Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội: Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, cơ bản không còn hộ nghèo
Minh Hồng - 03/08/2023 18:14
 
Triển khai thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Tỷ lệ thất nghiệp toàn Thủ đô Hà Nội dưới 3%, cơ bản không còn hộ nghèo.

Giải quyết việc làm cho 113.418 lao động

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, đến nay đã có 18/27 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.

6 tháng đầu năm 2023, TP. Hà Nội giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 lao động, đạt 70,89% kế hoạch năm.

Mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp xã hội được quan tâm tiến đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. TP. Hà Nội quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Cùng đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Hà Nội đã phát huy vai trò chủ động trong công tác tuyên truyên, vận động Nhân dân, công tác giám sát và triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh, góp phần tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định. 

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã thể hiện được tính ưu việt và nhân văn của Chương trình. Một số địa phương có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, tạo sức lan tỏa, mang lại niềm tin cho Nhân dân.

Có thể kể đến một số chỉ tiêu cụ thể như phát triển thị trường lao động, tạo việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong 6 tháng đầu năm, TP. Hà Nội giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 lao động (đạt 70,89% kế hoạch năm). Tỷ lệ thất nghiệp toàn TP. Hà Nội dưới 3%.

Về việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, đầu năm 2023, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, toàn TP có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân toàn Thủ đô và 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 0,99%; có 16 quận, huyện không có hộ nghèo. Riêng 3 quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Để thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững, TP. Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo của Trung ương và chính sách đặc thù của TP. Các quận huyện tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến nay TP. Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo.

Quan tâm tháo gỡ các chỉ tiêu khó

Đối với việc thực hiện kết luận của Ban chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy. Tại thông báo số 07/TB-BCĐ ngày 6/6/2023 của Ban chỉ đạo Chương  trình số 08 yêu cầu rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến hết nhiệm kỳ. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù để người dân của Hà Nội được quan tâm, chăm lo với yêu cầu ở mức cao hơn, đối tượng mở rộng hơn so với Trung ương.

Qua rà soát đánh giá 27 chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU, đến nay đã có 19/27 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2023 (trong đó có 18 chỉ tiêu đã hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025); có 4 chỉ tiêu đang phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023; có 4 chỉ tiêu còn khó khăn cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

Hiện trong việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như số người tham gia BHXH, BHYT tăng chậm, việc thực hiện các chỉ tiêu về BHXH, BHYT còn khó khăn; vẫn còn đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT. 

Tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm. Việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế. Mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số còn thấp so với bình quân chung toàn TP.

Một số chỉ tiêu khó trong quá trình thực hiện như: chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân (mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sỹ/vạn dân, tương đương 13.250 bác sỹ); Chỉ tiêu tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội; chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường”...

Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các đơn vị có cách làm sáng tạo, thực hiện hiệu quả công việc. Đặc biệt hết sức quan tâm tháo gỡ các chỉ tiêu khó. 

Đồng thời, quan tâm đến các chính sách chăm lo người có công, thực hiện an sinh xã hội. Tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các dự án liên quan đến Nghị quyết 02. chỉ tiêu nước sạch.

Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở Nội vụ Hà Nội xem những nội dung liên quan đến làm việc với các bộ ngành có cơ sở y tế đóng trên địa bàn; việc thực hiện xã hội hoá các đề án, tính toán để đạt được hiệu quả đề ra. Việc quản lý sức khoẻ người dân, một số đơn vị làm tốt thì cố gắng tìm giải pháp căn cơ để giải quyết tổng thể trên toàn TP.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 khẳng định, chương trình khi triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt, người dân được thụ hưởng trực tiếp nên rất phấn khởi, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, lan toả. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu các cách làm sáng tạo, đạt kết quả rõ nét đối với các chỉ tiêu của chương trình, đặc biệt hết sức quan tâm tháo gỡ các chỉ tiêu khó và quan tâm đến các chính sách chăm lo người có công, thực hiện an sinh xã hội.

Các sở, ngành tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các dự án liên quan đến đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, chỉ tiêu nước sạch. Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở Nội vụ Hà Nội rà soát những nội dung liên quan đến làm việc với các bộ ngành có cơ sở y tế đóng trên địa bàn; việc thực hiện xã hội hoá các đề án, tính toán để đạt được hiệu quả đề ra. Trong quản lý sức khoẻ người dân, một số đơn vị làm tốt thì đánh giá cách làm, kinh nghiệm để triển khai rộng trên toàn TP.

Hà Nội: Hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người dân ít nhất gấp 2 lần mức chung
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Thành phố Hà Nội thông báo rõ hơn về mức đóng BHXH tự nguyện áp dụng trên địa bàn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư