Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hải Dương: Chuyển đổi số để tạo động lực phát triển mới
Thanh Sơn - 23/03/2021 10:45
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết chuyên đề “Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, tờ trình đã nêu rõ mục tiêu của Nghị quyết. Đó là, đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương có 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra 8 nhóm giải pháp gồm: Tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương. Xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh. Phát triển kinh tế số. Phát triển xã hội số. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Ưu tiên kinh phí từ nguồn ngân sách và huy động các nguồn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng để đầu tư phát triển chuyển đổi số.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, để phát triển kinh tế số, Hải Dương phải tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Đối với xã hội số, Hải Dương sẽ thu hút đầu tư phát triển các cụm, khu dân cư đô thị thông minh, sử dụng nền tảng số trong công tác quản lý xã hội tại địa phương. Từ đó, tăng cường quảng bá các sản phẩm văn hóa, lịch sử, hình ảnh, văn hóa con người Hải Dương thân thiện, văn minh. Ngoài ra, Hải Dương phải xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại hội nghị
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại hội nghị

“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và cả nước, nếu Hải Dương không nắm bắt được cơ hội sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu cao”, ông Thăng nhấn mạnh.

Khẳng định tầm nhìn đột phá, chiến lược của Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, ông Thăng cho rằng, với khát vọng 5, 10 và 30 năm tới là thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh hơn nữa trong điều kiện nguồn tài nguyên, nguồn lực, nguồn nhân lực có hạn thì chuyển đổi số chính là cứu cánh, động lực mới thúc đẩy phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng lưu ý, việc chuyển đổi số phải biến thành quyết tâm chính trị, nhiệm vụ ưu tiên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các địa phương, đơn vị. Trong đó, cần chú trọng thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số.

Ông Thăng đề nghị, trong thực hiện chuyển đổi số cần ưu tiên lĩnh vực cải cách hành chính để thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền điện tử. Tăng cường các dịch vụ công mức độ 3 và 4 để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện do lãnh đạo cấp ủy hoặc lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các thủ trưởng sở, ngành, địa phương trong Ban Chỉ đạo phải xác định rõ những lĩnh vực ngành, địa phương cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

COMA 18 làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Dương
Công ty cổ phần COMA 18 (HoSE: CIG) được chọn làm nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Kim Thành tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư