Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hải Phòng đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số và lưu trữ điện tử tập trung
Thu Lê - 25/02/2022 10:30
 
Việc phát triển hệ thống ký số, lưu trữ điện tử tập trung sẽ giúp Hải Phòng có những bước tiến đột phá trong cải cách hành chính, chuyển đổi số trong thời gian tới.

Mới đây, Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo Chữ ký số và lưu trữ điện tử tập trung - nền tảng xây dựng chính quyền số và công dân số, thúc đẩy chuyển đổi số. Sự kiện do Sở Thông tin và truyền thông Hải Phòng, Viện Sáng tạo và chuyển đổi số, Công ty CP Công nghệ SAVIS cùng tổ chức.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lương Hải Âu, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng khẳng định: “Chuyển đổi số là động lực trong phát triển TP.Hải Phòng, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Trong đó, dữ liệu số là nguồn tài nguyên, kết quả quan trọng của quá trình làm việc số, cần được xây dựng, lưu trữ, thống nhất, chia sẻ trên toàn bộ hệ thống, đồng thời bảo đảm tính bảo mật, xác thực lâu dài”.

Ông Lương Hải Âu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh - Đàm Thanh
Ông Lương Hải Âu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đàm Thanh.

Đặc biệt, công tác lưu trữ đang ở thời khắc chuyển đổi vô cùng quan trọng. Khác biệt với việc lưu trữ văn bản giấy thì lưu trữ văn bản điện tử cần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là yêu cầu định danh, xác thực người dùng thông qua hệ thống chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng nhằm đảm bảo tính an toàn, bảo mật và giá trị pháp lý khi thực hiện trên môi trường điện tử. Chữ ký số và lưu trữ tài liệu điện tử giúp hình thành những kho lưu trữ số đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, công dân số.

Tại Hội thảo, các diễn giả từ Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, Công ty CP Công nghệ SAVIS chia sẻ về các vấn đề nền tảng xây dựng Chính quyền số, Công dân số như: Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; thời cơ, thách thức và định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục; ký số, lưu trữ điện tử lâu dài và xác thực tài liệu điện tử; ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử...

Các đại biểu và diễn giả trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. Ảnh - Đàm Thanh
Các đại biểu và diễn giả trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Đàm Thanh.

Hiện nay, luật lưu trữ và các nghị định, thông tư liên quan chưa theo kịp các nhu cầu về hình thành, quản lý văn bản điện tử trong thực tiễn. Khung kỹ thuật chưa đầy đủ, chưa có quy định khung kiến trúc cho lưu trữ điện tử; ký số và ký điện tử trên tài liệu gặp rủi ro. Từ đó, đề xuất xây dựng Khung kiến trúc lưu trữ số Việt Nam áp dụng mô hình OAIS – ISO 14721:2012 và ISO 14721:2012.

Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, toàn dân và toàn diện trên địa bàn TP.Hải Phòng, là chìa khóa để Hải Phòng phát triển bền vững. Với nền tảng chính trị, kinh tế- xã hội vững chắc, thời gian tới đây Hải Phòng sẽ không chỉ vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phát triển mà còn tích cực chuẩn bị những bước đệm mới để khẳng định vị thế trung tâm, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á.

Ông Hoàng Minh Cường, , Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh - Đàm Thanh
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đàm Thanh.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đang tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 06/01/2022.

Mục tiêu của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích, gồm: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Việc khai thác ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư