Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 28 dự án đầu tư công
Hạnh Nguyên - 09/04/2022 08:58
 
HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 22 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 5.010 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 10.240,8 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, chiều 8/4, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố Hà Nội.

Các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết.

Phê duyệt chủ trương đầu tư 22 dự án, điều chỉnh 6 dự án

Theo đó, HĐND Thành phố đã thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư 22 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 5.010 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 10.240,8 tỷ đồng.

Trong đó, các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Xây dựng, mở rộng Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì); Cải tạo, nâng cấp Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ); Xây dựng, mở rộng Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì); Cống hóa mương thoát nước sau Trường Tiểu học Xuân La (đoạn từ đường Võ Chí Công đến ngõ 34 Xuân La);

Xây dựng tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối (quận Long Biên); Xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng (quận Long Biên); Xây dựng tuyến cống thoát nước Long Biên - Cự Khối (quận Long Biên); Kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tương ứng từ K84+600 đến K86+389 đê hữu Hồng thuộc xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì);

Cải tạo, nâng cấp tuyến đê Vân Cốc đoạn từ K8+800 đến K13+660 (huyện Đan Phượng); cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới Vàng - Dương Xá (huyện Gia Lâm); Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Thiên Đức (huyện Gia Lâm); Cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp làm đường giao thông trên địa bàn quận Hà Đông; Cải tạo, nâng cấp đê tả Cà Lồ đoạn từ K0+00 đến Km20+252 (huyện Sóc Sơn);

Cải tạo, nâng cấp đê hữu Cầu đoạn từ Km17+00 đến Km28+828 và kè bờ sông hữu Cầu đoạn từ Km25+350 đến Km26+00 xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn); Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Thạnh Phú kết hợp làm đường giao thông (huyện Mê Linh); Nạo vét sông cầu Bây trên địa bàn quận Long Biên; Kiên cố hóa hệ thống kênh tưới N12 kết hợp làm đường giao thông (huyện Ba Vì);

Cải tạo, nâng cấp và phát huy hiệu quả sông Hang (thị xã Sơn Tây); Xây dựng, mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (huyện Sóc Sơn); Xây dựng đường liên xã Thanh Liệt - Tam Hiệp - thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì)...

Ngoài ra, HĐND Thành phố cũng quyết nghị điều chuyển dự án Cải tạo môi trường hồ Tứ Liên (quận Tây Hồ) để giao chính quyền quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện thẩm quyền liên quan đến dự án theo phân cấp quản lý mới.

UBND Thành phố chỉ đạo UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm kế thừa các nội dung của dự án đã được phê duyệt, thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định hiện hành để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án bằng nguồn vốn của quận đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Xử lý dự án góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai quy định

Xử lý nghiêm dự án vi phạm pháp luật đất đai

Cũng trong ngày 8/4 UBND Thành phố Hà Nội có tờ trình gửi HĐND Thành phố tại kỳ họp thứ tư, HĐND Thành phố khóa XVI, về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố.

Trong 14 biện pháp nêu ra, sẽ phân loại, rà soát dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư) đến nay quá tiến độ thực hiện nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Kiên quyết thu hồi dự án không còn phù hợp với quy định pháp luật đầu tư, chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai.

Tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm tiến độ đầu tư, định kỳ đánh giá đầu tư đảm bảo quản lý chặt chẽ từ khi nghiên cứu lập dự án, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong theo quy định; kết nối liên thông, cập nhật, quản lý, khai thác dữ liệu về dự án đầu tư của các cấp, ngành Thành phố.

Thực hiện kiểm tra, phân loại, xử lý đối với từng dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa GPMB kéo dài nhiều năm hoặc chủ đầu tư không liên hệ, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác GPMB để thu hồi, hủy bỏ quyết định, chỉ đạo tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

UBND Thành phố yêu cầu rà soát, đôn đốc dự án đã GPMB đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Kiên quyết lập hồ sơ thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp do bất khả kháng theo quy định) đối với chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng có nguyên nhân chủ quan đã được gia hạn theo quy định nhưng không đưa đất vào sử dụng.

Tiếp tục đôn đốc, giám sát, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, cam kết sớm đưa dự án vào sử dụng theo tiến độ và quy định của pháp luật đối với dự án đã GPMB xong, đang xây dựng công trình hoặc xây dựng một phần nhưng đến nay ngừng thực hiện.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý theo quy định pháp luật, gồm: Xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt, dự án nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài, nợ số tiền lớn, chây ì không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đề xuất chế tài nghiêm theo pháp luật về thuế; Dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh đầu tư phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu, làm rõ nguyên nhân, yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh; Dự án chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh quy hoạch không theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu hoặc chây ì, tồn tại thời gian dài thì lập hồ sơ dừng thực hiện.

Cùng với đó, UBND Thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra làm rõ nguyên nhân và kiến nghị giải pháp nhằm xử lý nghiêm dự án vi phạm pháp luật đất đai như sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, cho mượn, chậm hoàn thành thủ tục đất đai, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đúng quy định, huy động vốn trái phép…

Tất cả các giải pháp trên sẽ được tổ chức công khai, minh bạch thông tin đối với từng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; Dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định pháp luật để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư