Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hàng Việt sớm cải thiện thị phần tại Anh
Hải Yến - 08/06/2021 17:21
 
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/5/2021, mở ra thời kỳ mới cho hàng Việt chinh phục một thị trường sức mua lớn.

Xuất khẩu sang Anh thuận lợi hơn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh trong 4 tháng đầu năm tăng gần 27,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,94 tỷ USD. Mức tăng trưởng này được cho là ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến thương mại toàn cầu.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Anh từ đầu tháng 5/2021 trở đi sẽ thuận lợi hơn nữa khi UKVFTA chính thức đi vào thực thi sau 4 tháng có hiệu lực tạm thời. Và thực tế, ước 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Anh tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020, đạt kim ngạch khoảng 2,4 tỷ USD.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, thương mại 2 chiều Việt - Anh đạt 6,6 tỷ USD, trong đó Anh đứng thứ 9 trong các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với kim ngạch 5,76 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, thương mại 2 chiều giữa 2 nước giảm nhẹ, còn 5,642 tỷ USD.

UKVFTA được ký kết vào ngày 29/12/2020 tại Anh, có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021 và có hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021. Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh.

65% số dòng thuế được xóa bỏ khi UKVFTA có hiệu lực và tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan. Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh, con số sẽ là 36 triệu bảng Anh.

Nhìn vào tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm tại Anh là trên 700 tỷ USD, có thể thấy hàng Việt hiện mới chiếm không quá 1%. Đơn cử, với mặt hàng cà phê, dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất tính theo khối lượng vào thị trường này, nhưng tính theo trị giá thì mới chiếm 10,9%, đứng thứ 4 (sau Pháp, Đức và Brazil).

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, các doanh nghiệp nên khai thác khách hàng Anh nhiều hơn, bởi nhờ UKVFTA, cà phê Việt sẽ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường này. Hầu hết các loại cà phê Việt Nam đều được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào Anh ngay khi UKVFTA có hiệu lực.

Ngành hàng rau quả cũng có lợi thế đáng kể về thuế quan ưu đãi từ UKVFTA, với 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Theo thống kê của Uncomtrade (cơ sở dữ liệu thống kê hàng hoá xuất nhập khẩu của Liên hợp quốc), tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Anh năm 2019 đạt hơn 1,6 tỷ USD, nhưng rau quả từ Việt Nam chỉ đạt khoảng 10 triệu USD/năm.

Khoảng cách địa lý xa xôi và tiêu chuẩn kiểm soát nhập khẩu rau củ quả của Anh rất nghiêm ngặt là lý do khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại. “Để có thể mở rộng thị phần, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải đáp ứng một cách bền vững các quy định pháp luật của Anh về an toàn vệ sinh thực phẩm, giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu thấp, kiểm dịch thực vật, giống cây biến đổi gen, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, ông Nguyễn Cảnh Cường đề nghị.

Chìa khóa đưa hàng vào Anh

Nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Anh rất lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh còn khiêm tốn, phần lớn mang thương hiệu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hoặc thương hiệu của nhà phân phối tại Anh. Bởi vậy, bà Anh Dao Carrick, chuyên gia thương mại tại Anh lưu ý: “Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nên cùng với nhà phân phối sở tại phát triển thương hiệu sản phẩm của riêng mình phù hợp với từng phân khúc thị trường”.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp với các siêu thị hoặc các cửa hàng bán lẻ để đưa hàng vào Anh. Tuy nhiên, các thương hiệu sản phẩm Việt Nam chưa được nhận diện tại Anh thì khó có thể thâm nhập thị trường theo cách này.

“Doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng đại lý hoặc nhà phân phối địa phương để tiếp cận thị trường. Một đại lý thương mại có thể thay mặt một nhà xuất khẩu, hoặc một nhà máy để giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ cho các khách hàng tiềm năng tại Anh”, bà Anh Dao Carrick nói.

Một điều quan trọng nữa, khi chọn nhà phân phối hoặc đại lý, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo rằng, họ am hiểu các sản phẩm của mình, có khả năng marketing chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính và uy tín kinh doanh tốt (không bị khiếu kiện, không bị nợ quá hạn, luôn thực hiện cam kết).

Riêng với nông sản, cần lưu ý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất cao. Họ kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp.

Ngoài ra, nhãn mác cho thực phẩm phải đảm bảo tính xác thực (thực phẩm khớp với mô tả). Việc ghi nhãn được quy định để bảo vệ người tiêu dùng. Sản phẩm khác nhau có yêu cầu nhãn mác khác nhau. Chẳng hạn, với nhãn mác cho thực phẩm đóng gói sẵn, trên bao bì phải ghi rõ tên thực phẩm, danh mục thành phần (phải liệt kê tất cả thành phần theo thứ tự trọng lượng).

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư