải thưởng danh giá của châu Á và thế giới.

Tiếp nối thành công năm 2022, năm nay, Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng 2023 mang chủ đề “Những cú swing bắt sóng cảm xúc”, điểm nhấn là Giải golf Phát triển châu Á BRG Open Golf Championship Danang 2023 được tổ chức lần thứ 2, thu hút 120 vận động viên golf chuyên nghiệp của châu Á và 24 vận động viên Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, phát triển sân golf không chỉ để phục vụ đánh golf, mà còn là du lịch golf, kinh tế golf. Đà Nẵng mong muốn thông qua bộ môn này có thể quảng bá hình ảnh, gắn golf với du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển ngành kinh tế xanh.

Các vận động viên tranh tài tại Giải golf Phát triển châu Á BRG Open Golf Championship Danang 2023 thi đấu theo thể thức đấu gậy cá nhân qua 3 vòng sân. Vòng loại được xác định sau 2 vòng đấu. Tổng giá trị tiền thưởng lên đến 100.000 USD, tăng 25.000 USD so với mùa giải năm 2022. “Qua những trận đấu kịch tính, hấp dẫn, lôi cuốn người hâm mộ, hình ảnh Đà Nẵng thân thiện, mến khách đã được quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện mới lạ, hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng”, ông Bình hào hứng.

Nhận thấy lợi ích của sân golf, hàng loạt dự án sân golf đang được các địa phương đưa vào quy hoạch. Đơn cử, tỉnh Hòa Bình vừa đặt mục tiêu trở thành “thủ phủ golf” khi muốn phát triển gần 40 sân golf từ nay đến năm 2050.

Trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc cũng dự kiến làm 40 dự án dịch vụ, du lịch, sân golf, chủ yếu tại TP. Phúc Yên và huyện Tam Đảo.

Là địa phương không có thể mạnh về du lịch, song Bắc Giang cũng không muốn nằm ngoài “cuộc chơi” golf tour. Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này phấn đấu trở thành trung tâm golf khi quy hoạch 13 sân golf.

Còn Thanh Hóa, ngoài 2 dự án đã có, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh này sẽ phát triển thêm 13 sân golf gắn liền với các khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn.

Ông Phạm Thành Trí, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam nhận định: “Việt Nam mới 85 sân golf, trong khi Thái Lan có 250 sân golf. Từ nay đến năm 2025, chúng ta có khoảng 150 sân golf và đến năm 2030 khoảng 300 sân là bình thường. Hiện cả nước đã có hơn 100.000 người chơi golf. Mỗi năm tăng 20% người chơi golf cũng chỉ bằng số sân golf mới xây dựng”.

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp golf bền vững, ông Trí cho rằng, các địa phương nên có quy hoạch bài bản, không tập trung quá nhiều sân golf vào một khu vực nào đó. Bởi người chơi golf cũng muốn hưởng sân golf ở vùng đồi núi, ngoài biển, chứ không muốn các sân golf ở khu vực trung tâm. Một huyện nào đó đã có một sân golf thì không nên quy hoạch thêm sân golf nữa. Khi xây dựng sân golf không được phá rừng, không được lấy ruộng, tận dụng cát đồi núi, đỡ ảnh hưởng đến môi trường.

Golf tour: “Kho báu” thu hút dòng du khách cao cấp
Tour du lịch golf đang được xem là “kho báu” giúp ngành kinh tế xanh thu hút dòng du khách hạng sang, ở lâu, chi nhiều tiền để nhanh chóng phục hồi và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư