Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Hai nhà máy đạm mong được xóa “nợ con, nợ cháu”
Hải Yến - 18/08/2022 08:32
 
Dự án Cải tạo, mở rộng, nâng công suất Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình hiện vẫn gánh khoản nợ 18.400 tỷ đồng và 112 triệu USD, cần tái cơ cấu nợ vay khẩn cấp.
Diễn biến thị trường thuận lợi, giá urea tăng là cơ sở để các nhà máy đạm có thể cải thiện kết quả hoạt động.

Hai dự án nợ hơn 18.400 tỷ đồng và 112 triệu USD

Dự án Cải tạo, mở rộng, nâng công suất Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình là 2 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương, nay đã được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau nhiều năm tái cơ cấu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 2 nhà máy đã có cải thiện, nhưng về tổng thể, vẫn còn nợ lớn, ở trong tình thế cần tái cơ cấu khẩn cấp về tài chính, đặc biệt là các khoản nợ vay.

Cụ thể, Dự án Cải tạo, mở rộng, nâng công suất Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc (Dự án Đạm Hà Bắc) của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) khởi công cuối năm 2010, đi vào vận hành từ năm 2015, chậm 36 tháng so với kế hoạch. Dự án có tổng mức đầu tư 568 triệu USD (khoảng 12.500 tỷ đồng), tăng 176,271 triệu USD (tăng 44,9%) so với kế hoạch ban đầu.

Sau khi mở rộng, Nhà máy Đạm Hà Bắc luôn vận hành ổn định, nhưng lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn, với các khoản vay ngân hàng có lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn) dẫn đến lãi chồng lãi. Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu chưa được giải quyết dứt điểm.

Gần đây, nhờ diễn biến thị trường thuận lợi, giá urea trên thị trường thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao so với cùng kỳ, nên kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có dấu hiệu tích cực hơn.

Năm 2021, Công ty đạt 92% công suất với 473.000 tấn urea, doanh thu đạt 4.558 tỷ đồng, lần đầu tiên lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ.

Đến cuối năm 2021, dù Công ty đã trả nợ 2.323 tỷ đồng và hơn 104 triệu USD, nhưng vẫn còn nợ hơn 6.400 tỷ đồng (vay gốc hơn 3.000 tỷ đồng, nợ lãi hơn 3.300 tỷ đồng) và hơn 112 triệu USD.

Năm 2022, Công ty phấn đấu sản xuất khoảng 410.000 tấn urea. Trong nửa đầu năm, nhà máy đạt sản lượng 236.000 tấn urea, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt 3.585 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.346 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 lỗ 409 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khoản lỗ lũy kế trong 5 năm 2015 - 2020 của Công ty vẫn còn rất lớn, lên tới 4.760 tỷ đồng, nếu không có biện pháp tái cơ cấu tài chính, thì khó có thể lãi bền vững.

Tình cảnh của Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng không khá hơn. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Dự án Đạm Ninh Bình) do Vinachem làm chủ đầu tư, khởi công tháng 5/2008, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…); sử dụng nhiều loại công nghệ.

Từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng). Đến ngày 31/12/2021, Nhà máy còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 80% là nợ gốc, khoảng 9.600 tỷ đồng; 20% là nợ lãi, khoảng 2.400 tỷ đồng.

Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Đạm Ninh Bình đã hoạt động có lãi trở lại, nhưng do lỗ lớn từ những năm trước, nên Nhà máy vẫn chìm trong nợ. Các dự báo đưa ra cho thấy, nếu tái cơ cấu và xử lý được các khó khăn, đổi mới công nghệ, quản trị..., Nhà máy sẽ có lãi trở lại từ năm 2023.

Như vậy, tại thời điểm này, tổng nợ của 2 dự án Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình lên tới 18.400 tỷ đồng và 112 triệu USD.

Đề nghị gia hạn thời gian trả nợ, xóa “nợ con, nợ cháu”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Viết Hiến, Tổng giám đốc Công ty Đạm Ninh Bình cho rằng, khó khăn của Dự án thì nhiều, nhưng có 2 vấn đề nếu được giải quyết sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và dần thoát khó.

Thứ nhất, là kéo dài thời gian trả nợ gốc cho Dự án. Do những năm trước đây, sản xuất, kinh doanh kém, Nhà máy mới xây dựng xong, nên lỗ lũy kế tăng do không trả được nợ vay đầu tư, đề nghị được giãn khoản nợ vay đầu tư cho doanh nghiệp. “Theo kỳ hạn, đến tháng 8/2023, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, chúng tôi đề nghị Chính phủ, ngân hàng đồng ý kéo dài sang năm 2033. Nếu được như vậy, doanh nghiệp đảm bảo hạch toán có lãi”, ông Hiến nói.

Hai là, doanh nghiệp đảm bảo trả lãi của các khoản nợ đó, nhưng đề nghị được xóa khoản “lãi con” - khoản lãi phạt do không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ từ trước tới nay. “Bình thường, doanh nghiệp vay với lãi suất 8%/năm, nhưng nếu không trả được nợ, thì phải chịu lãi phạt 12%, tăng 150%, thậm chí, có khoản vay phải trả lãi tới 16%. Nhưng thực tế, những khoản lãi phạt đó từ trước tới nay, doanh nghiệp cũng không trả được”, Tổng giám đốc Công ty Đạm Ninh Bình bày tỏ.

Mới đây, tại buổi làm việc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng thống nhất đánh giá, trong thời gian tới, Nhà máy Đạm Ninh Bình có thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước khi nhu cầu urea tăng cao, đồng thời, cũng đã tích lũy được kinh nghiệm vận hành, sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, nếu được tái cơ cấu, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đổi mới công nghệ, quản trị…, thì từ năm 2023, Dự án có thể có lãi.

Đối với Dự án Đạm Hà Bắc, những vấn đề được Ban Lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất cũng xoay quanh câu chuyện tái cơ cấu các khoản vay, khoanh nợ, điều chỉnh hạ lãi suất khoản vay đầu tư về mặt bằng chung, kéo dài thời hạn trả nợ các khoản vay đầu tư, dừng tính lãi phạt, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể lấy lại “nhịp thở”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đức Ninh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho rằng, lãi suất vay đầu tư của Dự án đang quá cao so với mặt bằng chung.

Khoản nợ lớn nhất của Đạm Hà Bắc là các khoản vay trên 4.125 tỷ đồng, lãi suất 10,78%/năm từ năm 2008 và đến hạn năm 2023 tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đầu tư Dự án Đạm Hà Bắc.

“Đối với khoản vay tại VDB, chúng tôi đã trả được 3.970 tỷ đồng (trong đó, riêng tiền lãi đã trả 1.300 tỷ đồng, trả gốc hơn 2.800 tỷ đồng, vẫn còn nợ 1.443 tỷ đồng), nhưng hiện vẫn còn khoản nợ hơn 5.100 tỷ đồng tại ngân hàng này do bị tính lãi phạt. Khoản nợ này lớn hơn cả khoản vay gốc suốt 7 năm qua. Doanh nghiệp đề nghị cơ cấu lại nợ theo cách đưa lãi suất về măt bằng chung, gia hạn thời gian trả nợ thêm 8 năm và xóa ‘lãi con, lãi cháu’ cho doanh nghiệp”, ông Ninh đề xuất.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng nhấn mạnh quan điểm cần các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể vực dậy, thoát khỏi khó khăn: “Đến các quốc gia phát triển như Mỹ, khi ảnh hưởng bởi đại dịch, họ cũng hạ lãi suất về 0% để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Trong chỉ đạo mới nhất với Dự án Đạm Hà Bắc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu giữ lại Nhà máy, nhưng quyết tâm tái cơ cấu với các giải pháp như cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, đa dạng hoá sản phẩm…, đưa Nhà máy cạnh tranh tốt hơn, phát triển ổn định, bền vững.

Với Dự án Đạm Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số vấn đề cần giải quyết gồm: giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC; tổ chức sản xuất, kinh doanh để không thua lỗ (như tái cơ cấu tài chính, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động…), giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh; giải quyết vấn đề môi trường trong và ngoài nhà máy, nâng cao đời sống người lao động; ổn định nguồn cung than cho nhà máy.
Hai dự án Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc có nhiều điểm giống nhau, như: đầu tư lâu, kéo dài nhiều năm, khiến tổng mức đầu tư lớn, thua lỗ kéo dài; phê duyệt vốn cho dự án ban đầu ít, sau đó tăng nhiều; tranh chấp hợp đồng EPC, suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động, dẫn tới không hiệu quả, chậm trả nợ, “lãi mẹ đẻ lãi con”, nợ chồng nợ…

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thiện Đề án Xử lý vướng mắc tại Dự án Đạm Hà Bắc và Dự án Đạm Ninh Bình theo phương án tái cơ cấu tài chính, nợ vay. Phương án xử lý cần báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8/2022.
Đạm Hà Bắc kỳ vọng giảm gánh nặng nợ nần
Việc cơ cấu nợ vay, gồm dừng tính phạt trên số tiền gốc và lãi chậm trả, có thể giúp giảm đáng kể gánh nặng nợ của CTCP Phân đạm và Hoá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư