Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Hàng ngàn công nhân PREX Vinh và Hanosimex đình công
Hoàng Hảo - 19/07/2013 15:59
 
Cho rằng chế độ làm việc quá hà khắc, bị đối xử bạc đãi, trả lương cho công nhân bèo bọt không đảm bảo mức sống tối thiểu, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH may mặc xuất khẩu PREX Vinh – thuộc Tập đoàn KIDO (Hàn Quốc) đóng tại cụm công nghiệp nhỏ xã Lạc Sơn (Đô Lương – Nghệ An) và Nhà máy may Hanosimex đóng tại xã Nam Giang (Nam Đàn – Nghệ An) đồng loạt đình công. >>> >>>

Trong hai ngày 17 và 18/7, hơn 2.000 công nhân PREX Vinh đã tập trung trước sân, cổng nhà máy đòi gặp lãnh đạo đề nghị giải quyết một số quyền lợi và chế độ cho người lao động. Nhiều công nhân cho biết, nguyên nhân khiến họ đình công là vì quyền lợi, các chế độ của họ không được đảm bảo, công ty vi phạm Bộ luật Lao động nghiêm trọng.

Chị Nguyễn Thị Hiền, một công nhân ở xưởng may cho biết: “Theo hợp đồng lao động, công nhân làm việc một ngày 8 tiếng, nhưng thực tế chúng tôi phải làm việc gần 10 tiếng".

Chị Hiền kể: "7 giờ 15 phút có mặt để lau chùi máy móc, 7h30 vào làm việc đến 12h mới được nghỉ ăn trưa. Sau đó 13h vào làm việc đến 18h mới được ra về. Ban lãnh đạo công ty cho biết, giờ làm chính thức là từ 7h30 đến 14h30, thế nhưng tất cả công nhân đều phải làm tăng ca đến 18h, mỗi giờ làm tăng ca chỉ được công ty trả 11.000 đồng, nếu ai không chịu làm tăng ca thì bị buộc thôi việc. Mỗi tháng chúng tôi chỉ được phép nghỉ đúng 1 ngày thứ Bảy của tuần thứ 2 trong tháng, còn lại các ngày thứ Bảy và Chủ nhật khác đều phải làm việc như những ngày bình thường mà không hề được hưởng chế độ làm thêm giờ như quy định của nhà nước. Có nhiều công nhân bố mẹ, chồng con ốm đau xin nghỉ mà công ty không cho”.

Chị Đặng Hồng Tươi tức tưởi kể thêm: “Phải làm việc quần quật vậy mà tổng thu nhập của công nhân mỗi tháng chỉ khoảng 2,1 – 2,5 triệu đồng, trong đó bao gồm lương cơ bản 1.450.000 đồng – 1.650.000 đồng, tiền ăn trưa 300.000 đồng, tiền xăng xe 50.000 đồng và mỗi giờ làm tăng ca 11.000 đồng, chỉ cần đi chậm hoặc ra về trước vài giây cũng bị trừ lương".

Hơn thế, theo lời chị Tươi, những công nhân ở xa phải thuê nhà trọ nhưng cũng không được công ty hỗ trợ tiền nhà ở. Buổi trưa hàng ngàn công nhân phải ở lại nhưng công ty không có nhà ăn tập thể, bởi vậy nhiều người phải gói cơm từ sáng sớm ở nhà mang đi, để đến trưa cơm nguội và ôi thiu nên nuốt không nổi. Một số khác ra cổng nhà máy ăn tạm, nhưng ở đây không có quán cơm bụi nào, chỉ có mấy hàng rong bán các thứ lặt vặt. Mỗi tháng công ty trả 300.000 đồng tiền ăn trưa, bình quân 10.000 đồng/ngày thì không đủ mua nửa bát phở và không thể đảm bảo sức khỏe để làm việc.

Các công nhân cũng phản ánh những vấn đề bức xúc khác như: buổi trưa bảo vệ đuổi hết công nhân ra khỏi xưởng khóa cửa lại nên công nhân không có chỗ nghỉ ngơi, tất cả đều phải ngồi vật vờ ngoài sân chờ đến 12h30 vào làm việc; Nhiều công nhân chỉ may sai sót một chút lập tức bị cán bộ quản lý (người Hàn Quốc) chửi bới và ném hàng vào mặt, thậm chí có nữ công nhân còn bị túm tóc dúi đầu vào máy may… một số trường hợp công nhân bị ốm đau đột xuất phải nằm viện nghỉ việc không kịp xin phép cũng bị công ty sa thải.

Đặc biệt có trường hợp chị Trần Thị Oanh (người Thượng Sơn – Đô Lương) làm việc ở chuyền may 24, mới mang thai được 5 tháng bỗng bị công ty đuổi việc mà không có lý do nên mọi chế độ bảo hiểm, thai sản đều không được hưởng. Những công nhân làm việc trên 1 năm ở đây cho biết, công ty chỉ ký hợp đồng lao động 12 tháng, hết hạn hợp đồng công ty tự gia hạn mà không hề mời công nhân lên ký hợp đồng mới, bởi vậy họ có thể sa thải bất cứ lúc nào mà không cần lý do.

Không chỉ hàng ngàn công nhân đang làm việc ở nhà máy đình công đòi các quyền lợi mà một số công nhân từng làm việc ở nhà máy đã bị sa thải cũng kéo đến phản đối công ty, trong đó có 9 phụ nữ trước đây từng là công nhân vệ sinh.

Chị Huỳnh Thị Vân - một trong số công nhân cũ bức xúc: “Chúng tôi là người dân xã Lạc Sơn, khi công ty về xây dựng nhà máy có hứa sẽ tạo công ăn việc làm cho con em xã Lạc Sơn nên chúng tôi hiến đất ruộng, chỉ nhận tiền đền bù hoa màu trên đất. Thế nhưng sau khi nhà máy xây dựng xong, họ nhận chúng tôi vào làm công nhân vệ sinh được tròn 1 năm với mức lương chưa đầy 2 triệu đồng/tháng thì sa thải với lý do thừa người. Bây giờ chúng tôi không còn ruộng sản xuất, không có công ăn việc làm thì sống bằng gì đây?”.

Được biết, hiện nay ở Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Hàn Quốc PREX Vinh đã thành lập tổ chức công đoàn và có gần 2.000 công nhân tham gia vào tổ chức. Tuy nhiên vai trò của công đoàn ở đây hết sức mờ nhạt.

Đây không phải là lần đầu tiên công nhân PREX Vinh đình công, mà trước đó ngày 11 – 14/5/2012 hơn 1.000 công nhân của công ty này cũng đã đình công đòi tăng lương, cấp phát thẻ BHYT, chế độ làm tăng ca, trợ cấp nuôi con nhỏ và nghỉ phép… Sau cuộc đình công lần đó có các yêu cầu của công nhân không những không được đáp ứng, mà 8 người được cho là dẫn đầu cuộc đình công đã bị công ty sa thải.

Sáng 18/7, phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn xin phép vào làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Hàn Quốc PREX Vinh để tìm hiểu vấn đề nhưng bị bảo vệ ngăn lại với lý do lãnh đạo công ty không cho phép.

Đại diện UBND huyện Đô Lương và Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương đã đến làm việc với Công ty này, sau đó bên phía PREX Vinh ra một bản thông báo trả lời 9 nội dung yêu cầu của công nhân.

Bản thông báo của PREX Vinh thừa nhận ở công ty có tình trạng cán bộ quản lý chửi bới và dùng những lời lẽ thiếu văn hóa xúc phạm công nhân và có trường hợp đánh đập công nhân, công ty hứa sau này sẽ cố gắng không để xảy ra những hành động như vậy nữa; Về vấn đề xây dựng và tổ chức nhà ăn trưa tập trung cho công nhân, công ty trả lời rằng do khó khăn về kinh tế, công ty đang làm ăn thua lỗ nên không thể thực hiện được và cũng không thể tăng thêm tiền ăn cho công nhân, nếu năm 2014 năng suất công ty tăng lên thì sẽ xem xét điều chỉnh cho hợp lý; Về chế độ tiền lương và tăng ca thì ban giám đốc cho rằng công ty đã thực hiện đúng theo luật lao động...

Đa số công nhân cho rằng, những vấn đề lãnh đạo PREX Vinh trả lời chưa thỏa đáng, không đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nên bỏ ra về và nhiều người tuyên bố nếu chưa được công ty cam kết bằng văn bản giải quyết các chế độ và quyền lợi chính đáng cho công nhân sẽ không quay lại làm việc.

Cũng trong sáng ngày 17/7, hàng trăm công nhân nhà máy may Nam Đàn Hanosimex, đóng tại cụm công nghiệp Nam Giang (Nam Đàn - Nghệ An) đã đồng loạt nghỉ việc. Theo phản ảnh của các công nhân, nguyên nhân khiến họ đòi nghỉ việc là do nhà máy trả tiền lương quá thấp. Ngoài ra, với cách chi trả lương của nhà máy, số tiền hàng tháng của công nhân nhận được không rõ ràng minh bạch, công nhân không biết tiền công được tính như thế nào.

Chị Nguyễn Thị H. - làm ở tổ 2, chuyền 4 cho biết: “Tháng 6/2013, tôi làm được 26 công và thêm 1 ngày Chủ nhật mà tiền sản phẩm chỉ được tính hơn 856.000 đồng. Theo bảng lương của nhà máy thì tiền công làm ngày Chủ nhật của tôi chỉ được tính hơn 34.000 đồng. Trong khi đó, quy định làm ngày Chủ nhật phải tính tiền công gấp đôi, tại sao họ chỉ tính được có mấy chục ngàn?”

Sau một ngày đình công, sáng 18/7 các công nhân nhà máy may Nam Đàn Hanosimex đã trở lại làm việc, tuy nhiên sau bữa ăn trưa bỗng dưng hàng chục công nhân kêu đau bụng khó thở, nhà máy phải tổ chức đưa đi cấp cứu và được các bác sĩ xác định là do ngộ độc thức ăn.

Nhà máy may Nam Đàn Hanosimex bắt đầu đi vào sản xuất ngày 2/5/2013. Hiện nhà máy có trên 400 lao động hợp đồng ngắn hạn và hơn 200 học sinh học nghề. Dự kiến, cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, sẽ thu hút hơn 2.000 lao động địa phương và các xã, huyện vùng lân cận.

Hình ảnh do Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn ghi lại tại Công ty TNHH may mặc xuất khẩu PREX Vinh:

Hàng ngàn công nhân Công ty PREX Vinh đình công sáng 18/7

Các công nhân PREX Vinh cho biết họ phải ăn trưa vật vã ở các quán cóc ngoài cổng công ty

Công nhân Trần Thị Oanh mang thai 5 tháng thì bị công ty PREX Vinh sa thải mà không có lý do

Bảo vệ đóng kín cửa ngăn không cho phóng viên vào

Đến gần trưa hàng ngàn công nhân bỏ về vì không được Công ty PREX Vinh đáp ứng
các yêu cầu về quyền lợi

Chủ tịch Hồ Gươm phủ nhận chuyện miệt thị lao động
Ngày 7/6, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Điện tử - baodautu.vn, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hồ Gươm đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư