Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Habeco "sống khoẻ" trong cơn biến động
Vũ Anh - 20/08/2017 15:40
 
Vài năm trở lại đây, Việt Nam được ví như “viên nam châm” thu hút hầu hết các “đại gia” bia ngoại, khiến thị trường bia trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh đó, các ông lớn trong nước như Habeco cũng phải “chạy đua” đầu tư trang, thiết bị, công nghệ, tăng sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bia ngoại tăng tốc trên đất Việt

Với mức thu nhập trung bình và nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, Việt Nam đang dần trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới. Người Việt ngày càng chú trọng hơn tới chất lượng các mặt hàng, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia dẫn đầu khu vực ASEAN, đứng thứ ba ở châu Á, với lượng tiêu thụ bia năm 2016 đạt 3,8 tỷ lít. Tính trung bình, mỗi người Việt uống khoảng 41 lít bia/năm, khiến sản lượng ngành bia Việt Nam trong 10 năm qua luôn tăng trưởng từ 5 đến 10%/ năm.

Hiện Habeco là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam.
Hiện Habeco là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam.

Thị trường bia Việt Nam đang nằm dưới sự chi phối của các thương hiệu bia trong nước như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi nhanh chóng trước sự mở rộng liên tục của các hãng bia ngoại, khi hàng loạt “ông lớn” đều tuyên bố tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chẳng hạn, Công ty Anheuser-Busch InBev (Bỉ) khánh thành Nhà máy bia Budweiser có công suất 50 triệu lít/năm tại tỉnh Bình Dương vào năm 2015 và đã nâng công suất lên 100 triệu lít/ năm thời gian qua. Điều này được đánh giá là một trong những minh chứng khẳng định sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng thức uống có cồn ở Việt Nam.

Trong khi đó, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng bậc nhất tại khu vực Đông - Nam Á, Công ty Sapporo (Nhật Bản) sở hữu thương hiệu bia Sapporo đã không ngừng mở rộng đầu tư nhà máy, cũng như mạnh tay chi cho quảng cáo thương hiệu tại Việt Nam. Mới đây, Sapporo đã nâng công suất của nhà máy bia tại tỉnh Long An từ 40 triệu lít lên 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do thị phần còn khiêm tốn, Sapporo đang hướng tới việc thâu tóm (mua lại) phần lớn cổ phần tại một số doanh nghiệp bia trong nước để đẩy mạnh doanh số bán hàng, mở rộng mạng lưới phân phối trên cả nước.

Tầm nhìn chiến lược của Habeco

Đứng trước thách thức trên, lãnh đạo Habeco đã có tầm nhìn chiến lược trong việc lựa chọn đầu tư để phát triển các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao ở từng phân khúc, từng thị trường nhằm gia tăng vị thế trên thị trường bia đang cạnh tranh gay gắt.

.

Hiện Habeco là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam và là nhà sản xuất và tiêu thụ bia số 1 tại thị trường phía Bắc. Năm 2017, kế hoạch sản xuất bia của Tổng công ty là 540 triệu lít/năm. Trong phân khúc trung và cao cấp, sản lượng tiêu thụ của các loại bia Hà Nội tiếp tục tăng trưởng và chiếm ưu thế trên thị trường. Các sản phẩm như Bia Hơi Hà Nội, Bia Hà Nội chai 450 ml và lon 330 ml vẫn đang thể hiện sức mạnh tuyệt đối tại phân khúc phổ thông.

Như vậy, Habeco có năng lực về sản xuất và hệ thống phân phối rộng khắp các tỉnh, thành phố. Nhãn hiệu Bia Hà Nội đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ người Việt Nam. Điều này sẽ tạo tiền đề tốt cho sự phát triển trong tương lai của Habeco nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Để giữ vững vị thế đó và đảm bảo cho sự tăng trưởng của Tổng công ty trong dài hạn, Habeco không ngừng cải tiến các sản phẩm hiện có và nghiên cứu sản phẩm mới để phát triển thị trường theo chiều rộng và chiều sâu.

Cụ thể, ngay từ những năm 2000, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng sẽ thay đổi theo chiều hướng ngày càng cao cấp và đa dạng hơn,
Habeco đã phát triển sản phẩm Hanoi Beer Premium và Bia Trúc Bạch. Đến thời điểm hiện tại, trong phân khúc cao cấp tại thị trường phía Bắc, những sản phẩm này đã có được những vị thế nhất định và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Habeco.

Sản phẩm Bia Trúc Bạch đã được giới sành bia biết đến và thừa nhận như một “Kiệt tác bia”. Không chỉ dừng lại ở đó, trong năm 2017, Habeco cũng sẽ hoàn thiện và giới thiệu đến người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi ở khu vực thành thị hai dòng sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với lối sống năng động và hiện đại. 

Với thị trường miền Trung, một khu vực rất tiềm năng, năm 2014, Habeco đã giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm Bia Hà Nội nhãn xanh. Cho đến nay, sản phẩm này có được sự phát triển vượt bậc với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 200%. Thành công này đã đóng góp rất nhiều cho việc cải thiện vị thế của Habeco tại khu vực Bắc miền Trung.

Bên cạnh đó, Habeco cũng đã mở chi nhánh tại TP.HCM để thực hiện chiến lược mở rộng và thâm nhập thị trường miền Nam. Không chỉ mạnh ở thị trường trong nước, Habeco đang dần chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, Habeco đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu với sản lượng tăng trưởng ổn định hàng năm. Các thị trường truyền thống bao gồm Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Áo. Ngoài ra, các thị trường mở rộng như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan. Sản phẩm xuất khẩu chính của Habeco là các dòng sản phẩm bia chai chất lượng cao như Trúc Bạch, Hà Nội, Premium 330 ml.

Habeco thu được những chiến lợi phẩm như trên là nhờ Ban lãnh đạo đã đưa ra kế hoạch sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Những năm gần đây, Habeco đã mở rộng liên kết với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước như Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đào tạo về bia Scandinavian, Viện Nghiên cứu malt và bia VLB (Đức), Công ty Cara Technology (Anh), các phòng R&D thuộc các nhà sản xuất thiết bị và cung cấp nguyên vật liệu lớn trên thế giới.

Ngoài ra, Habeco cũng thường xuyên cử các cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên gia bia dài hạn và ngắn hạn, mời các chuyên gia nổi tiếng về bia của nước ngoài giảng dạy. Qua đó, các kiến thức mới được áp dụng vào việc nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, Habeco cũng đã đầu tư hệ thống pilot hiện đại của Krones và hệ thống phòng thí nghiệm trung tâm với đầy đủ các trang thiết bị phân tích hiện đại (máy sắc ký lỏng, sắc ký khí, máy khối phổ hấp phổ nguyên tử, máy phân tích kích thước hạt, máy đông khô, máy nhân gen PCR…), nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu sản phẩm mới và nâng cao chất lượng cho các sản phẩm bia hiện tại.

Toàn bộ các phòng thí nghiệm vệ tinh ở các đơn vị sản xuất bia đều đạt chuẩn về thiết bị phân tích. Các kết quả phân tích tại các phòng thí nghiệm được chuẩn hóa với thế giới thông qua chương trình chuẩn hóa các phép đo hóa học và sinh học của Viện Đo lường của Anh (LGC).

Thách thức trong thời gian tới

Theo lãnh đạo Habeco, các doanh nghiệp bia trong nước sẽ phải đối đầu thêm với một cuộc cạnh tranh gay gắt cùng bia nhập khẩu. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8, tháng 10/2014. Theo đó, dự kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia theo lộ trình: Từ ngày 1/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%.

Trong khi đó, tuy đồ uống có cồn nằm trong danh mục có thời gian bảo hộ dài hạn hơn so với danh mục bình thường, nhưng từ giai đoạn 2015 - 2018 hoặc tới năm 2021, lộ trình giảm thuế theo các hiệp định thương mại đối với ngành sẽ bắt buộc dỡ dần thuế quan nhập khẩu xuống dưới mức 45%.

Đặc biệt, trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập mạnh vào các tổ chức kinh tế thế giới thì số thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam sẽ được giảm. Theo đó, sẽ có sự gia tăng của bia nhập khẩu và sự giảm sút đối với sản lượng bia nội, đem lại ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà sản xuất bia tại Việt Nam nói chung và Habeco nói riêng.

Áp lực cạnh tranh hàng ngoại và gánh nặng thuế đối với bia (nếu tăng) sẽ khiến tiêu thụ bia giảm, doanh thu từ sản xuất bia giảm và sẽ ảnh hưởng đến nguồn đóng góp cho ngân sách nhà nước. Và hệ không chỉ là nguy cơ mất sân thị trường về tay hàng ngoại nhập, mà còn là sự ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người lao động đang gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với ngành bia.

Nhà đầu tư ngoại khó có "cửa" thâu tóm Sabeco, Habeco
Từ khi cổ phần hóa Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư