Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hành động sớm để không thiếu điện
Thanh Hương - 28/07/2022 08:11
 
Nguy cơ thiếu điện vẫn hiển hiện, đòi hỏi EVN, các nhà đầu tư lẫn các cơ quan hữu trách cần sớm hành động.

Đến hẹn lại lên, những ngày miền Bắc và Hà Nội có nền nhiệt độ cao kéo dài cũng là lúc, mối quan tâm của dư luận dồn vào việc liệu có đáp ứng đủ điện để đối phó với nắng nóng và đảm bảo nền kinh tế hoạt động bình thường.

Dư luận dành sự quan tâm lớn là bởi, năm 2021, miền Bắc từng chứng kiến cảnh quá tải, mất điện cục bộ tại một số khu vực trong bối cảnh ngành điện buộc phải tiết giảm lượng điện cung cấp.

Nguy cơ thiếu điện vẫn hiển hiện.

Cụ thể, ngày 31/5/2021, ngành điện phải tiết giảm 700 MW cung cấp cho miền Bắc trong khoảng thời gian từ 13h đến 14h59, sau đó lại tiết giảm 500 MW từ 20h50 đến 22h48 để chống quá tải lưới điện và điện áp thấp. Ngày 1/6/2021, lại phải tiết giảm phụ tải 1.509 MW vào lúc 11h34 và sau đó tiết giảm bổ sung 500 MW lúc 12h51. Lúc 15h đã khôi phục phụ tải, nhưng đến 20h50, ngành điện lại phải tiết giảm 700 MW; tới 21h35 tiết giảm bổ sung 300 MW và sau 23h mới khôi phục hoàn toàn phụ tải.

Năm 2022, dù ngành điện nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhưng vì qua nhiều năm, miền Bắc không được bổ sung nguồn điện mới như kỳ vọng, cộng thêm sự giới hạn về khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra, nên câu chuyện cung cấp điện cho miền Bắc vẫn là nỗi trăn trở lớn. Điều bất ngờ đã diễn ra vào ngày 4/7/2022, khi hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp, ảnh hưởng tới việc cung cấp điện cho một số khách hàng lớn ở phía Bắc.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng, tiêu thụ điện tăng cao, một số tổ máy phát điện bị sự cố đã gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn trong việc cung cấp điện cho một số khách hàng lớn ở phía Bắc. Rất may là Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tích cực phối hợp với các đơn vị vận hành nguồn, lưới điện khắc phục sự cố và tới 15h00 ngày 4/7/2022, toàn bộ khách hàng bị gián đoạn nguồn cung đã được cấp điện trở lại; hệ thống điện miền Bắc cũng vận hành ổn định.

Trước đó, ngày 21/6/2022, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc đã lập kỷ lục mới với mức đỉnh là 22.330 MW, cao hơn khoảng 1.400 MW so với đỉnh được lập trong năm 2021. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, ngày 18/7, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc lại tiếp tục lập đỉnh mới với 22.800 MW.

Đáng nói là ngày 18/7/2022, một số nguồn phát điện tại khu vực miền Bắc như Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 cũng lại bị sự cố, với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555 MW. Tuy nhiên, cả hai ngày (21/6/2022 và 18/7/2022) hệ thống điện may mắn không gặp phải thách thức tương tự ngày 4/7/2022.

Nhu cầu tiêu dùng điện tăng nhanh ở miền Bắc cùng sự cố không mong muốn xảy ra với cả hệ thống cung ứng điện đang đặt ra yêu cầu phải có thêm giải pháp cho vấn đề trên.

Thực tế, trong vài năm gần đây, miền Bắc đã không được bổ sung nhà máy điện mới có số giờ vận hành trong năm cao, đóng vai trò chạy nền cho hệ thống với tổng công suất đủ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng. Trong khi việc phát triển dự án điện mặt trời tại khu vực này còn yếu, đường truyền từ miền Nam, miền Trung ra Bắc bị giới hạn, thì thách thức về việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng điện sẽ ngày càng lớn.

Với doanh nghiệp ngành điện, việc vận hành trong điều kiện nguồn không dư dả, chi phí ở mức cận biên, cùng những áp lực không nhỏ với riêng doanh nghiệp nhà nước đang khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải vật vã lo trước, lo sau. Cũng do là doanh nghiệp nhà nước, nên gần như mọi hoạt động, từ đầu tư cho tới ký kết thỏa thuận giá bán điện… của EVN cần phải được sự đồng ý của các cơ quan hữu trách thì mới có thể triển khai. Bởi vậy, khi giá điện tiếp tục bất động sau 3 năm, khi nhiều công trình nguồn điện lớn, mới của EVN và các nhà đầu tư khác đang triển khai nhưng gặp vướng mắc về chính sách, phải chờ rất lâu mới được giải quyết, thì yêu cầu không được để thiếu điện, cắt điện sẽ đầy thách thức. Đó là chưa kể, giá bán lẻ bình quân của ngành điện đứng yên từ tháng 3/2019 trong khi chi phí đầu vào phục vụ sản xuất điện tăng liên tục trong vòng 1 năm trở lại đây, cá biệt có thời điểm giá than tăng tới 300% và không dễ mua.

Nguy cơ thiếu điện vẫn hiển hiện. Thực trạng trên đòi hỏi EVN, các nhà đầu tư lẫn các cơ quan hữu trách cần sớm hành động. sớm có thêm giải pháp để đảm bảo tốt an ninh năng lượng, không để tình trạng thiếu điện trở thành điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nguy cơ thiếu điện do thiếu than hiện hữu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng nóng
Bộ Công thương và các doanh nghiệp đang cố gắng tìm kiếm mở rộng nguồn than nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt phục vụ nhu cầu sản xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư