Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hải Phòng bình ổn hàng hóa phục vụ dịp Tết
Quỳnh Nga - 01/01/2023 09:45
 
Năm 2023, dịp Tết Nguyên đán gần với Tết Dương lịch, Hải Phòng đã và đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương Hải Phòng, thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở đã phối hợp cùng các Sở, ban, ngành có liên quan chủ động các phương án bảo đảm cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra việc “sốt” giá cục bộ, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trên địa bàn thành phố. Đảm bảo cân đối các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sản phẩm phục vụ Tết được bày trí bắt mắt, thu hút. Ảnh: Quỳnh Nga
Sản phẩm phục vụ Tết được bày trí bắt mắt, thu hút. Ảnh: Quỳnh Nga

Thời điểm này, các doanh nghiệp cũng như hệ thống siêu thị, các đầu mối phân phối các mặt hàng thiết yếu đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng trung bình là 20-25% so với cùng kỳ. Trong đó, một số siêu thị tổng hợp xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ như siêu thị GO! tăng 50%, siêu thị MMMega Market tăng 30-40%, siêu thị Winmart tăng 35%, siêu thị Co.opmart tăng 40%, siêu thị Aeon tăng 30%.

“Tôi cùng gia đình thường xuyên đến đây để mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong gia đình. Tôi khá bất ngờ vì lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết đã được bày bán nhiều và trang trí bắt mắt làm tôi thấy không khí Tết thực sự đang về”, bà Nguyễn Thị Hoa (đường Lạch Tray, Ngô Quyền) , mua sắm tại siêu thị GO! cho biết.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thống kê Hải Phòng, khả năng cung ứng của vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, các nhóm hàng thuộc hàng bình ổn bao gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu, gồm: gạo, gia vị, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau, củ  nhìn chung đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố.

Về sản lượng sản xuất rau, củ các loại của thành phố khoảng 28.367 tấn/tháng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng rau, củ các loại khoảng 20.535 tấn/tháng của người dân. Sản lượng gạo tẻ sản xuất khoảng 20.682 tấn/tháng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 18.472 tấn/tháng.

Sản phẩm rau, củ, quả đa dạng phong phú. Ảnh: Quỳnh Nga
Sản phẩm rau, củ, quả đa dạng phong phú. Ảnh: Quỳnh Nga

Sản lượng thịt lợn ước đạt 2.608 tấn/tháng, đáp ứng khoảng 71% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố (nhu cầu tiêu dùng thịt lợn khoảng 3.687 tấn/tháng).  Hiện các nguồn cung thịt lợn cung cấp cho thị trường Hải Phòng còn được khai thác thêm từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc hoặc nhập khẩu từ nước ngoài thông qua hệ thống phân phối.

Đồng thời, nhu cầu về thịt lợn được đáp ứng thay thế một phần từ nguồn cung thịt gia cầm và thủy hải sản. Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 5.802 tấn/tháng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm các loại khoảng 3.080 tấn/tháng.

Được biết, hiện nay các siêu thị đều triển khai các hình thức bán hàng trên các nền tảng trực tuyến nhằm đa dạng hóa hình thức mua sắm của người tiêu dùng. Không những vậy, mô hình chợ 4.0 cũng được triển khai tại chợ cũng phát huy được nhiều tiện ích tích cực giúp người dân mua bán hàng hóa một cách thuận tiện, nhanh chóng mà không cần phải mang theo tiền mặt cũng như mất thời gian trong việc chờ trả lại tiền thừa.

Mặt hàng kẹo, mứt được bày bán phục vụ dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Nga
Mặt hàng kẹo, mứt được bày bán phục vụ dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Nga

“Từ đầu tháng Chạp tôi đã nhận được nhiều đơn hàng đặt phục vụ dịp Tết với số lượng lớn. Năm nào cũng vậy, chúng tôi luôn có kế hoạch từ 1-2 tháng trước đó. Từ hồi thực hiện mô hình 4.0 tại chợ việc mua bán cũng được diễn ra thuận lợi hơn; giờ cứ thanh toán qua ngân hàng hàng điện tử nên nhanh lắm! Khách quen thì cứ gọi điện, chuyển tiền trước rồi chuyển đến tận nhà”, bà Loan, một tiểu thương tại chợ Lương Văn Can chia sẻ.

Trước đó, cũng đã diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng  thông qua các chương trình như: Tháng khuyến mại Hải Phòng ; Hội chợ Hàng việt – Đặc sản vùng miền sản phẩm OCOP năm 2022; đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu,vùng xa, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán... Một số các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tích cực tham gia chương trình như: Công ty CP Thương mại Minh Khai, , Công ty TNHH MTV CoopMart Hải Phòng, Công ty Cổ phần du lịch khách sạn Hải Đăng... Số chuyến hàng do doanh nghiệp trong và ngoài thành phố thực hiện thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tính đến hết tháng ngày 27 tháng 12 năm 2022 là trên 312 chuyến hàng.

Chương trình Khai Tết Xanh, Gieo Lộc Lành đang diễn ra tại siêu thị CoopMart
Chương trình Khai Tết Xanh, Gieo Lộc Lành đang diễn ra tại siêu thị CoopMart

“Đến nay, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng ổn định; giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp cung ứng lớn trên địa bàn thành phố không có tăng giá đột biến. Trước đó vài tháng, nguồn cung xăng dầu có nhiều biến động thì hiện nay mặt hàng này đã được ổn định, không còn đáng lo ngại. Hiện nguồn cung các mặt đều hàng đáp ứng được nhu cầu của người dân”, ông Sơn chia sẻ thêm. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư