Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
Hành trình phát triển ấn tượng của Việt Nam và tầm nhìn sau 50 năm thống nhất
Từ một quốc gia gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, minh chứng cho sự kiên cường và khả năng thích nghi vượt trội.
Kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Tôi có cơ hội chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam kể từ năm 2007. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức ấn tượng. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hướng tới mức hai con số trong các năm tiếp theo. Sự lạc quan này dựa trên đà phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, cùng với các chính sách cải cách chiến lược. Gói kích thích kinh tế trị giá 20 tỷ USD và các cải cách cơ cấu sâu rộng là những nỗ lực đáng kể, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức mới. Đề xuất của Mỹ về việc áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu và làm giảm hấp lực của dòng vốn FDI. Song, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn và áp dụng các thực hành kinh tế công bằng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trước diễn biến này, Việt Nam đã thể hiện khả năng phản ứng linh hoạt. Ngoại giao song phương được thúc đẩy nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại. Trong nước, đầu tư công được tăng cường, cùng với các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển hạ tầng, công nghệ và tiêu dùng nội địa, giúp duy trì đà tăng trưởng.

Một điểm sáng khác là việc điều chỉnh khung pháp lý cho lĩnh vực tài sản số. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP, định hướng xây dựng khung khổ pháp lý quản lý tài sản ảo - một bước đi chiến lược trong bối cảnh fintech và blockchain ngày càng phát triển. Là công ty luật có chuyên môn trong lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy rằng, quy định rõ ràng sẽ là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực số.

Cách tiếp cận pháp lý cho phép thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới trong môi trường kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới, đặc biệt khi Trung tâm Tài chính quốc tế (IFC) sẽ thành lập tại TP.HCM.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực then chốt như đơn giản hóa pháp luật, tinh gọn thủ tục hành chính và đầu tư mạnh vào giáo dục. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.

Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) có thể là đối tác lý tưởng hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, thông qua các chương trình đào tạo, chuyển giao kiến thức và thu hẹp khoảng cách văn hóa - kinh tế, hướng tới một thế hệ lao động có tính cạnh tranh toàn cầu.

Đồng thời, việc tinh giản hệ thống pháp luật và đảm bảo tính ổn định trong quy định là yếu tố quan trọng để duy trì và thu hút đầu tư. Gần đây, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vai trò chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị khu vực. Hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như hạ tầng đường sắt và kinh tế số, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường.

Việt Nam bước sang cột mốc 50 năm thống nhất đất nước trong tâm thế của một quốc gia đang trên hành trình phát triển mạnh mẽ. Khả năng chủ động thích ứng với biến động toàn cầu cho thấy Việt Nam sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Với vị trí địa lý chiến lược, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện và thị trường tài sản số nhiều tiềm năng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.

Trong những năm tới, khả năng thích ứng và đổi mới sẽ đóng vai trò then chốt trong hành trình phát triển của Việt Nam. Dòng vốn FDI mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao, là chỉ dấu tích cực cho thấy sức bền của nền kinh tế. Đồng thời, phát triển hạ tầng và chuyển đổi số sẽ là trụ cột giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng.

Với chiến lược tháo gỡ các rào cản pháp lý, đầu tư vào giáo dục và tận dụng thế mạnh của tài sản số, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tới những tầm cao mới trong hành trình phát triển của mình.

Kinh tế Việt Nam vượt khó năm 2025
Để đạt được kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao vào năm 2025, Việt Nam phải vượt qua những rủi ro nhất định và hầu hết liên quan đến chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư