Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Golf tour tăng sức hấp dẫn và nâng tầm vị thế ngành du lịch Việt Nam
Nhật Hạ - 07/10/2023 15:47
 
Golf tour được xem như “mỏ kim cương”, “con gà đẻ trứng vàng” để ngành kinh tế xanh Việt Nam nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.

Thời gian gần đây, bức tranh ngành kinh tế xanh Việt Nam được vẽ nên bởi nhiều gam màu đối lập, vừa là “điểm đến giá rẻ”, nhưng cũng hấp dẫn dòng khách tinh hoa “nhà giàu” thế giới đến chơi golf. Golf tour vì thế được xem như “mỏ kim cương”, “con gà đẻ trứng vàng” để ngành kinh tế xanh Việt Nam nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.

BRG Legend Hill Golf Resort.


Còn nhiều dư địa phát triển 

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), du lịch golf được đánh giá là thị trường ngách có tốc độ phát triển mạnh mẽ, mang lại doanh thu cao, tạo cơ hội việc làm cho người dân ở các điểm đến trên toàn thế giới.

Hiện có 61 quốc gia thành viên với khoảng 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hằng năm với khoảng 1,9 triệu golfer thường xuyên di chuyển tới các sân golf. Du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch. Nếu như 10 năm trước, doanh thu ngành golf chỉ khoảng 50 triệu USD, thì hiện nay con số này lên tới hơn 1 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, dự kiến 3 tỷ USD vào năm 2030. 

Với khí hậu nhiệt đới nắng ấm quanh năm, đường bờ biển dài có nhiều bãi biển, vịnh và đồi núi hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú, văn hóa đặc sắc..., Việt Nam được coi là nơi lý tưởng, có thể đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của các golfer có mức chi tiêu cao. Sự phát triển của ngành golf kéo theo sự gia tăng của nhóm golfer trên thế giới đến Việt Nam. Họ đều là những doanh nhân, chuyên gia cao cấp, có nhu cầu lưu trú dài ngày và thử thách với những sân golf mới. 

Về dưa địa phát triển, Việt Nam còn nằm ở vị trí trung tâm của châu Á, nơi loại hình du lịch golf đang rất phát triển, với 149 sân golf đang hoặc sắp được xây dựng, chiếm 28% số sân đang được phát triển trên toàn thế giới. Và ngay cả với thị trường nội địa, golf tour cũng đang có nhiều cơ hội khi lượng người chơi không ngừng tăng mỗi năm. Hiện nay, đã có hơn 50.000 người Việt và 20.000 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam chơi golf. Dự kiến đến năm 2025 tổng số golfer sẽ tăng lên khoảng 300.000 người. 

Golf tour chuyển mình, chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn

Còn nhớ, năm 2017, khi “Cá mập trắng” Greg Norman - tay golf huyền thoại thế giới, “Golf thủ của thế kỷ”, đại sứ thiện chí golf xuất hiện trên video quảng bá du lịch Việt Nam, với chiếc mũ và nụ cười quen thuộc, ông nói: “Người ta thường đến Việt Nam vì phong cảnh, văn hoá và đồ ăn. Tôi đến đây vì tất cả những điều đó, nhưng hơn thế là để được chơi ở một trong những sân golf tốt nhất thế giới”. Ấy là khi những tín đồ của bộ môn tinh hoa này hiểu rằng, du lịch gôn Việt Nam đã chuyển mình sang một trang mới chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn, chứ không còn ở trạng thái vẻ đẹp tiềm ẩn.

Giải Golf từ thiện Thường niên "Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids", diễn ra tại sân gôn BRG Kings Island Golf Resort.

Và minh chứng là ngay sau đó, Giải thưởng World Golf Awards, Giải thưởng được ví với Giải “Oscar của ngành du lịch”, Việt Nam đã có 3 năm được vinh danh là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới” (2019, 2021, 2022) và 6 năm liên tục là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” kể từ năm 2017 đến nay. Tổ chức World Golf Awards (WGA) cũng nhấn mạnh: “Việt Nam là nơi thị trường golf đang hồi sinh”.

Đặc biệt, “Cá mập trắng” Greg Norman nhận định, mặc dù đi sau so với Thái Lan, Malaysia, nhưng các sân golf Việt Nam có nhiều ưu thế hơn vì đẹp, mới, đa dạng địa hình, do nhiều golfer nổi tiếng thế giới thiết kế. Nhiều sân không hề kém cạnh so với các sân golf ở Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể hoạt động quanh năm, thay vì phải đóng cửa và mùa đông như “xứ phù tang”. 

Hơn thế, tay golf huyền thoại thế giới cũng khẳng định chất lượng các sân golf tại Việt Nam ngày càng được cải thiện với những dự án được đầu tư một cách bài bản, quy mô, đúng chất của một Golf Resort, để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng 5 sao, thậm chí 6 sao của khách hàng thượng lưu. 

Sân gôn BRG Kings Island Golf Resort.

“Đơn cử, Tập đoàn BRG là đối tác chiến lược độc quyền của Nicklaus Design, do tôi và huyền thoại gôn Jack Nicklaus sáng lập. Các sân gôn của BRG như: Sân golf Đồng Mô - BRG King’s Island Golf Resort; sân golf Sóc Sơn - Legend Hill Golf Resort; sân golf Đồ Sơn - BRG Ruby Tree Golf Resort; học viện golf - BRG Golf Center và sân golf BRG Đà Nẵng… đều được xây dựng theo phong cách đặc trưng riêng biệt, tận dụng tối đa địa thế và vẻ đẹp tự nhiên của từng vùng và luôn đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế.

Gần đây nhất, sân golg BRG Đà Nẵng Golf Resort đã được vinh danh trong Top 100 sân gôn tốt nhất thế giới năm 2022 của Tạp chí Golf Digest”, “Gôn thủ của Thế kỷ” dẫn chứng và nhận định: “Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành “Thiên đường golf của châu Á”.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Thể thao (Cục Thể dục thể thao) Trần Hiếu, hiện Việt Nam có khoảng 100.000 người chơi golf và 100 sân golf đang hoạt động. Trong đó, đã có 60 sân golf 18 hố hoạt động, gắn liền với các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. 

Còn Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho biết, 2 tháng đầu năm 2023, có tới 800.000 khách du lịch golf trên tổng số 1,8 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, hầu hết có mức chi tiêu khoảng 40 triệu đồng/5 ngày, chưa kể vé máy bay. Trong khi đó, du khách quốc tế phổ thông chi tiêu bình quân 130 USD/ngày (khoảng 3 triệu đồng).

BRG Ruby Tree Golf Resort.

Khảo sát của Sports Marketing Survey cho thấy, sức mua của khách golf tour gấp từ 6 đến 8 lần so với các loại hình du lịch thuần túy, mức độ chi tiêu dự kiến của họ cũng cao hơn so với trước đây. Khoảng một nửa số người chơi golf ở Phillipines, Singapore và Hàn Quốc cho biết sẽ chi tiêu cho golf nhiều hơn trong vòng một năm tới. 

Do đó, đầu tư phát triển du lịch golf cũng là con đường cho du lịch Việt Nam nâng tầm chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.

“Chắp cánh” cho golf tour, để ngành kinh tế xanh bứt phá

“Mỏ kim cương” golf tour đã lộ diện, song du lịch golf Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược phát triển tổng thể và dài hơi để khai phá. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Việt Nam vẫn chưa có chính sách hỗ trợ riêng dành cho loại hình du lịch golf. Thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 20%, khiến golf tour nước ta khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực vốn đã đi trước rất xa.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam Trần Ngọc Hải chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức khác như: Hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm đến du lịch golf, nhân lực hạn chế, sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, du lịch golf chưa kết nối được với các thành phần khác trong ngành du lịch, truyền thông về sản phẩm còn thiếu và yếu, chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf…

Đáng nói, du lịch golf non trẻ của Việt Nam có số lượng sân còn khiêm tốn, trong khoảng 100 sân golf đang hoạt động, mới có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, trong khi Thái Lan có 300 sân, Malaysia có 230 sân, Indonesia có 152 sân; chi phí chơi gôn ở ta lại cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf mới chỉ chiếm 1% trên tổng số 18 triệu lượt khách năm 2019, trong khi đó ở Malaysia là 2% trên tổng số 25 triệu lượt, Thái Lan là 9% trên tổng số 35 triệu lượt khách. 

Thực tế này thật đáng phải suy ngẫm, như dẫn chứng của Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh Nguyễn Hữu Thủy, có những đoàn khách Canada chuyển hướng du lịch golf từ Quảng Ninh sang Thái Lan vì chuyến bay thuận tiện hơn, chi phí hợp lý hơn, thủ tục dễ hơn. 

Đã “đi sau” lại thiếu tính cạnh tranh, để phát triển du lịch golf hiệu quả, ông Vũ Thế Bình cho rằng, trước mắt ngành kinh tế xanh cần có chiến lược lâu dài và mang tính toàn diện chung cho tất cả các doanh nghiệp. Song, các doanh nghiệp golf cũng cần phải liên kết thành hệ thống, trên cơ sở luôn coi golf là thế mạnh của du lịch Việt Nam để chung đích đến. 

“Lộ trình và kế hoạch phát triển này cần phải thông qua nghiên cứu thị trường về các sân golf hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam; chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ “đầu mối” là các công ty lữ hành, bởi họ có vai trò quan trọng trong kết nối với hàng không, sân golf, các điểm đến, nhà hàng, khách sạn...”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lưu ý.

Trong nỗ lực phát triển du lịch golf Việt Nam, TS. Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, các địa phương cần đa dạng sản phẩm, dịch vụ phục vụ golf tour. Bài toán đề ra là tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không, sân gôn, chính quyền địa phương. Những sự kiện quy mô quốc tế được tổ chức thường niên để tạo thương hiệu, nâng tầm vị thế golf tour Việt Nam như Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải golf Phát triển châu Á BRG Open Golf Championship Danang được TP. Đà Nẵng và Tập đoàn BRG tổ chức năm 2022 và 2023 có ý nghĩa rất lớn.

Bên cạnh đó, ông Hà Văn Siêu cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf, cũng như liên kết hoạt động của sân golf này với sân golf khác, địa bàn khác. Chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm và giải quyết “bài toán” nhân lực còn hạn chế. Từ đó, “chắp cánh” cho golf tour để ngành kinh tế xanh bứt phá.

Giải Golf từ thiện Thường niên "Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids" lần thứ 16 sẽ chính thức diễn ra lúc 12h, ngày 21/10/2023 tại sân gôn BRG Kings Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trên hai sân Mountain View và Lakeside. Phí tham dự giải golf: 3.500.000 đồng/ gôn thủ, đã bao gồm: phí trên sân, caddie, xe điện và tiệc gala trao giải.
Link đăng ký tham dự: https://forms.gle/C3nDynmzjo52YYeZA

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư