Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhựa Tiền Phong là đơn vị tăng giá cuối cùng và giảm giá thì phải là đầu tiên
Thu Lê - 29/04/2023 08:53
 
Đó là khẳng định của ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong trước cổ đông tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ngày 28/4.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 5%

Ngày 28/4, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán là NTP) đã họp Đại Hội Đồng Cổ Đông thường niên năm 2023.

Báo cáo tại kỳ họp trước toàn thể cổ đông của Công ty, ông Chu Văn Phương, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong đã nhấn mạnh: “Công ty đã kiên cường vượt qua năm 2020, 2021 đầy khốc liệt với kết quả kinh doanh đứng đầu ngành. Nhựa Tiền Phong đã bắt đầu năm 2022 với một tâm thế chủ động, sẵn sàng thích ứng linh hoạt với những thay đổi, kiếm tìm những giải pháp phù hợp trong lúc khó khăn và tạo ra cơ hội trong mỗi thách thức”. 

Bằng những nỗ lực và quyết tâm, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2022 của Nhựa Tiền Phong đã ghi nhận ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây với tổng doanh thu đạt 5.685,1 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 564,48 tỷ đồng. Kết quả này đã vượt 9,8% kế hoạch doanh thu và 21,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của công ty đạt 5.064 tỷ đồng, tăng hơn 3,38% so với năm 2021 tập trung chủ yếu ở tài sản cố định (gồm nhà xưởng, máy móc…) và hàng tồn kho (nguyên vật liệu). Nợ phải trả là 2.233,02 tỷ đồng, tương đương 44% tổng nguồn vốn, trong đó không ghi nhận nợ vay dài hạn. Đây là điểm sáng trong bức tranh tài chính của Nhựa Tiền Phong trong bối cảnh lãi suất tăng, sức ép chi phí vốn đè nặng nhiều doanh nghiệp

Ngày 28.4, Nhựa Tiền Phong tổ chức kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023
Ngày 28/4, Nhựa Tiền Phong tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Căn cứ vào năng lực nội tại và tình hình phát triển kinh tế đất nước, Ban lãnh đạo của Nhựa Tiền Phòng đã đề ra mục tiêu sản xuất, kinh doanh hợp nhất cho năm 2023 (gồm, Công ty TNHH Nhựa Thiếu niên Tiền Phong miền Trung – công ty con; không bao gồm công ty liên kết, liên danh) và được các cổ đông thông qua. Theo đó, doanh thu thuần là 5.875 tỷ đồng, sản lượng đạt 106.000 tấn, duy trì mức tăng trưởng 5%. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 535 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lợi nhuận thực hiện được của năm 2022.

Tại kỳ họp, các cổ đông đã nhất trí phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Trong đó, trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 cho cổ đồng bằng 20% vốn điều lệ. Hiện đã trả cổ tức bằng tiền mặt đợt I là bằng 15% vốn điều lệ vào ngày 15/12/2022; trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi với mức 10% lợi nhuận sau thuế, trích lập cho Quỹ đầu tư phát triển là 151,08 tỷ đồng. Năm 2023, mức cổ tức bằng tiền vẫn duy trì ở mức 20% vốn điều lệ.

Ngoài ra, các cổ đông còn biểu quyết thông qua các báo cáo Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị độc lập năm 2022, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022; mức thù lao cho HĐQT năm 2023; uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn 1 trong 4 công ty kiểm toán cho năm tài chính 2023; sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động công ty; đổi một số ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Ông Bùi Đức Long, Trưởng ban tổ cức của SCIC (ngoài cùng bên trái) dược bầu làm thành viên HĐQT mới của Nhựa Tiền Phong.
Ông Bùi Đức Long, Trưởng ban Tổ chức cán bộ của SCIC (ngoài cùng bên trái) được bầu làm thành viên HĐQT mới của Nhựa Tiền Phong.

Đại hội đồng cổ đông còn thông qua việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT Nhựa Tiền Phong của ông Nguyễn Việt Phương, Phó trưởng ban Đầu tư 3 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025 với ông Bùi Đức Long, Trưởng ban Tổ chức cán bộ của SCIC. 

Không chạy theo lợi nhuận để tận thu

Tại kỳ họp này, vấn đề được cổ đông quan tâm và lãnh đạo Nhựa Tiền Phong dành thời gian trao đổi nhiều nhất liên quan đến câu chuyện chênh lệch doanh thu, lợi nhuận giữa Nhựa Tiền Phong so với doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực. Cụ thể là Nhựa Bình Minh.

Cổ đông Tô Hồng Sơn, người nắm giữ cổ phần của Nhựa Tiền Phong ngay từ những ngày đầu cổ phần hoá, tiếp tục là người có câu hỏi đầu tiên trong kỳ họp lần này.

Cổ đông Tô Hùng Sơn trao đổi tại kỳ họp với Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong.
Cổ đông Tô Hồng Sơn trao đổi với Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong.

Ông Sơn đã bày tỏ niềm vui vì sau một năm rất khó khăn, Nhựa Tiền Phong vẫn giữ được sự tăng trưởng dù không quá lớn. Nhưng nếu so sánh với một doanh nghiệp khác cùng ngành thì ông Sơn thấy sự tăng trưởng của Nhựa Tiền Phong trong năm 2022 và quý I/2023 có sự chênh lệch thấp hơn nhiều so với Nhựa Bình Minh, nên đã yêu cầu Ban Lãnh đạo của Nhựa Tiền Phong có những lý giải cụ thể.

Thay mặt Ban lãnh đạo công ty, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong chia sẻ: “Nhựa Tiền Phong từ nhiều năm nay, cụ thể là trong vòng 10 năm trở lại, luôn duy trì ổn định tỷ suất lợi nhuận/doanh thu từ 9-11%/năm. Để có tỷ suất lợi nhuận như vậy, Nhựa Tiền Phong đã phải áp dụng những chính sách linh hoạt, bám sát thị trường, chính sách phù hợp trong mua dự trữ nguyên liệu”. Theo phân tích báo cáo tài chính, việc dự trữ được nguyên liệu với giá thấp hơn các doanh nghiệp khác đã đóng góp 34 tỷ đồng trong tổng lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong năm 2022”.

Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong báo cáo tỉnh hình tài chính công ty năm 2022.
Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong báo cáo tình hình tài chính công ty năm 2022.

Còn việc lợi nhuận không bằng Nhựa Bình Minh là vì sao? Theo ông Dũng, đó chắc chắn là do nguyên tắc quản trị của từng doanh nghiệp. Hiện nay giá bán của Nhựa Bình Minh đang cao hơn Nhựa Tiền Phong gần 20%. Từ tháng 8/2022 trở về trước thì cao hơn khoảng 10%. Tháng 10/2021, khi nguyên liệu tăng giá tới 1.600 – 1.800 USD/tấn thì Nhựa Bình Minh đã tăng giá tới 4 lần, còn Nhựa Tiền Phong chỉ có 3 lần trong năm 2021.

Đến tháng 7/2022 khi giá nguyên liệu trên thế giới, cũng như ở thị trường Việt Nam tương đối ổn định và đưa về mức giá chỉ trên 1.000 USD/tấn thì Nhựa Tiền Phong ngay lập tức giảm 5% giá bán vào đầu tháng 8/2022, đến tháng 10 lại giảm tiếp 5%. Trong khi đó, Nhựa Bình Minh vẫn giữ giá bán đến hiện tại. Đó là nguyên nhân chính để dẫn đến sự chênh lệch lợi nhuận, doanh thu của Nhựa Tiền Phong so với Nhựa Bình Minh”, ông Dũng lý giải.

Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong khẳng định:
Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong khẳng định: "Nếu nguyên liệu đầu vào giảm giá, thì Nhựa Tiền Phong là đơn vị đầu tiên giảm giá, nếu nguyên liệu tăng giá thì chúng ta là doanh nghiệp cuối cùng tăng giá".

Ông Dũng chia sẻ thêm: Nếu 1/8/2022, Nhựa Tiền Phong thực hiện giảm giá lần đầu 5%, thì đến 3/8, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các ban ngành duy trì, ổn định mặt bằng giá trên thị trường. Trong bối cảnh khó khăn chung, việc không chạy theo cuộc đua tăng giá, là trách nhiệm của Nhựa Tiền Phong với cộng đồng, cũng là sứ mệnh của đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa của Công ty.

“Nếu nguyên liệu đầu vào giảm giá, thì Nhựa Tiền Phong là đơn vị đầu tiên giảm giá, nếu nguyên liệu tăng giá thì chúng ta là doanh nghiệp cuối cùng tăng giá. Đó là nguyên tắc điều hành của Ban lãnh đạo công ty. Truyền thống Nhựa Tiền Phong là được sinh ra từ nhân dân, lớn lên và phát triển bền vững cũng nhờ nhân dân. Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp quốc dân, là doanh nghiệp của Việt Nam, thương hiệu Việt Nam thì phải tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc này. Đó còn là vì niềm tin của người tiêu dùng dành cho chúng ta”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong trường hợp Nhựa Tiền Phong cứ giữ mức giá bán cao, không giảm giá để tăng lợi nhuận thì có bán được hàng không? Ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty đã khẳng định là được. Trong ngắn hạn 2-3 năm tới là được. Tuy nhiên, hệ quả của điều này sẽ là lâu dài, và nguy hiểm nhất là niềm tin của người tiêu dùng, các đối tác lớn của Nhựa Tiền Phong sẽ bị mất đi. "Nhựa Tiền Phong không chọn cách đi này", ông Phương khẳng định.

Nhựa Tiền Phong là đơn vị sản xuất ống và phụ tùng nhựa lớn hàng đầu Việt Nam, chiếm khoảng 37% thị phần trong nước, sở hữu 12 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và khoảng 21.000 cửa hàng, điểm bán hàng trên toàn quốc.

 

Nhựa Tiền Phong chốt cổ tức năm 2021 là 25% bằng tiền mặt; doanh thu năm 2022 tăng 6%
Năm 2022, Nhựa Tiền Phong sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm phát triển hạ tầng, xây dựng dân dụng, thủy sản, hạ tầng giao thông, công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư