Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội bứt phá về thu hút đầu tư nước ngoài
Nga Nguyễn - 21/12/2018 09:33
 
Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp là cách thức để TP. Hà Nội bứt phá, đứng vị trí thứ nhất cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2018, với tổng vốn 6,5 tỷ USD.

Bến đỗ của các dự án triệu USD

Theo UBND TP. Hà Nội, trong năm 2018, trên địa bàn Thành phố bắt đầu triển khai hàng loạt dự án thuộc nhiều lĩnh vực, với số vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.  Một trong số đó là Dự án Thành phố thông minh với tổng vốn đăng ký lên tới 94.349 tỷ đồng (4.138 triệu USD) do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư tại xã Hải Bối (Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội). Dự án sẽ phát triển trong 5 giai đoạn với 5 mô hình liên doanh phát triển cho các giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Hà Nội luôn kiên định mục tiêu “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” ...
Hà Nội luôn kiên định mục tiêu “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” ...

Cùng với Dự án Thành phố thông minh, Dự án Nidec Techno Motor Việt Nam do Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) đầu tư với vốn 4.550 tỷ đồng (200 triệu USD) cũng đang được tích cực triển khai trên diện tích khoảng 6,4 ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Với mục tiêu phát triển, sản xuất và kinh doanh mô-tơ điện một chiều không chổi than, Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 1/2019.

Đây là dự án đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong tổng số 5 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD được Tập đoàn Nidec dự kiến đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới. Hà Nội kỳ vọng, khi các dự án do Nidec đầu tư đi vào hoạt động, sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới.

Bên cạnh các dự án trên, còn phải kể đến loạt dự án triệu USD khác như: Dự án Sản xuất màng OPC của Mitsubishi Chemical (Nhật Bản) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có vốn đầu tư 92 triệu USD; Nhà máy bia Heineken tại huyện Thường Tín từ nhà đầu tư Singapore với tổng mức đầu tư trên 200 triệu USD; Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ tăng vốn của Công ty TNHH TSQ Việt Nam (Ba Lan) có tổng vốn 68 triệu USD; Dự án Trung tâm thương mại Lotte Mall do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đầu tư 600 triệu USD…

Bứt phá ngoạn mục

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA), đến thời điểm này, Thành phố đã cơ bản hoàn thành toàn bộ 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng khá so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, với khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch cả năm, Hà Nội đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Để trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư như hiện nay, bên cạnh những tiềm năng, thuận lợi về vị trí, về dân số…, Hà Nội luôn kiên định mục tiêu “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng tái cơ cấu kinh tế thành phố” như ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố từng khẳng định tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển” hồi trung tuần tháng 6/2018.

Theo nhận định của ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HPA, những con số ấn tượng trong thu hút đầu tư của TP. Hà Nội năm 2018 là kết quả của việc Thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Thành phố đã triển khai thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà/trụ sở...

Cũng theo ông Phương, với vai trò đầu mối tập trung thông tin về hoạt động đầu tư của TP. Hà Nội, HPA đã phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng chương trình xúc tiến, triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư; khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp nâng cao quy mô và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xã hội, nhất là vốn đầu tư công; tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính năm 2017 tiếp tục tăng hạng và giữ vị trí cao so với cả nước. Cụ thể, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí 13/63 (tăng 1 bậc); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 1 bậc).

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hà Nội 2018, Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án, với tổng vốn đầu tư 397.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 130.000 tỷ đồng.
Hà Nội thông qua danh sách 1.686 dự án sẽ thu hồi đất năm 2019
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua danh mục 1.686 dự án thu hồi đất năm 2019 và 308 công trình, dự án chuyển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư