Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội: Củ cải bán 1.000 - 3.000 đồng/kg vẫn có lãi, không có chuyện cần “giải cứu”
Hạnh Nguyên - 26/02/2021 09:54
 
Củ cải của nông dân huyện Mê Linh bán giá từ 1.000 - 3.000 đồng/kg vẫn có lãi. Bà con mong tiêu thụ đúng vụ thu hoạch chứ không phải cần "giải cứu".

Cần tiêu thụ, không phải “giải cứu” nông sản

Chiều 25/2, Sở Công Thương Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã có buổi làm việc với huyện Mê Linh và quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) về việc bàn giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản trong các mùa vụ tại hai địa phương này.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, tính đến ngày 25/2, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân năm 2021 trên địa bàn huyện khoảng 5.900ha, trong đó có 3.800ha lúa, 355ha rau các loại. Diện tích rau các loại đang trong giai đoạn thu hoạch khoảng 700ha với sản lượng khoảng 14.500 tấn.

.
Củ cải của nông dân huyện Mê Linh bán giá từ 1.000 – 3.000 đồng/kg vẫn có lãi. 

Thời điểm này, trên địa bàn xã Tráng Việt, diện tích rau đến kỳ thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch khoảng 69ha (37ha củ cải với sản lượng ước đạt khoảng 1.500 tấn; cà chua 10ha với sản lượng khoảng 20 tấn; cải ăn lá các loại khoảng 17ha với sản lượng khoảng 390 tấn; cà rốt khoảng 5ha với sản lượng khoảng 43 tấn).

Trong đó, một số diện tích củ cải quá lứa giảm chất lượng được Nhân dân thu hoạch để sơ chế hoặc tiêu hủy tận dụng làm phân hữu cơ. Dự kiến khoảng 15 ngày nữa, người nông dân Mê Linh tiếp tục thu hoạch khoảng 1.000 tấn củ cải, cà chua đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ông Tuấn cho hay, năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cho rau màu phát triển. Riêng củ cải, bình thường cho năng suất 1 - 1,5 tấn/ha, nhưng vụ 4 này đạt 2,5 - 3 tấn/ha. Đây lại là vụ gối, người nông dân không muốn bỏ không đồng ruộng nên tranh thủ trồng thêm.

Trong khi đó, dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ rau thông qua các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ truyền thống đã giảm sút. Điều này khiến giá bán rau, củ, quả xuống quá thấp, chẳng hạn: củ cải 1.000 đồng/kg; cà chua 1.000 - 1.500đ/kg; cà rốt 2.000 đ/kg)... Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều rau, củ, quả trên địa bàn huyện sẽ bị giảm chất lượng, không thể sử dụng được. Tuy nhiên, riêng với củ cải, dù giá bán từ 1.000 – 3.000 đồng/kg thì người dân vẫn có lãi, vì sản lượng tăng gấp đôi.

“Vì vậy, UBND huyện Mê Linh đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp phân phối vào cuộc đẩy nhanh tiêu thụ rau, củ cho bà con nông dân, chứ không phải "giải cứu" rau, củ thừa ế. Thậm chí, việc thông tin không đúng còn làm giảm giá thành nông sản của bà con”, ông Tuấn đề xuất.

Còn tại quận Bắc Từ Liêm, bà Lê Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận đang trồng chủ yếu là hành, hoa hồng, hoa ly, hoa cúc, bưởi… Riêng địa bàn phường Liên Mạc đang có khoảng 30ha hành.

Sau khu nhận được thông tin một số báo chí đã đưa tin về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động khiến hành lá rớt thảm hại… giá giảm sâu chỉ còn 500 đồng/kg…

Phòng Kinh tế của Quận đã đi làm việc với UBND phường và Hợp tác xã Yên Nội – phường Liên Mạc (nơi sản xuất hành lá) để kiểm tra. Thông tin về việc nhân dân khó khăn trong tiêu thụ hành lá sau Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là đúng.

Tuy nhiên, UBND phường Liên Mạc và HTX Yên Nội đã chủ động liên hệ với các thương lái để thu mua và tiêu thụ cho các công ty sản xuất mỳ tôm tại khu công nghiệp thuộc huyện Hoài Đức và một số chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội.

Hiện các thương lái đang thu mua hàng lá với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày thu mua từ 5 – 10 tấn. Ước tính sản lượng hành lá còn lại trên địa bàn phường khoảng 50 tấn. Với tốc độ thu mua như hiện này thì dự kiến 5 – 7 ngày nữa toàn bộ hành lá trên địa bàn sẽ tiêu thụ hết.

“Đối với hoa tươi, 1 số không bán được là quá lứa. Số còn lại người trồng cũng tự tiêu thụ được. Do đó, UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ kiến nghị đơn vị phân phối và Sở, ngành hỗ trợ nhân dân để giá bán hành lá và hoa tươi được cao hơn”, bà Hương đề xuất.

Doanh nghiệp bán lẻ tích cực hỗ trợ tiêu thụ

Tại buổi làm việc, bàn giải pháp hỗ trợ huyện Mê Linh đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị khẳng định sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa huyện Mê Linh tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc miền Bắc Hệ thống siêu thị Big C và GO! khẳng định, mặc dù củ cải là sản phẩm không được người tiêu dùng tiêu thụ số lượng lớn nhưng từ ngày 1/3, siêu thị Big C và GO! sẽ hỗ trợ người dân huyện Mê Linh tiêu thụ khoảng 500kg/ngày. Tuy nhiên, nếu địa phương xác định củ cải là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương thì phải đầu tư vào khâu sơ chế, bảo quản, từ đó có thể đưa sản phẩm tới các thị trường miền Trung và miền Nam.

Tương tự, ông Kiều Song Hào, Trưởng bộ phận quản lý thu mua MM Mega Market chia sẻ, bắt đầu từ ngày 27/2, bộ phận thu mua sẽ triển khai hoạt động nắm bắt nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân huyện Mê Linh, dự kiến từ ngày 1/3 sẽ hỗ trợ huyện Mê Linh tiêu thụ khoảng 10 tấn củ cải.

Bên cạnh việc hỗ trợ huyện Mê Linh tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp bán lẻ có chung kiến nghị: những vụ thu hoạch sắp tới, địa phương cần chủ động làm việc, thông tin tới các đơn vị phân phối về sản lượng, giá, nhu cầu để hai bên kết nối, tiêu thụ ổn định và lâu dài.

Đối với các sản phẩm nông sản của quận Bắc Từ Liêm, các đơn vị phân phối cho hay, hành lá và hoa tươi là các sản phẩm đặc thù. Do người trồng tự tiêu thụ được nên các đơn vị phân phối cũng chưa cần vào cuộc. Quan trọng nhất về lâu dài cần đánh giá tổng cầu để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Trong công tác thông tin tuyên truyền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, huyện Mê Linh chỉ đạo, hướng dẫn thông tin tuyên truyền chính xác để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, nhiều thông tin trong dư luận cho hay, các loại nông sản trên địa bàn Hà Nội như củ cải, cà chua… của huyện Mê Linh, hành lá, hoa tươi… của quận Nam Từ Liêm rớt giá, không ai mua, nông dân phải vứt bỏ. Tuy nhiên, qua làm việc và khảo sát thực tế tại các địa bàn trên cho thấy, có tình trạng cung đang vượt quá cầu, giá bán ra rẻ nhưng người trồng không bị lỗ, không phải vứt bỏ rau củ.

Hà Nội: Bí thư Quận ủy Tây Hồ làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ông Đỗ Anh Tuấn, Bí thư Quận ủy Tây Hồ được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư