Thứ Năm, Ngày 29 tháng 05 năm 2025,
Hà Nội siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm thuốc giả, thực phẩm giả đến ngày 15/6
D.Ngân - 28/05/2025 14:45
 
UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 3157/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả và ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP.
TIN LIÊN QUAN

Đây là động thái nhằm siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô.

Ảnh minh họa.

Theo công văn, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa và các loại thực phẩm bổ sung. Đợt kiểm tra cao điểm này sẽ kéo dài đến ngày 15/6/2025.

UBND TP cũng chỉ đạo tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm về quảng cáo trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm như khu du lịch, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thức ăn đường phố và các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ công nhân, học sinh, sinh viên, khách du lịch, cũng như các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.

Đáng chú ý, Sở Y tế Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện về an toàn thực phẩm hoặc không có giấy chứng nhận hợp lệ.

Đồng thời, Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ phương án, lực lượng, thuốc men và thiết bị y tế để sẵn sàng xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn.

Ngoài ra, các sở ngành khác cũng được giao nhiệm vụ cụ thể. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nguyên liệu nông sản, thực phẩm đầu vào; đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Sở Công Thương tăng cường quản lý thị trường, rà soát các sàn giao dịch thương mại điện tử, các ứng dụng bán hàng online và website thương mại điện tử nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến thực phẩm chưa công bố hoặc quảng cáo sai quy định.

Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm, công khai các hành vi vi phạm và kết quả xử lý để cảnh báo người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Công an TP.Hà Nội được giao chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các chuyên án điều tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả và các sản phẩm không rõ nguồn gốc gây hại sức khỏe người dân theo đúng quy định của pháp luật.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời thực phẩm giả, thuốc giả, sữa giả và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả theo phân cấp quản lý.

Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ vững niềm tin của xã hội đối với công tác an toàn thực phẩm.

Chiến dịch này thể hiện quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh cho người dân Thủ đô.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư