Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Hà Nội công khai thêm 113 doanh nghiệp nợ thuế
Thu Trang - 11/11/2015 10:29
 
Tổng số tiền mà 113 doanh nghiệp tại Hà Nội đang nợ ngành thuế lên tới gần 213 tỷ đồng.
1
Tổng số tiền mà 113 doanh nghiệp tại Hà Nội đang nợ ngành thuế lên tới gần 213 tỷ đồng

Cục Thuế Hà Nội vừa công bố thêm danh tính 113 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn với tổng số tiền lên tới gần 213 tỷ đồng tính đến ngày 30/9.

Theo Cục thuế Hà Nội, trong số những doanh nghiệp nợ thuế vừa công bố, đứng đầu nhóm nợ thuế là Công ty Cổ phần sản xuất Thanh Vân (huyện Sóc Sơn) với số nợ gần 10,7 tỷ đồng. Đứng vị trí số 2 là Công ty Cổ phần Viglacera Đông Anh, với hơn 7,7 tỷ đồng nợ thuế tính tới hết tháng 9/2015.

Một doanh nghiệp khác có số nợ thuế khá lớn là Công ty Cổ phần công trình TM và GTVT (quận Thanh Xuân) với tổng số nợ hơn 6,2 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư, xây dựng và khai thác mỏ Vinavico (quận Nam Từ Liêm) hiện vẫn nợ gần 5,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Thiên Thanh (quận Ba Đình)  nợ hơn 5,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng được ngành thuế Hà Nội nêu tên vì nợ thuế, như: Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (quận Đống Đa); Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Ii (huyện Đông Anh); Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu (quận Hai Bà Trưng); Công ty Xây dựng Trường Giang (huyện Thạch Thất); Công Ty TNHH Tư vấn, thiết kế, xây dựng và Thương mại Tlc;…

Doanh nghiệp có khoản nợ thấp nhất 240 triệu đồng là Công ty TNHH  Dịch vụ Tổng hợp ô tô Đông Dương ở Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết thêm,  tính đến hết tháng 10/2015, Cục Thuế đã thu hồi được hơn 1.260 tỷ đồng tiền nợ thuế sau 4 đợt công khai danh sách các công ty nợ thuế lớn.

Để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả, Cục thuế Hà Nội đã chỉ đạo các Phòng quản lý, các Chi cục thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế như động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế.  

Riêng đối với những trường hợp nợ thuế xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; những công ty đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất thì cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.

Đối với các Chi cục Thuế quản lý thu tiền sử dụng đất của dự án thì phải kiên quyết thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản và có văn bản đề nghị phối hợp với các bộ phận chức năng để các công ty này thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo quy định.

Đối với các công ty có số nợ lớn, chây ì không nộp tiền sử dụng đất, không thực hiện dự án theo tiến độ phê duyệt; đề xuất báo cáo UBND Thành phố xem xét thu hồi đất và kiên quyết không giao thêm dự án mới.

Thực tế cho thấy, đã có không ít các doanh nghiệp trong danh sách công khai nợ thuế cũng như các doanh nghiệp nằm ngoài danh sách sau khi việc công bố được thực hiện đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào NSNN hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế.

Với các biện pháp triển khai đồng bộ, tính đến ngày 31/10/2015, sau khi công khai 357 đơn vị nợ thuế đã có 205/357 đơn vị đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 1.261 tỷ 326 triệu đồng. Trong đó, 31/40 dự án sau công khai nợ tiền sử dụng đất đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 821 tỷ 481 triệu đồng; 174/317 doanh nghiệp sau công khai nợ tiền thuế đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 439 tỷ 846 triệu đồng. 

Tổng số tiền nợ thuế trên cả nước lên tới hơn 74.000 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền nợ thuế trên cả nước đến nay đã lên tới 74.000 tỷ đồng, gấp đôi chỉ tiêu cho phép.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư