Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết vay nợ chịu áp lực khi USD tiếp tục mạnh lên
Duy Bắc - 02/06/2022 08:12
 
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lên kế hoạch nâng lãi suất đã giúp USD mạnh lên, đồng thời gây áp lực mất giá lên các đồng tiền còn lại.

USD tiếp tục mạnh lên

Được biết, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất lên từ 2,5-2,75% vào cuối năm 2022 từ mức 0,75-1% ở hiện tại, điều này tiếp tục là câu chuyện hỗ trợ USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác.

Thống kê chỉ số Dollar Index, từ 28/5/2021 đến 1/6/2022 đã tăng hơn 13% từ 90 điểm lên 101,76 điểm. Trong đó, riêng từ 1/4 đến 1/6, chỉ số Dollar Index tăng 4,5% và tiếp tục xu hướng tăng.

Diễn biến chỉ số Dollar Index (Nguồn: Tradingeconomics).
Diễn biến chỉ số Dollar Index (Nguồn: Tradingeconomics).

Có thể thấy, USD đang mạnh lên so với rổ tiền tệ của các nước phát triển. Điều này cũng có nét tương đồng khi USD mạnh lên so với các đồng tiền của các nước đang phát triển, cận biên, mới nổi.

Tỷ giá USD/VND (Nguồn: Investing).
Tỷ giá USD/VND (Nguồn: Investing).

Quay trở lại kinh tế Việt Nam, theo dữ liệu của Investing, từ 27/1 đến 1/6, tỷ giá USD/VND đã tăng gần 2,5% từ 22.630 đồng lên 23.190 đồng/USD, điều này đồng nghĩa USD đang mạnh lên một cách tương đối so với VND.

Theo chỉ số của Bloomberg, tính tới giữa tháng 5/2022, nợ của các quốc gia đang phát triển tính bằng đô la đã mất 15% trong năm nay và nghĩa vụ nợ tính bằng đồng nội tệ giảm 7% trong khi cả hai mức giao dịch gần bằng nhau vào đầu năm 2020.

Thêm nữa, giá lượng thực đang tăng cao cũng đang gây sức ép lớn tới các quốc gia nghèo, vay nợ lớn. Trong đó, đồng tiền của họ càng có khả năng suy yếu dưới hai áp lực bao gồm áp lực trả nợ vay ngoại tệ và áp lực giá lương thực thiết yếu ngày một tăng. 

Điều đó làm cho việc thanh toán nợ - đặc biệt là nợ bằng đồng đô la - thậm chí còn khó khăn hơn, làm tăng áp lực nợ vay.

Đối với quốc gia có dư nợ ngoại tệ bằng đồng USD đang chịu nhiều thách thức chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá.

Doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ chịu áp lực lỗ tỷ giá

Xét về các doanh nghiệp, câu chuyện có thể là một quốc gia thu nhỏ, tuy nhiên việc dư nợ vay bằng đồng USD sẽ và tiếp tục chịu rủi ro tỷ giá trong giai đoạn quý II/2022 và các tháng còn lại của năm 2022.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện than, doanh nghiệp thuộc tập đoàn dầu khí … đang sử dụng nhiều nợ vay có gốc ngoại tệ bằng đồng USD.

Đơn cử, tại CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), tính tới 31/3/2022, Công ty sử dụng 1.959,1 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 21,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, công ty không thuyết minh cơ cấu nợ vay.

Tuy nhiên, trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Công ty sử dụng 1.957,3 tỷ đồng tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, công ty thuyết minh vay 1.895,4 tỷ đồng từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc bằng đồng USD, đáo hạn năm 2024 với lãi suất 6,07%; vay 61,99 tỷ đồng bằng đồng JPY từ Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản với lãi suất 4,41%.

Như vậy, chủ yếu dư nợ vay của Nhiệt điện Hải Phòng đang là đồng USD.

Tại CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), tính tới 31/3/2022, công ty đang sử dụng 2.158,3 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 24,2% tổng nguồn vốn. Mặc dù vậy, công ty không thuyết minh chi tiết cơ cấu nguồn nợ.

Trước đó, tính tới 31/12/2021, Nhiệt điện Quảng Ninh đang nợ 2.154,5 tỷ đồng. Trong đó, 1.499,4 tỷ đồng là dư nợ ngoại tệ bằng đồng USD tại Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc. Như vậy, nợ vay của Nhiệt điện Quảng Ninh chủ yếu có gốc nợ là USD.

Tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (mã POW), tính tới 31/3/2022, Công ty sử dụng 8.038,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 14,6% tổng tài sản. Trong đó, 2.991,7 tỷ đồng vay bằng USD; 2.395,4 tỷ đồng vay bằng VND và 225,3 tỷ đồng phát hành trái phiếu bằng đồng VND. Như vậy, vay nợ USD sẽ là đồng tiền có dư nợ lớn nhất.

Tại CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR), tính tới 31/3/2022, Công ty sử dụng 8.011,8 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 11,4% tổng tài sản. Trong đó, công ty có vay 2.958,2 tỷ đồng bằng đồng USD, chiếm gần 37% tổng dư nợ vay.

Tại Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu Khí (mã PVT), tính tới 31/3/2022, công ty sử dụng 3.514,3 tỷ đồng nợ vay, chiếm 27,4% tổng nguồn vốn, công ty không thuyết minh chi tiết khoản vay. Tuy nhiên, tính tới 31/12/2021, công ty đang vay nợ 3.246,5 tỷ đồng. Trong đó, có sử dụng hạn mức vay 142,5 triệu USD (khoảng 3.277,5 tỷ đồng).

Các Công ty sử dụng nợ vay bằng USD lớn tính tới 31/3/2022 (Nguồn: BCTC).
Các Công ty sử dụng nợ vay bằng USD lớn tính tới 31/3/2022 (Nguồn: BCTC).

Nhìn lại bức tranh lợi nhuận quý I/2022, các công ty sử dụng vay nợ bằng USD nhìn chung chỉ ghi nhận một phần lỗ tỷ giá trong quý đầu năm do tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, bước sang quý II/2022, xu hướng USD mạnh lên, điều này có thể trở thành gánh nặng và bắt buộc các công ty sử dụng nợ vay bằng ngoại tệ phải ghi nhận chi phí lỗ tỷ giá tăng cao hơn nhiều lần so với quý đầu năm.

Tâm điểm Fed tăng lãi suất, dòng tiền tìm kênh đầu tư nóng
Tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đến thị trường và các kênh đầu tư ở Việt Nam, mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư