Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hà Giang: Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biên mậu
Thiên Thanh - 14/03/2015 08:28
 
Từ năm 2010 đến nay, Hà Giang đã bố trí trên 1.600 tỷ đồng từ các nguồn vốn thực hiện chiến lược đầu tư, phát triển kinh tế biên mậu. Qua đó, có hơn 200 công trình được đầu tư, xây dựng, 158 công trình đã hoàn thành, quyết toán, đưa vào sử dụng... góp phần quan trọng, tạo đà thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội của địa phương này
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đến 2025 đáp ứng 80% kho hàng tại cửa khẩu Việt - Trung
Hỗ trợ Hà Giang, Lào Cai xử lý ô nhiễm môi trường
Bức tranh thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Công bố 4 cửa khẩu phụ được tái xuất hàng hóa

Cuối năm 2014 vừa qua, cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc) chính thức được nâng cấp lên cửa khẩu Quốc tế, trở thành cửa ngõ giao thương nối Hà Giang với các nước trên thế giới.

Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy được quy hoạch với tổng diện tích đất xây dựng đô thị 1.795 ha, gồm 7 khu chức năng chính như khu trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu Thanh Thủy; khu trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu Lao Chải gắn với thị trấn Lao Chải; khu trung tâm các xã Xín Chải, Thanh Đức, Phương Độ, Phương Tiến và Phong Quang (Vị Xuyên).

Sự kiện trên cũng khẳng định sự nỗ lực, kiên trì thực hiện chính sách đầu tư phát triển các cửa khẩu và kinh tế biên mậu của Hà Giang. Mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2003 đến nay, nguồn ngân sách Hà Giang vẫn dành trên 214 tỷ đồng đầu tư, xây dựng các hạng mục hạ tầng cửa khẩu Thanh Thủy. Hiện nay, tại khu vực này đã hoàn thành các hạng mục chính như Quốc môn, Trạm kiểm soát liên ngành, bãi kiểm hóa, Trạm biến áp 560 KVA; nâng cấp cải tạo 1,5km, xây dựng mới 4,47km đường nội bộ và trên 728m kè biên giới.

Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy đã, đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Hiện đã có 29 dự án, thành lập chi nhánh văn phòng đại diện với tổng mức đầu tư trên 560 tỷ đồng triển khai tại khu vực này. Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK), xuất, nhập cảnh (XNC) cũng liên tục tăng trưởng, đạt trên 148 triệu USD năm 2014.

Việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng khu KTCK Thanh Thủy ngoài sử nguồn vốn ngân sách còn được huy động từ doanh nghiệp, người dân thông qua các dự án đầu tư trực tiếp; huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, áp dụng hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào khu KTCK được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo...

Trên địa bàn Hà Giang, ngoài cửa khẩu Thanh Thủy được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu thì cửa khẩu Xín Mần cũng đang được đầu tư các công trình Quốc môn, Trạm kiểm soát liên ngành, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt...; cửa khẩu Phó Bảng được đầu tư, hoàn thiện hệ thống đường giao thông từ ngã 3 Phó Bảng đi Hang Nguyệt...; khu vực cửa khẩu Săm Pun được đầu tư hệ thống cấp điện, chợ, san lấp mặt bằng khu dân cư, đang đầu tư tuyến đường từ Lùng Thúng đi mốc 456...

Chợ phiên biên giới đã trở thành điểm giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa của người dân tỉnh Hà Giang với các địa phương nước bạn Trung Quốc

So với các địa phương trong cả nước, Hà Giang có nhiều yếu tố bất lợi về khí hậu, khoảng cách địa lý, địa hình hiểm trở, mạng lưới giao thông chưa phát triển... Nhưng, với chiều dài trên 277km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) lại là một thế mạnh. Ngoài cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo, trên tuyến biên giới còn các cặp cửa khẩu Phó Bảng - Đổng Cán, Xín Mần - Đô Long và Săm Pun - Điền Bồng cũng rất có tiềm năng. Mặt khác, các chợ biên giới, lối mở gắn với khu dân cư biên giới cũng đang góp phần quan trọng làm nên thành công trong phát triển kinh tế biên mậu. Trên địa bàn 7 huyện biên giới đã hình thành 20 chợ, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân hai bên.

Xây dựng và phát triển cửa khẩu biên giới, kinh tế biên mậu và hội nhập quốc tế là nội dung quan trọng trong “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm” của Đảng bộ Hà Giang. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hà Giang đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện với các chương trình, giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế. Qua hơn 4 năm triển khai, đã có nhiều chính sách được ban hành, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế đặc thù thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu KTCK, phát triển kinh tế biên mậu.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý, điều hành tại các cửa khẩu và khu vực biên giới Việt - Trung có nhiều đổi mới, các thủ tục hành chính, thủ tục XNC được đơn giản hóa. Hàng năm, hai bên luân phiên tổ chức các cuộc hội đàm, mở rộng giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác phát triển kinh tế; phối hợp quản lý, xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực; hai bên cũng tập trung kiến nghị, đề xuất giải quyết các vấn đề cụ thể như thúc đẩy hợp tác và giao lưu trong lĩnh vực kinh tế, tìm kiếm cơ hội đầu tư, tăng cường quản lý mậu dịch biên giới.

Hiện các dịch vụ thương mại được đẩy mạnh, Bộ Công Thương Việt Nam đã thành lập bộ phận cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O mẫu E tại cửa khẩu Thanh Thủy, duy trì tổ chức hội chợ thương mại biên giới luân phiên nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tính đến nay, Hà Giang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc với tổng vốn 19,6 triệu USD.

Xác định rõ lợi thế về cửa khẩu và kinh tế biên mâu, Hà Giang luôn chủ động, tích cực hội nhập với sân chơi lớn như tham gia Uỷ ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc); nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong những năm qua, Hà Giang vẫn tiếp tục duy trì, liên hệ, triển khai các hoạt động đối ngoại với các địa phương hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, hai bên thường xuyên tổ chức các đoàn cấp cao thăm và làm việc. Cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới, các ngành, triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác ký kết và có quy chế phối hợp, chương trình hoạt động đối ngoại định kỳ.

Những hoạt động trên đã đưa tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ 2010 đến nay đạt trên 1,2 tỷ USD, góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) là cửa khẩu quốc tế

() Ngày 19/12, tại cửa khẩu Thanh Thủy, UBND tỉnh Hà Giang (Việt Nam) phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức công bố cặp Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) và Thiên Bảo (Trung Quốc) từ cửa khẩu quốc gia trở thành cửa khẩu quốc tế.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư