Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hành trình 10 năm Nhựa Tiền Phong miền Trung: Kế thừa và phát triển
Thu Lê - 08/08/2023 08:58
 
Kế thừa giá trị về thương hiệu và kỹ thuật công nghệ từ công ty mẹ, sau 10 năm, Nhựa Tiền Phong miền Trung đã khẳng định vai trò là “cánh tay nối dài”, giúp tăng độ phủ và nhận diện thương hiệu của Nhựa Tiền Phong rộng khắp cả nước.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Nhựa Tiền Phong miền Trung đã khẳng định vai trò và có những đóng góp đáng kể cho sự lớn mạnh của Nhựa Tiền Phong
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Nhựa Tiền Phong miền Trung đã khẳng định vai trò và có những đóng góp đáng kể cho sự lớn mạnh của Nhựa Tiền Phong

Viết tiếp truyền thống vẻ vang

Những ngày cuối tháng 7/2023, đoàn chúng tôi lên đường về Công ty TNHH Nhựa Thiếu niên Tiền Phong miền Trung (Nhựa Tiền Phong miền Trung), tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Cấm, thuộc xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đoàn xuất phát từ 6 giờ sáng tại trụ sở công ty mẹ - Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) ở Hải Phòng và phải quá trưa mới đến nơi. Nhiệt độ tại Nghệ An lúc đó gần 39 độ C.

“Cách đây một tuần, nhiệt độ lên đến 41 - 42 độ C đấy ạ”, bạn nhân viên kinh doanh của Nhựa Tiền Phong miền Trung nói với chúng tôi như vậy khi đón đoàn.

Hơn 10 năm trước, cũng vào những ngày hè nóng nực như vậy, cán bộ, nhân viên của Nhựa Tiền Phong đã lên đường từ Hải Phòng vào Nghệ An để bắt tay xây dựng “những viên gạch đầu tiên” cho Nhựa Tiền Phong miền Trung.

Tại KCN Nam Cấm khi đó, theo lời ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, mới có một vài nhà máy sản xuất giản đơn và gia công, giá trị gia tăng thấp, như sản xuất dăm gỗ…

Dự án của Nhựa Tiền Phong gần như là dự án sản xuất có công nghệ cao nhất ở thời điểm đó. Nhựa Tiền Phong cũng chính là một trong những điển hình thành công của doanh nghiệp đầu tư vào KCN Nam Cấm của tỉnh. Công ty không chỉ đóng góp cho kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp về môi trường đầu tư, con người của mảnh đất Nghệ An”, ông Trị chia sẻ.

Là một trong những cán bộ được Nhựa Tiền Phong điều động biệt phái vào công tác tại Nhựa Tiền Phong miền Trung, nay là Tổng giám đốc của đơn vị này, ông Trần Trọng Nghĩa cho biết: “Năm đầu tiên đi vào hoạt động, cả Công ty chỉ có 96 người, trong đó có đến 70% lao động được biệt phái từ công ty mẹ; 30% còn lại là người địa phương, được tuyển dụng mới, chưa có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến năng suất lao động bị giảm sút, trang thiết bị hay gặp sự cố và hư hỏng. Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, chúng tôi đã vượt qua để cùng xây dựng Nhựa Tiền Phong miền Trung phát triển, lan tỏa hình ảnh và thương hiệu Nhựa Tiền Phong đến với người tiêu dùng trong khu vực”.

Giữ trong mình niềm khát khao cống hiến, trên chặng đường mới, Nhựa Tiền Phong miền Trung sẽ luôn là một tập thể đoàn kết bền chặt, một lòng theo định hướng phát triển của Ban lãnh đạo và không ngừng sáng tạo để mang đến những thành công mới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của công ty mẹ, cũng như sự lớn mạnh không ngừng của thương hiệu Nhựa Tiền Phong trong nước và trên trường quốc tế.

- Ông Chu Văn Phương,  Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nhựa Thiếu niên Tiền Phong miền Trung

Chia sẻ về quyết định đầu tư xây dựng Nhựa Tiền Phong miền Trung ở khu vực còn nhiều khó khăn và sức tiêu thụ của thị trường chưa cao như Nghệ An, ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Nhựa Tiền Phong miền Trung nhấn mạnh: “Đây là bước chạy đà cần thiết để Nhựa Tiền Phong tiếp tục cuộc đua ‘marathon’ một cách bền vững trên thương trường”.

Thời điểm năm 2012, khi hệ thống sản xuất mới tại KCN Nam Cấm bắt đầu xây dựng, cũng là giai đoạn kinh tế trong nước gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh cầm chừng. Nhưng Nhựa Tiền Phong khi đó vẫn duy trì được đà tăng trưởng và quyết định mở rộng thị phần bằng cách đầu tư dây chuyền sản xuất mới.

“Năm 2012 cũng là thời điểm mà Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (Nhựa Tiền Phong phía Nam) đã gặt hái được thành công sau 5 năm thành lập. Nhờ đó, quyết định đầu tư xây dựng Nhựa Tiền Phong miền Trung càng được ủng hộ”, ông Phương kể lại.

Đến ngày 12/9/2013, dây chuyền sản xuất mới tại miền Trung với quy mô đầu tư hơn 120 tỷ đồng của Nhựa Tiền Phong chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch đã đề ra. Đến nay, Nhựa Tiền Phong miền Trung gần tròn 10 năm tuổi, cùng với Nhựa Tiền Phong và Nhựa Tiền Phong phía Nam đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng cao.

Lan tỏa muôn nơi

Là doanh nghiệp sản xuất ống và phụ tùng nhựa xây dựng đầu tiên tại Nghệ An, Nhựa Tiền Phong miền Trung được kỳ vọng góp phần mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường thị phần của Nhựa Tiền Phong tại dải đất miền Trung nắng gió. Đây còn là dấu gạch nối vững chắc cho thương hiệu Nhựa Tiền Phong xuất hiện xuyên suốt tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu, Công ty đã từng bước đạt các chỉ tiêu doanh thu, đóng góp vào kết quả sản xuất, kinh doanh đáng ghi nhận của công ty mẹ, ngay cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Năm 2014, một năm sau khi đi vào hoạt động, Nhựa Tiền Phong miền Trung đã đạt doanh thu 485 tỷ đồng và chỉ đến hết quý I/2015, hoạt động kinh doanh của Công ty bắt đầu có lãi.

Trong hành trình hơn 63 năm xây dựng và phát triển, Nhựa Tiền Phong được biết đến như một thương hiệu quốc dân do người Việt sở hữu, đồng thời là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam. Trên mỗi chặng đường phát triển, Nhựa Tiền Phong đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đem tới những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Từ những sản phẩm truyền thống ban đầu như con giống đồ chơi, chiếc làn nhựa, hay đôi sandal trắng đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt, đến giai đoạn hiện tại, hơn 10.000 sản phẩm ống và phụ tùng nhựa đã gắn bó mật thiết với hàng ngàn công trình khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Kết thúc năm 2022, tổng hợp doanh thu cả 3 miền Bắc - Trung - Nam của Nhựa Tiền Phong đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng, trong đó, Nhựa Tiền Phong miền Trung đóng góp hơn 10%. Với kết quả này, Nhựa Tiền Phong tiếp tục khẳng định vị thế là “cánh chim đầu đàn” của ngành nhựa xây dựng Việt Nam.

Năm 2019, Nhựa Tiền Phong miền Trung mở rộng diện tích từ 4 ha lên hơn 6 ha; dây chuyền máy móc, trang thiết bị cũng được nâng cấp và trang bị thêm. Công ty hoạt động với 10 dàn máy hiện đại nhập từ châu Âu, có đủ khả năng cung ứng sản lượng hơn 15.000 tấn/năm.

Đến năm 2022, Công ty đã có thể tự sản xuất đa dạng các loại ống PPR, HDPE, PVC. Trong năm 2023, Công ty tiếp tục đưa vào sản xuất ống luồn dây điện UPVC D16 và D20.

Trong 10 năm phát triển, sản phẩm của Nhựa Tiền Phong miền Trung đã để lại dấu ấn tại nhiều dự án, công trình lớn, nhỏ. Có thể kể đến các dự án như VSIP Nghệ An, Golden City, Khu biệt thự liền kề của Tập đoàn Trường Thịnh Phát, Dự án Cung cấp nước và hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho người dân biên giới của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4)… Qua đó, thương hiệu Nhựa Tiền Phong ngày càng nhận được sự tin yêu của khách hàng.

Là một trong những đại lý cấp I gắn bó với Nhựa Tiền Phong hơn 25 năm qua, ông Tạ Quang Đạo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Mạnh Quân, Chủ tịch Hiệp hội Ống nhựa Nghệ Tĩnh chia sẻ: “Khi chưa có nhà máy tại Nghệ An, khách đặt hàng gấp thì cũng phải chờ gần 1 tuần, hàng từ Hải Phòng mới chuyển vào đến nơi. Mà trong kinh doanh, người ta cạnh tranh nhau từng chút một, từ giá cả cho đến thời gian giao hàng. Sau khi nhà máy của Nhựa Tiền Phong miền Trung đi vào hoạt động, dù đơn hàng lớn thì cũng chỉ trong 1 - 2 ngày là nhận đủ hàng. Cả đại lý, trung tâm phân phối và Công ty Nhựa Tiền Phong đều tiết giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, tạo lợi thế về giá bán và thời gian giao hàng. Nhờ đó, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng rất nhanh. Nếu những năm đầu, doanh thu chỉ khoảng 10 - 15 tỷ đồng/năm, thì đến nay đã đạt khoảng 45 tỷ đồng/năm”.

Chính sự tin tưởng, đồng hành của các đơn vị bán hàng, đặc biệt là các đơn vị ở miền Trung, thị phần của Nhựa Tiền Phong đã không ngừng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 8 - 13%/năm.

Tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái vốn có của Nhựa Tiền Phong, nhiều hoạt động thiện nguyện như tặng quà Tết cho người nghèo, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào lũ lụt... cũng được Nhựa Tiền Phong miền Trung tích cực tham gia. Đặc biệt là chương trình Cầu nối yêu thương đã mang tới những cây cầu an toàn cho các khu vực vùng sâu, vùng xa tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, góp phần thay đổi diện mạo của những làng quê nghèo và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con tại miền Trung.

“Chỉ trong vòng 10 năm, từ một đơn vị với quy mô sản xuất nhỏ, đến nay, Nhựa Tiền Phong miền Trung tự hào là doanh nghiệp được nhiều người dân, doanh nghiệp biết đến và có những thành tích xuất sắc trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước gặt hái thành công và nhiều năm liền được nhận Bằng khen, Cờ thi đua của các bộ, ngành trung ương, địa phương, trong đó có Cờ thi đua của Chính phủ được trao tặng năm 2017”, ông Trần Trọng Nghĩa hồ hởi chia sẻ khi đưa chúng tôi tham quan Phòng Truyền thống của Công ty.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Nhựa Tiền Phong miền Trung đã và đang ngày đêm nỗ lực, cùng với Nhựa Tiền Phong trên toàn hệ thống lan tỏa hình ảnh và ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng cả nước. Dấu ấn thương hiệu Nhựa Tiền Phong được tạo dựng không chỉ bằng chất lượng sản phẩm, mà còn bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng mà tập thể Công ty luôn kiên trì bồi đắp và gìn giữ.

Nhựa Tiền Phong - thương hiệu gắn bó với người dân đất cảng
Sản xuất ra những sản phẩm nổi tiếng một thời, từ lâu, Nhựa Tiền Phong đã trở thành “cánh chim đầu đàn” của ngành nhựa xây dựng Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư