Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hà Nội đề xuất đầu tư Vành đai 4 theo hình thức PPP
Bảo Như - 07/05/2021 09:27
 
UBND TP. Hà Nội muốn Bộ GTVT ủng hộ phương án đầu tư tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 98 km chạy trên cao, trị giá hơn 135.000 tỷ đồng theo hình thức PPP.
Phối cảnh tuyến đường Vành đai 4
Phối cảnh tuyến đường Vành đai 4

Cấp thiết đóng mạch Vành đai 4

Tham vọng sớm đóng mạch Vành đai 4 - Vùng Thủ đô của chính quyền TP. Hà Nội được thể hiện rất rõ trong Báo cáo số 27/BC-BCS của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội về việc triển khai công trình hạ tầng đường bộ được đánh giá là đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô trong 5 -10 năm tới.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô bao gồm 2 phần, trong đó, phần tuyến phía Bắc Quốc lộ 18, hướng tuyến đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long đang sử dụng Quốc lộ 18; đoạn Hà Nội - Bắc Ninh đã xây dựng quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 27,5 m.

Đối với phần tuyến phía Nam Quốc lộ 18 có tổng chiều dài tuyến khoảng 98 km, gồm Hà Nội: 56,5 km; Hưng Yên: 20,3 km; Bắc Ninh 21,2 km, quy mô đường cao tốc, chiều rộng nền đường 120 m. 

Đây cũng là tài liệu chính thức mà Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội phục vụ Hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hà Nội với Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Bộ GTVT để bàn, thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được tổ chức vào ngày 6/5.

Tại Báo cáo này, Hà Nội kiến nghị Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất với Bộ GTVT và lãnh đạo các tỉnh liên quan về sự cần thiết phải sớm tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

“TP. Hà Nội (trung tâm Vùng Thủ đô) sẽ đóng vai trò chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến”, Báo cáo do ông Chu Ngọc Anh, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký nêu rõ.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT và Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa danh mục đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo; đồng thời tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường thành dự án riêng (tương tự Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Đặc biệt, lãnh đạo TP. Hà Nội muốn Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao trên Vành đai 4 thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay để lựa chọn phương án tối ưu và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp.

Tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg, ngày 29/7/2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng xong tuyến này trước năm 2020. Đây là tuyến vành đai liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô; đồng thời, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, tính đến quý I/2021, mới chỉ có UBND TP. Hà Nội đang xem xét hồ sơ đề xuất 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước.

Tuyến cao tốc trên cao dài nhất

Được biết, quan điểm chung của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đối việc đầu tư Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là Nhà nước sẽ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 1 lần theo đúng chỉ giới đường đỏ (120 m) bằng vốn đầu tư công.

Đặc biệt, lãnh đạo TP. Hà Nội cho rằng, việc xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng hiện nay, với quy mô 4 - 6 làn xe cao tốc (tương tự phương án đã đầu tư đường cao tốc trên cao của tuyến Vành đai 3 hiện nay) có tính hợp lý hơn.

Theo đó, thành phần mặt cắt ngang Vành đai 4 sẽ gồm đường đô thị đi bằng bên dưới, xây dựng các trụ đường cao tốc trên cao trong phạm vi dải phân cách giữa của tuyến đường. Đối với đoạn vành đai phía Tây có đường sắt đi trên cao, sẽ xây dựng đường sắt trên cao trong dải đất rộng khoảng 30 m ở phía Tây tuyến đường; 90 m còn lại ở phía Đông tuyến, sẽ xây dựng đường đô thị đi phía dưới và đường cao tốc trên cao trong phạm vi dải phân cách giữa của tuyến đường.

“Việc đưa làn cao tốc đi trên cao sẽ giải quyết được cơ bản các giao cắt cùng mức đối với các tuyến đường khác (có khoảng 23 nút giao với các tuyến đường trục chính quan trọng), đồng thời tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường giao thông, phục vụ đi lại”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội tính toán.

Qua rà soát, tính toán sơ bộ của UBND TP. Hà Nội, để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, cần khoảng 105.000 tỷ đồng cho phương án cao tốc đi bằng và khoảng 135.000 tỷ đồng cho phương án cao tốc đi trên cầu cạn.

Theo lãnh đạo Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, nếu đề xuất của lãnh đạo TP. Hà Nội được chấp thuận, Vành đai 4 sẽ là tuyến cao tốc chạy trên cao dài nhất, quy mô vốn lớn nhất từng triển khai tại Việt Nam.

Lãnh đạo TP. Hà Nội thừa nhận, với mức kinh phí đầu tư xây dựng như trên, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 bằng nguồn vốn đầu tư công là khó khả thi. Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đề xuất nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT cho toàn tuyến, (bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao).

“Trong quá trình triển khai thực hiện lập đề xuất dự án, có thể xem xét nghiên cứu phân kỳ đầu tư cho phù hợp. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, phải đảm bảo nối thông toàn tuyến và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dứt điểm một lần”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội sẽ xây dựng tuyến đường vành đai 4 làm "huyết mạch" phát triển kinh tế trong 5 năm tới
Chiều 20/4, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư