Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hải Phòng mở lối thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư
Nguyên Đức - 19/09/2016 14:45
 
Không chỉ có lợi thế lớn nhất là cảng biển như trước kia, giờ đây, Hải Phòng đang trở thành một cửa ngõ thực sự để mở lối cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, cũng như mở lối để Việt Nam thông thương ra thế giới.

Mở lối tương lai

Ngày 12/5/2016 có lẽ là một ngày đặc biệt với TP. Hải Phòng, bởi chiều ngày hôm đó, Hải Phòng đã chính thức khởi công xây dựng Cảng container quốc tế Hải Phòng (Hợp phần B) tại cửa Lạch Huyện (sông Chanh).

Có mặt tại buổi lễ đầy ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự vui mừng khi hợp phần B của Dự án đã được khởi công theo đúng kế hoạch. Một khối lượng công việc khổng lồ đã được liên doanh giữa Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, liên danh MOLNYKIT (Nhật Bản) cùng pháp nhân liên doanh là Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng nỗ lực thực hiện.

Hải Phòng  sẽ  có điều kiện phát triển mạnh hơn với kết cấu hạ tầng sân bay, bến cảng, đường cao tốc.... đồng bộ
Hải Phòng sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn với kết cấu hạ tầng sân bay, bến cảng, đường cao tốc.... đồng bộ

Và không chỉ là hợp phần B, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án hàng hải tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ Hợp phần A, khởi công ngày 14/4/2013, của Dự án để toàn bộ Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đi vào hoạt động năm 2018. “Khi Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hải Phòng và cả nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy.

Còn buổi sáng, cũng chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng vui với lãnh đạo của TP. Hải Phòng khi Cảng hàng không quốc tế mới Cát Bi đã chính thức khánh thành. Khi chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner (số hiệu VN-A861) thực hiện thành công chuyến bay VN1182 từ TP.HCM hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cát Bi lúc 9 giờ 25 phút, tất cả đã vỡ òa trong hạnh phúc. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, cùng trong ngày hôm đó, Hãng hàng không tư nhân VietjetAir cũng đã thực hiện nghi lễ mở ba đường bay mới từ Hải Phòng đi Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột.

Thực ra, chuyện Hải Phòng có cảng biển hay sân bay quốc tế không phải là chuyện mới lạ. Cũng nhờ có cảng biển, Hải Phòng từ bao lâu nay đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nhưng cảng biển đó đã quá tải, không đủ đáp ứng nhu cầu giao thương của khu vực phía Bắc. Sân bay cũng chỉ có quy mô nhỏ, ít có các đường bay quan trọng.

Nhưng giờ thì khác, khi hoàn thành, Cảng container quốc tế Hải Phòng sẽ trở thành cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc, tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải 100.000 DTW hoạt động phía trên tuyến vận tải biển xa. Và khi ấy, Dự án sẽ không chỉ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho khách hàng xuất nhập khẩu phía Bắc, mà còn là điểm kết nối quan trọng với cụm cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải, cho phép đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Còn với Sân bay Cát Bi mới, không chỉ là các chuyến bay nội địa được tăng cường, mà sẽ còn có cả các đường bay quốc tế được mở. Thông tin cho biết, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Hải Phòng khai mạc ngày hôm nay (19/9), sẽ có những thỏa thuận được ký kết với VietjetAir trong việc mở các đường bay quốc tế.

Mọi con đường dường như đều đang dẫn tới Hải Phòng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cũng không giấu niềm vui khi nhiều dự án hạ tầng quan trọng nối Hải Phòng với cả nước, thậm chí là cả nối Hải Phòng với thế giới đã và đang được xây dựng. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào khai thác. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, mở rộng Quốc lộ 10 cũng đang được khẩn trương thi công, dự kiến đưa vào sử dụng trong cuối năm 2017. Cùng với đó, Dự án Phát triển giao thông đô thị, sử dụng vốn ODA, cũng đang được triển khai...

Vốn đã có hạ tầng cơ sở phát triển bậc nhất trong cả nước, thêm các dự án mới, Hải Phòng càng hội đủ điều kiện để trở thành cửa ngõ của quốc gia, mở lối thông thương từ Việt Nam ra thế giới, và cũng mở lối để các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tìm đến.

Rộng cửa đón khách

Chỉ mới chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Tổ hợp sản xuất đồ điện tử gia dụng, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, vào tháng 3/2015, song giữa năm nay, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã quyết định đầu tư thêm 1,5 tỷ USD nữa để xây dựng Nhà máy LG Display, chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (OLED). Và trong khi LG Display dự kiến tới đầu năm 2017 mới đi vào hoạt động, thì một công ty con khác thuộc Tập đoàn LG mới đây đã quyết định đầu tư 550 triệu cho dự án sản xuất modulle camera - LG Innotek.

Thêm dự án mới, tổng vốn đầu tư của LG của Hải Phòng đã lên tới 3,55 tỷ USD, một con số không hề nhỏ. LG - có vẻ như đang theo chân người đồng hương Samsung của mình - biến Hải Phòng trở thành cứ điểm sản xuất mới của họ trên toàn cầu. Điều quan trọng, hiệu ứng tích cực hơn từ LG sẽ là hàng loạt dự án vệ tinh “ăn theo”, biến Hải Phòng trở thành một cực nam châm thu hút đầu tư.

Thực ra, không phải chỉ từ khi LG có dự án, Hải Phòng mới là một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Với những lợi thế địa kinh tế của mình, Hải Phòng từ lâu đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh của mình. Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, lũy kế tính đến ngày 12/9/2016, Hải Phòng đã thu hút được 478 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 13,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 trong số các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất. Đặc biệt, kể từ đầu năm tới nay, với nhiều dự án quy mô lớn, trong đó có hai dự án của LG, Hải Phòng đã vươn lên đứng đầu trong danh sách này. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm ở Hải Phòng chỉ tính đến giữa tháng 9/2016 đã đạt trên 2,7 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước và đã vượt gần 43% kế hoạch thu hút FDI của cả năm 2016. Một kết quả thật đáng tự hào.

Quả vậy, Hải Phòng không chỉ có LG. Suốt thời gian qua, nhiều tên tuổi lớn đã không ngừng đầu tư vào thành phố cảng này. Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã hồ hởi nhắc tới Haesung Việt Nam, Regina Miracle, rồi Bridgeston, Nipro Pharma, VSIP… Trước đó, còn có Normura, Rent-A-Port, Thép Việt Úc…

Không chỉ thu hút FDI, Hải Phòng cũng đang là thỏi nam châm thu hút đầu tư trong nước. Cứ nhìn vào hàng loạt dự án lớn đã và đang được khởi công xây dựng là đủ biết, Hải Phòng hấp dẫn đến chừng nào. Điển hình là các dự án do Tập đoàn Vingroup đầu tư, từ Khu du lịch sinh thái trên đảo Vũ Yên, vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng, đến Dự án Vincom Lê Thánh Tông, vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Rồi còn Dự án Xây dựng Khách sạn 5 sao Hilton, với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, 1.900 tỷ đồng…

Và rồi đây, sẽ là các dự án của Sungroup, Bitexco, Him Lam, LLC Tokyo… Toàn là các dự án quy mô lớn và cực lớn. Khi tất cả các dự án này hoàn thành, Hải Phòng sẽ như được khoác áo mới. Sẽ không còn một hình ảnh Hải Phòng - Thành phố Hoa phượng đỏ, cũ kỹ với chợ Sắt, bến xe Tam Bạc… như trước kia nữa, mà là một Hải Phòng hiện đại, rực rỡ sắc màu. Một Hải Phòng thực sự phát triển mạnh mẽ với sân bay, bến cảng, đường cao tốc và các nhà máy hiện đại. Một Hải Phòng rất khác, với các khu du lịch biển lung linh trong nắng và thực sự là động lực phát triển kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước.

 Vĩ thanh

Hải Phòng thực ra đã luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhưng thành thật phải thừa nhận, có thời điểm, động lực từ Hải Phòng là không đủ lớn. Hải Phòng đã có lúc đi chậm lại hơn so với các đầu tàu kinh tế của cả nước…

Nhưng giờ đây, mọi người nói và kỳ vọng, Hải Phòng sẽ khác, nhất là khi một bộ máy lãnh đạo mới vừa được thiết lập, đủ tâm và tầm đưa Hải Phòng đi những bước xa hơn và cao hơn. Chẳng lý do gì Hải Phòng không phát triển, khi mà các điều kiện hạ tầng, nhân lực được phát triển mạnh mẽ. Và khi mà các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang không ngừng tìm đến với Hải Phòng.

Nghĩa là, có đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa để Hải Phòng phát triển. Nhưng là một sự phát triển không chỉ cho riêng Hải Phòng, mà còn là cho cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cho cả nước. Hải Phòng, đã đến lúc cần phải khẳng định một cách chắc chắn và mạnh mẽ vai trò và vị thế là một “cực” phát triển cho kinh tế - xã hội Việt Nam, trở thành cửa ngõ thực sự để mở lối cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, cũng như mở lối để Việt Nam thông thương ra thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư