Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Hạ tầng Ninh Thuận “thay áo”, kết nối phát triển vùng và liên vùng
Linh Đan - 02/01/2025 16:13
 
Những dự án hạ tầng giao thông đã, đang và sắp triển khai tại Ninh Thuận góp phần quan trọng trong việc kết nối phát triển kinh tế vùng, liên vùng và vùng kinh tế trọng điểm.
hạ tầng giao thông của tỉnh Ninh Thuận có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế
Hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Thuận ngày càng hoàn thiện đồng bộ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương và liên kết vùng.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà như chính sách phát triển kinh tế biển, phát triển liên vùng… đã xác định trọng tâm là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cấp thiết về giao thông, thủy lợi, cảng biển theo hướng liên thông và đa mục tiêu...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ quan này tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai một số dự án, công trình hạ tầng giao thông liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Sở Giao thông vận tải phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai thi công 61,5 km tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4/2024, kết nối liên thông tỉnh Ninh Thuận với khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long cũng như kết nối với tỉnh Khánh Hòa tại khu vực phía Bắc.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, tham mưu UBND tỉnh các nội dung về phương án hướng tuyến, vị trí, số lượng ga hành khách, trạm bảo dưỡng hạ tầng trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.

Dự án Đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná với chiều dài tuyến là 23 km, quy mô quy hoạch 6 làn xe (mặt đường 22m, nền đường 34m). Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối cảng biển Cà Ná với Quốc lộ 1 và đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần. Theo đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 10,14km (đoạn từ đường nối cao Bắc Nam đến Quốc lộ 1). Hiện nay, Dự án thành phần 1 đã thi công hoàn thành khoảng 85% giá trị hợp đồng, dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đoạn tuyến từ Quốc lộ 1 đến nút giao liên thông Thuận Nam để kết nối liên thông với đường cao tốc.

Còn Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 12,86 km (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cảng Cà Ná), hiện nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang triển khai thực hiện các công việc có liên quan đến công tác lập hồ sơ dự án, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Dự án tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, có chiều dài 13,077 km, quy mô đường cấp III, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, điểm cuối giao với đường tỉnh 701 thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Công trình được chia thành 2 gói thầu thi công xây dựng (gói 25 và gói 26). Hiện nay, gói thầu số 26 đã thi công hoàn thành 100% giá trị hợp đồng, gói thầu số 25 thi công đạt khoảng 95%.

Dự án án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng được chia thành 2 dự án thành phần.

Theo đó, Dự án thành phần 1 (Đường từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới tỉnh Ninh Thuận) có chiều dài 22,283km đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 10/2023; Dự án thành phần 2 (Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có tổng chiều dài 40,14 km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 17,1 km; đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều dài 23,04 km.

Đối với các đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận, phạm vi đã giải phóng mặt bằng khoảng 20,74 km (còn khoảng 2,3km rừng đang thực hiện công tác tận thu lâm sản), tổng giá trị khối lượng thực hiện ước tính đạt khoảng 80% tổng giá trị hợp đồng.

Đối với các đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng, phạm vi có mặt bằng thi công được khoảng 15,9 km, còn lại 1,2 km chưa có mặt bằng do vướng 1 km rừng đang thực hiện công tác tận thu lâm sản và 0,2km đất chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng do vướng hộ dân. Tổng giá trị hoàn thành ước tính đạt khoảng 88% giá trị hợp đồng đối với các đoạn đã có mặt bằng.

Trong khi đó, Dự án đường Vành đai phía Bắc có chiều dài 10,42 km, điểm đầu tại đèo Khánh Nhơn thuộc địa phận xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, điểm cuối giao với Quốc lộ 1 thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc đã thi công hoàn thành khoảng 60% giá trị hợp đồng, dự kiến trong Quý I/2025.

“Việc thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Ninh Thuận có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế và rút ngắn khoảng cách vùng miền của tỉnh”, ông Vinh chia sẻ.

Theo ông Vinh, những dự án đã, đang và sắp triển khai như: Cảng biển Cà Ná, cảng cạn Cà Ná tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đường Văn Lâm - Sơn Hải, Đường tỉnh 702B (Đường vành đai phía Bắc), Đường nối từ thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, Đường nối từ Cảng biển Cà Ná đến đến cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường động lực kết nối cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Tây Nguyên và hàng loạt dự án trọng điểm khác của tỉnh sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối phát triển kinh tế vùng, liên vùng và vùng kinh tế trọng điểm.

Đồng thời, việc hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn sẽ đảm bảo cho giao thông luôn được thông suốt, cự ly vận chuyển được rút ngắn sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, giao thương và trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền được thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng, nhất là  đối với các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Ninh Thuận đặt ra 18 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025
Năm 2025, Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP phấn đấu đạt khoảng 13 - 14% để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ; GRDP...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư