Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Gom thêm cổ phiếu vua thép, Hóa An “bốc hơi” hàng chục tỷ đồng lợi nhuận
Thanh Thủy - 22/07/2022 13:51
 
Hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng âm, trong khi mảng đầu tư cổ phiếu không thuận lợi, Hóa An chỉ lãi vỏn vẹn 1,75 tỷ đồng. Đây là quý báo lãi thấp nhất kể từ quý I/2014.

Công ty cổ phần Hóa An (mã DHA) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Doanh thu hoạt động kinh doanh gần như đi ngang, chỉ giảm 0,18% so với cùng kỳ do sản lượng đá bán ra giảm hơn 37.000 m3. Tuy nhiên, biên lãi gộp sụt giảm mạnh từ 32,8% xuống còn 24,7% do giá dầu tăng đã đẩy chi phí đầu vào tăng.  Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh quý II do vậy giảm 25%, đạt xấp xỉ 23,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến lãi quý II chỉ còn đạt vỏn vẹn 1,75 tỷ đồng lại là do trích lập dự phòng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Tại thời điểm đầu năm 2022, Hóa An chỉ sở hữu 300.000 đơn vị cổ phiếu HPG và tăng lên 590.000 đơn vị vào cuối quý I/2022.

Tuy nhiên, trong đợt giảm sâu của thị trường nói chung và cổ phiếu HPG quý II vừa qua, doanh nghiệp này lại gia tăng đáng kể lượng tiền đầu tư, nâng tổng lượng cổ phiếu HPG nắm giữ lên 2,54 triệu đơn vị cổ phiếu tại thời điểm 30/6/2022. Mua bình quân với giá thấp hơn, giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu vua thép tăng lên 78,16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cổ phiếu HPG vẫn còn giá thấp hơn sau đó. Chỉ trong vòng 3 tháng, giá cổ phiếu HPG đã giảm 34,6%. Khoản trích lập dự phòng riêng trong quý II đối với HPG đã là 20,17 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới là số lỗ tạm thời tính theo giá cổ phiếu HPG tại thời điểm 30/6/2022.

Đến cuối quý II, tiền và tương đương tiền của Hóa An đã giảm một nửa so với đầu năm. Công ty còn xấp xỉ 69,6 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (tiền gửi dưới 3 tháng) cùng 121,7 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng đến một năm.

Ngoài tiền, tài sản lớn nhất của Hóa An là các khoản phải thu khách hàng liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh (41 tỷ đồng) và phải thu do cho vay (27 tỷ đồng). Giá trị tồn kho của doanh nghiệp kinh doanh đá này thường xuyên ở mức thấp, chỉ vài trăm triệu đồng.  

Ngoài ra, công ty cũng có quyền sử dụng đất với giá trị sổ sách sau khi trừ khấu hao xấp xỉ 39,6 tỷ đồng.

Hóa An có cơ cấu nguồn vốn khá an toàn khi phụ thuộc ít vào vốn vay. Tỷ lệ nợ tại thời điểm 30/6/2022 chỉ vỏn vẹn 11,4%. Với năng lực tài chính mạnh cùng khả năng chuyển đổi cổ phiếu thành tiền dễ dàng, khả năng thanh toán của Hóa An khó chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, dòng tiền sẽ gặp khó khăn nếu công ty cần tiền cho các dự án đang triển khai. Chi phí xây dựng dở dang đến cuối quý II đạt 21,4 tỷ đồng, tập trung chính vào dự án mỏ đá Tân Cang 3, mỏ đá Tân Cang hay điểm du lịch và nhà ở Hóa An.

Vĩnh Hoàn: Lợi nhuận quý II tăng chậm hơn quý I và dòng tiền âm 304,4 tỷ đồng
CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC - sàn HOSE) báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng giá cổ phiếu đã giảm 25,7% từ đỉnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư