Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Quảng Bình:
Hấp dẫn Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc trên quê hương Đại tướng
Ngọc Tân - 31/01/2024 07:46
 
Nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa sẽ được tổ chức tại kỳ Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm nay dự kiến sẽ thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm bái.

Chùa Hoằng Phúc khởi nguồn từ am Tri Kiến, là di tích lịch sử cấp Quốc gia nổi tiếng ở Quảng Bình. Chùa toạ lạc tại một vùng đất cao ráo gần 10.000 m2, nằm phía hữu ngạn sông Kiến Giang, thuộc địa phận xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Đây được xem là ngôi chùa cổ bậc nhất miền Trung với lịch sử trên 700 năm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông lập ra trong một chuyến vân du phương Nam (năm 1301).

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chùa Hoằng Phúc là điểm đến của đông đảo du khách trong những năm gần đây
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chùa Hoằng Phúc là điểm đến của đông đảo du khách trong những năm gần đây

Chùa Hoằng Phúc nổi tiếng linh thiêng, hàng năm thu hút rất đông đảo du khách gần xa đến chiêm bái và tham quan, nhất là sau thời điểm chùa được trùng tu và phục dựng hoàn thiện vào năm 2016.

Những năm gần đây, trong dịp Tết nguyên đán, UBND huyện Lệ Thuỷ thường xuyên tổ chức Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc nhằm duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, đồng thời tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách đến với huyện nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

Trong năm 2024, Lễ hội dự kiến được tổ chức vào các ngày 23- 24/2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với 2 phần. Phần lễ gồm các nghi lễ theo nghi thức Phật giáo, lễ rước nước, khai mạc lễ hội, lễ thả cá phóng sinh. Và phần hội, gồm các chương trình hấp dẫn như biểu diễn văn nghệ; hoạt động “Hành trình về nguồn” tại các điểm di tích lịch sử Văn hóa trên địa bàn: Thăm Nhà truyền thống – Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chùa An Xá – Miếu Thần Hoàng – Chùa Hoằng Phúc; thi đấu thể thao; tổ chức trò chơi dân gian (hội bài chòi); các hoạt động quảng bá du lịch Lệ Thủy và trưng bày các gian hàng sản phẩm OCOP...

Theo UBND huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình cho biết, việc tổ chức Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc góp phân nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện; đồng thời tiếp tục đầu tư, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử, văn hóa, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Cũng theo UBND huyện Lệ Thuỷ, một hoạt động rất đặc biệt trong dịp lễ hội Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm 2024 lần này đó là chương trình thi đấu thể thao với 3 môn: Cờ tướng, nhảy bao bố, và thi đấu biểu diễn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.

Các môn thi đấu này sẽ được tổ chức trong vòng 2 ngày 23-24/2 (tức ngày 14 và 15 tháng giêng năm Giáp Thìn). Trong đó, môn thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam được dự báo sẽ thu hút đông đảo du khách quan tâm theo dõi khi quy tụ nhiều câu lạc bộ, đội tuyển mạnh trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ (nơi được đánh giá có phong trào tập luyện và phát triển Võ cổ truyền mạnh nhất tỉnh Quảng Bình hiện nay) tham gia tranh tài. Trong số đó, có nhiều VĐV đã từng đạt các thành tích cao tại các giải đấu khu vực trong và ngoài tỉnh tham dự.

Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc dự kiến được tổ chức vào các ngày 23- 24/2 (tức ngày 14 và 15 tháng giêng năm Giáp Thìn)
Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc dự kiến được tổ chức vào ngày 23- 24/2 (tức ngày 14-15 tháng Giêng năm Giáp Thìn)

Ông Phạm Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thông tin và Truyền thông huyện Lệ Thuỷ, Trưởng Tiểu ban Tổ chức thi đấu thể thao và trò chơi dân gian Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc cho biết, môn thi Võ thuật cổ truyền tập trung ở 2 nội dung thi đấu đối kháng và biểu diễn quyền (quy định, tự chọn). Trong đó, nội dung thi đấu đối kháng sẽ diễn ra bao gồm 5 hạng cân (từ 36 đến 51 kg) dành cho các VĐV nam – nữ tuổi đời từ 17 tuổi (2006 -2014) trở xuống.

Cũng theo ông Cường, hiện nay phong trào tập luyện Võ thuật cổ truyền Việt Nam phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ. Do vậy, việc đưa môn Võ cổ truyền vào thi đấu trong dịp lễ hội lần này được xem là một “điểm nhấn” nhằm thu hút thêm đông đảo du khách đến với dịp Lễ hội.

"Đây là lần đầu tiên Võ cổ truyền được đưa vào Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc. Nếu việc tổ chức được diễn ra thành công, khách quan, đúng điều lệ, đảm bảo quy định, chúng tôi sẽ xem xét tiếp tục đưa môn này vào trong chương trình của các kỳ Lễ hội những năm tiếp theo", ông Cường chia sẻ thêm.

Phong trào tập luyện Võ cổ truyền trên quê hương Lệ Thuỷ
Phong trào tập luyện Võ cổ truyền trên quê hương Lệ Thuỷ

Với những hoạt động văn hóa, truyền thống, tâm linh đầy ý nghĩa, Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc chắc chắn sẽ là ngày hội văn hoá hết sức ý nghĩa với người dân địa phương và du khách gần xa đến tham quan chùa Hoằng Phúc và huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình trong dịp Xuân Giáp Thình này.

Quảng Bình đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án cao tốc trong tháng 2/2024
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành các dự án tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật nhằm hoàn thành công tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư