Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua:
Hà Nội rót hơn 76.450 tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn và 3 dự án gần 1.700 tỷ đồng vào Vũng Áng
Hồ Hạ (tổng hợp) - 27/07/2019 09:10
 
10 năm, Hà Nội rót hơn 76.450 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ thông xe trong năm 2020; Thêm 3 dự án công nghiệp đầu tư gần 1.700 tỷ đồng vào Vũng Áng; Đà Nẵng chi 360 tỷ đồng nâng cấp trạm bơm phòng mặn;… là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ thông xe trong năm 2020

Chiều 25/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ có cuộc họp nhằm thúc đẩy một số dự án hạ tầng.

Trong số dự án được thảo luận có các dự án được các địa phương kiến nghị tại cuộc làm việc ngày 24/7 giữa Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII với 9 tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và TP. Hà Nội như dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, dự án đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên, dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ

Hoan nghênh tinh thần, tâm huyết, trách nhiệm của các tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của hạ tầng giao thông với phát triển kinh tế - xã hội. Cho rằng thời gian qua một số công trình hạ tầng cứng chậm triển khai trong khi nhu cầu phát triển rất lớn, tại cuộc họp, Thủ tướng đã quyết một số chủ trương về phương thức đầu tư, cách làm, thủ tục… đối với các dự án hạ tầng được thảo luận, để làm sao các công trình sớm được triển khai mạnh mẽ.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần nhanh chóng, rốt ráo, quyết liệt, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh xã hội hóa, “làm nhanh nhưng không làm ẩu”, làm kịp thời hơn nữa nhưng không được làm sai quy định của Nhà nước, nhất là quy trình áp dụng pháp luật. Thủ tướng cũng lưu ý làm tốt, làm nhanh khâu giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng nhấn mạnh, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ phải cơ bản thông xe trong năm 2020, khánh thành vào đầu năm 2021 và khẳng định, sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho công trình này. Bộ trưởng Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này.

Thủ tướng nêu rõ, có việc gì làm được trong nhiệm kỳ thì chúng ta nên triển khai, “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Các bộ, cơ quan, nhất là Bộ Giao thông vận tải quán triệt chủ trương này để thúc đẩy các công trình mà nhân dân mong đợi.

10 năm, Hà Nội rót hơn 76.450 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Từ năm 2011 đến hết tháng 6/2019, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội là 76.451,3 tỷ đồng, trong đó thực hiện chương trình nông thôn mới 25.958 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư tăng bình quân hơn 10%/năm so với giai đoạn 2011-2015.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Thành phố đã bố trí kế hoạch nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 18 huyện, thị xã thực hiện chương trình nông thôn mới 25.958 tỷ đồng (chủ yếu cho công tác quy hoạch, đề án nông thôn mới, hỗ trợ xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng sau dồn điền đổi thửa và các hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và các xã dự kiến hoàn thành trước 2020).

Hạ tầng nông thôn của Hà Nội được cải thiện rõ rệt
Hạ tầng nông thôn của Hà Nội được cải thiện rõ rệt

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,5%/năm; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2018 tăng 3,6%. Cơ cấu về giá trị sản xuất năm 2018 tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Hà Nội không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tiêu chí giao thông có 378 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 5 xã so với cuối năm 2018; tiêu chí thủy lợi duy trì 384 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2018; tiêu chí điện, duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2018; tiêu chí trường học có 342 xã đạt và cơ bản đạt, còn 44 xã chưa đạt; tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa có 373 xã đạt và cơ bản đạt, còn 13 xã chưa đạt.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, hiện khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố đã có nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Đến nay, có 356 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2018, tăng 2 xã so với cuối năm 2018; tiêu chí thông tin và truyền thông, trên địa bàn Thành phố tiếp tục duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2018; tiêu chí nhà ở dân cư tiếp tục duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2018.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 33 triệu đồng năm 2015 lên 46,5 triệu đồng năm 2018 (đạt mục tiêu chương trình đề ra); dự kiến hết năm 2019 sẽ trên 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% năm 2016, giảm xuống còn 1,81% cuối năm 2018.

Trong xây dựng nông thôn mới, đã tập trung bố trí nguồn lực cho các xã xây dựng nông thôn mới theo tiến độ và khả năng thực hiện của các địa phương. Đến hết tháng 4/2019 toàn thành phố đã có 4/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức), có 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 84,2%), bằng gần 1/10 số xã nông thôn mới toàn quốc, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Hà Nội dự kiến, đến hết năm 2019, có thêm 30 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 353 xã, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thêm 3 dự án công nghiệp đầu tư gần 1.700 tỷ đồng vào Vũng Áng

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án mới về lĩnh vực công nghiệp với tổng vốn gần 1.700 tỷ đồng vào Khu kinh tế Vũng Áng, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Theo đó, những dự án này bao gồm:  Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu do Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát làm chủ đầu tư. Dự án này sẽ xây dựng nhà máy sản xuất gỗ xẻ và ván ép tại phường Kỳ Thịnh với diện tích trên 155.000 m2, công suất gỗ xẻ đạt 56.160 tấn/năm; ván ép trên 187.200 tấn/năm; sản lượng phế phẩm từ hoạt động khai thác gỗ xẻ và ván ép là 224.640 tấn/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư cho hay, sẻ còn xây dựng thêm  nhà máy sản xuất viên gỗ nén công suất 150.000 tấn/năm và các sản phẩm, dịch vụ cung cấp gỗ xẻ, ván ép, viên gỗ nén. Tổng mức đầu tư của dự án trên 1.287 tỷ đồng. Dự kiến sau 15 tháng hoàn thành việc xây dựng kể từ ngày được cấp phép, dự án sẽ đi vào hoạt động.

Lãnh đạo Hà Tĩnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp
Lãnh đạo Hà Tĩnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

Dự án thứ 2 được cấp phép đầu tư là dự án xây dựng khu bồn hóa dầu, hóa chất cơ bản của Công ty CP Hóa chất Công nghiệp miền Trung. Dự án này sẽ đầu tư xây dựng kho chứa hóa chất, hóa dầu; sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu hóa chất, hóa dầu; cho thuê bồn chứa hóa chất, hóa dầu nhằm mục đích cung ứng cho các nhà máy sản xuất tại khu vực miền Trung. Nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống khu bồn có tổng sức chứa khoảng 30.700 m3 tại Tổng kho xăng dầu Vũng Áng (thuộc khu hậu cảng, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi). Tổng mức đầu tư của dự án trên 201 tỷ đồng.

Dự án thứ ba là dự án xây dựng hệ thống cung cấp khí LPG, LNG cho Khu công nghiệp Phú Vinh của Công ty TNHH PCG Phú Vinh. Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp Phú Vinh, tập trung xây dựng hệ thống công nghệ cấp LPG; xây dựng hệ thống công nghệ cấp LNG sức chứa 100m3; xây dựng hệ thống LPG Air Mixing, công suất 4.000 m3/h; xây dựng hệ thống chiết nạp LPG vào bình 45 kg và 12 kg (công suất 300 tấn LPG/tháng); xây dựng hệ thống tuyến ống cung cấp khí cho các nhà máy trong Khu công nghiệp Phú Vinh. Tổng mức đầu tư của dự án trên 163,89 tỷ đồng.

Đà Nẵng chi 360 tỷ đồng nâng cấp trạm bơm phòng mặn

UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý chủ trương về việc nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ với tổng kinh phí trên 360 tỷ đồng.

Đà Nẵng chi trên 360 tỷ đồng nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ

Đà Nẵng chi trên 360 tỷ đồng nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ
Đà Nẵng chi trên 360 tỷ đồng nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ

Xét theo đề nghị của Sở Xây dựng Đà Nẵng, nhằm ngăn chặn tình trạng nguồn nước nhiễm mặn kéo dài trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trên địa bàn Thành phố; UBND TP. Đà Nẵng đồng ý cho xây dựng mới thêm 1 trạm bơm phòng mặn An Trạch bên cạnh trạm hiện trạng với công suất 210.000m3/ngày đêm; đầu tư thêm tuyến ống nước thô D1200 từ trạm bơm phòng mặn An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ dài 7,8 km (đấu nối với tuyến ống Diuke D1200 tại vị trí bờ nam sông Cầu Đỏ), hướng tuyến cơ bản theo tuyến ống hiện trạng.

Văn bản TP. Đà Nẵng nêu rõ, giao Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng làm chủ đầu tư để triển khai công trình từ vốn của công ty và vốn vay trong nước, thời gian hoàn thành trước tháng 5/2020.

UBND TP. Đà Nẵng cũng giao Sở Xây dựng thành phố đề xuất chủ trương xây dựng mới nhà máy cấp nước tại An Trạch tại thời điểm thích hợp trên cơ sở đánh giá khả năng phát triển đô thị khu vực phía Tây Nam Thành phố để lồng ghép vào kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2019-2025.

Đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thaco - Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thaco - Thái Bình.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco công bố Dự án Khu công nghiệp tại Thái Bình (Ảnh: NCĐT)
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco công bố dự án Khu công nghiệp tại Thái Bình (Ảnh: NCĐT)

Dự án trên với quy mô 194,36 ha được thực hiện trong 50 năm tại các xã An Thái, An Ninh và An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với tổng nguồn vốn 2.132,633 tỷ đồng bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện Dự án là 319,895 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 1.812,738 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung tiếp thu, giải trình và nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc triển khai thực hiện Dự án phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, quy hoạch đê điều và quy hoạch liên quan khác; tự chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan…

Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc - An Giang “mắc cạn”

Dự án BOT xây dựng công trình cầu Châu Đốc, thay thế phà Châu Giang nối thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) có thể sẽ bị dừng triển khai do không có khả năng hoàn vốn.

Sau 4 năm triển khai đầu tư, công trình cầu Châu Đốc theo hình thức BOT đang đứng trước khúc quanh mới, có nguy cơ đổ vỡ khi cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã chính thức “tung cờ trắng”, buông dự án này.

Trong Công văn số 6623/BGTVT - ĐTCT ngày 16/7/2019, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh An Giang xem xét việc tiếp nhận Dự án BOT xây dựng công trình cầu Châu Đốc và thực hiện nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua đó có thể xây dựng phương án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp và tháo gỡ khó khăn về doanh thu cho Dự án.

Phà Châu Giang vẫn là phương tiện chính để nối thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc (An Giang).
Phà Châu Giang vẫn là phương tiện chính để nối thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc (An Giang).

Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nếu UBND tỉnh An Giang đồng ý với phương án này, Bộ GTVT sẽ ủng hộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong trường hợp UBND tỉnh An Giang không tiếp nhận Dự án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng xin dừng đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2015 để thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1.

Việc triển khai Dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT đã cơ bản hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và Bộ GTVT tiến hành đàm phán hợp đồng BOT.

Cụ thể, nhà đầu tư được chọn là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620. Theo phương án đầu tư ban đầu, liên danh nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và huy động vốn tín dụng khoảng 820 tỷ đồng, tương đương 100% tổng mức đầu tư Dự án. Đổi lại, nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong khoảng 21 năm (trạm thu phí được đặt tại Km1+660, lý trình Dự án, thuộc địa phận thị xã Tân Châu) với mức phí khởi điểm cho nhóm phương tiện chịu phí thấp nhất là 52.000 đồng/xe/lượt; 6 năm đầu tiên điều chỉnh phí là 3%/năm, các năm tiếp theo là 2%/năm.

Được biết, hiện nay, tất cả các phương tiện qua phà Châu Giang không chỉ phải chịu mức phí cao (xe dưới 12 chỗ là 23.000 đồng/lượt; xe container 40 feet là 120.000 đồng/lượt), mà thời gian qua phà trung bình phải mất gần 1 giờ (thời gian chờ, lên xuống phà). Đó là chưa kể đến việc trong điều kiện biến động về thời tiết, toàn bộ hoạt động của phà đều phải dừng lưu thông để đảm bảo an toàn.

Chính vì vậy, phà Châu Giang trên tuyến N1 đang là trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng do tuyến N1 là tuyến hành lang biên giới. Cầu Châu Đốc thay thế phà là rất cấp thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn chỉnh dự án tuyến N1 phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt là TP. Châu Đốc và thị xã Tân Châu.

Đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thaco - Thái Bình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thaco - Thái Bình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư